Người đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các tài liệu của TT Biden từng bị bắt trong vụ bê bối Chinagate thời ông Bill Clinton
Các hồ sơ tòa án tiết lộ, người bảo quản hồ sơ phó tổng thống của Tổng thống (TT) Joe Biden, một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra các tài liệu mật của ông, đã bị bắt trong một vụ bê bối tài liệu khác khi làm việc tại Bộ Thương mại dưới thời chính phủ TT Clinton.
Bà Kathy S. Chung, phụ tá và là người quản lý lâu năm của ông Biden, người đã được các công tố viên liên bang và các nhà điều tra quốc hội phỏng vấn trong vụ án của TT Biden, là thành viên của một nhóm bị xử phạt vì giữ lại và thậm chí tiêu hủy các tài liệu quan trọng trong vụ án liên bang vốn tìm kiếm các hồ sơ nhạy cảm từ một nhân vật trung tâm trong cái gọi là cuộc điều tra gây quỹ Chinagate vào cuối những năm 1990, RealClearInvestigations (RCI) đã có được tin độc quyền.
Một công tố viên đặc biệt hiện đang điều tra xem liệu TT Biden có giải quyết bất hợp pháp các tài liệu tuyệt mật vào đầu năm 2017 hay không, khi ông giao nhiệm vụ cho bà Chung chuyển các thùng chứa tài liệu mật ra khỏi Tòa Bạch Ốc và cất giữ chúng tại nhiều văn phòng cá nhân ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bao gồm cả ở khu phố Tàu. Một số giấy tờ rất nhạy cảm cũng đã nằm tại nhà của ông ở Wilmington, Delaware.
Với lưu ý rằng bà Chung đã trở thành tay chân thân tín của ông Biden thông qua quá trình cùng làm việc với ông Hunter, con trai của tổng thống, trong những năm 1990, các điều tra viên của Quốc hội muốn biết liệu các giao dịch của gia đình Biden ở Trung Quốc có liên quan gì đến việc tích trữ tài liệu mật hay không. Họ lưu ý rằng việc giải quyết sai các giấy tờ của Tòa Bạch Ốc đã diễn ra trong khoảng thời gian 14 tháng trong năm 2017–2018 khi người Trung Quốc chuyển các khoản thanh toán gần 6 triệu USD cho ông Hunter và chú của ông ta là ông Jimmy Biden mà không cung cấp bất kỳ dịch vụ hợp pháp nào đã biết. Họ bày tỏ lo ngại rằng các khoản thanh toán này, được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đánh dấu cảnh báo, là một phần của hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.
Bà Chung là trọng tâm trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc TT Biden xâm phạm tài liệu mật.
Hôm 04/01, các nhân viên liên bang đã phỏng vấn bà Chung trong khi phối hợp với một nhóm điều tra được dẫn đầu bởi Biện lý Liên bang John Lausch, người được giao nhiệm vụ tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về vụ vi phạm an ninh này. Lo lắng trước những gì mà các điều tra viên đã báo cáo lại với ông về vai trò của bà Chung trong việc di chuyển và lưu giữ các bí mật nhà nước theo cách có thể là bất hợp pháp, nên ông Lausch đã thúc giục Tổng chưởng lý Merrick Garland chỉ định một công tố viên đặc biệt. Ngày hôm sau, ông Garland đã đồng ý làm theo, chỉ định công tố viên liên bang kỳ cựu Robert K. Hur tiếp quản vụ án hình sự này với tư cách là biện lý đặc biệt. Văn phòng của ông Hur được cho là đã thu được hơn 100 trang tài liệu từ bà Chung, bao gồm các thư điện tử và tin nhắn văn bản.
Trong khi cựu TT Donald Trump và cựu Phó TT Mike Pence cũng đang bị điều tra vì đã chuyển các tài liệu mật ra khỏi Tòa Bạch Ốc và lưu trữ tại tư gia của họ, các điều tra viên của Quốc hội thuộc GOP cho rằng việc đưa ra so sánh với ông Trump và ông Pence là không chuẩn xác. Trong các cuộc phỏng vấn với RCI, họ nhấn mạnh rằng vụ bê bối tài liệu của TT Biden có khả năng nghiêm trọng hơn là chỉ giải quyết sai các bí mật nhà nước. Họ nghi ngờ đây có thể trở thành một vụ phản gián liên quan đến Trung Quốc và an ninh quốc gia, mặc dù Tòa Bạch Ốc bác bỏ sự suy đoán như vậy là “vô căn cứ.”
Luật sư Bill Taylor của bà Chung đã không phúc đáp yêu cầu bình luận. Nhưng trong một tuyên bố trước đó, ông đã chỉ trích các thành viên Đảng Cộng Hòa vì “cho rằng ai đó là kẻ phản bội mà không có bất kỳ bằng chứng nào.”
Vai trò kép của bà Chung—là phụ tá của ông Joe Biden khi ông còn là phó tổng thống và là bạn của ông Hunter Biden, người đã gửi thư điện tử cho thấy bà Chung đã nhận được thông tin nhạy cảm từ văn phòng của cha của ông—làm nổi bật thêm nguyên tắc đạo đức không rõ ràng tồn tại giữa chức vụ công và các lợi ích kinh doanh của gia đình Biden.
Ông Hunter Biden và bà Chung có một lịch sử lâu dài kể từ những ngày họ cùng làm việc tại Bộ Thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton. Chính tại đó mà bà Chung — một thành viên Đảng Dân Chủ lâu năm làm việc trong bộ máy công chức liên bang — đã trở thành nhân chứng trong một vụ án liên quan đến người gây quỹ Chinagate bị kết án Jian-Nan “John” Hoàng (Hoàng Kiến Nam), một quan chức hàng đầu của Bộ Thương mại.
Năm 1993, Tổng thống đương thời Clinton đã bổ nhiệm ông Hoàng, một người bạn gốc Trung Quốc là chủ ngân hàng đến từ Little Rock, làm phó phụ tá bộ trưởng đặc trách các vấn đề kinh tế quốc tế tại Bộ Thương mại, nơi ông chịu trách nhiệm về các vấn đề thương mại Á Châu. Trong vòng một tháng, ông Hoàng đã được cấp một quyền tiếp cận an ninh tuyệt mật và nhận được các báo cáo tình báo hai lần một tuần từ các nhà phân tích CIA. Đồng thời, có thông tin tiết lộ là, ông thường xuyên gặp gỡ các nhà ngoại giao Trung Quốc và các quan chức khác có mối liên hệ với Bắc Kinh.
Nhóm giám sát Judicial Watch đã tìm kiếm các tài liệu liên quan đến việc ông Hoàng tiếp cận các bí mật thương mại và các chuyến đi của ông ấy tới Trung Quốc. Bà Chung là một trong những quản trị viên chịu trách nhiệm cung cấp các tài liệu như vậy theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Nhưng bộ này đã bị xử phạt vì đã không đưa ra và thậm chí tiêu hủy các tài liệu quan trọng trong vụ án liên bang này— như vụ Judicial Watch Inc. kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ — trong đó ông Hoàng là bị cáo chính. Sau khi Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Royce Lamberth phán quyết cuộc tra cứu thông tin của Bộ Thương mại là “rất không phù hợp” và “bất hợp pháp,” bà Chung và cấp trên của bà được lệnh tiến hành một cuộc tra cứu khác. Tuy nhiên, theo lời khai có tuyên thệ của bà trong vụ án này (từ một bản sao mà RCI đã thu được), bà Chung đã không đưa ra các tài liệu liên quan đến ông Hoàng từ máy điện toán của cấp trên của bà là bà Melissa Moss, tại Văn phòng Liên lạc Doanh nghiệp. Là một người được ông Clinton bổ nhiệm như ông Hunter Biden, bà Moss đã bắt tay với ông Hoàng trong các chuyến đi thương mại đầy tai tiếng ở Á Châu và các nước ngoại quốc khác dành cho các nhà tài trợ của Đảng Dân Chủ. Trước khi làm việc ở Bộ Thương mại, bà từng là giám đốc tài chính của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ (DNC).
“Khi thực hiện cuộc tra cứu này, tôi đã được một nhân viên của Bộ phận Trợ giúp Máy điện toán giúp đỡ và người này đã thông báo với tôi rằng một số tài liệu không thể mở được,” bà Chung nói với tòa án trong bản khai hữu thệ năm 1999 mà chưa bao giờ được tải lên PACER, hệ thống hồ sơ điện tử của tòa án liên bang. (Sau nhiều đơn yêu cầu gửi lên tòa, ông Leayrohn King, thư ký hồ sơ của Tòa án Địa hạt Liên bang ở Washington D.C, đã cung cấp cho RCI một bản sao lời khai của bà Chung và nhận xét rằng thật kỳ lạ khi bản sao này không có trên PACER. Kể từ đó, tòa án này đã đưa bản sao đó vào hệ thống ghi sổ trực tuyến.)
Bà Chung, hiện đang là phụ tá hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã không trực tiếp bị cáo buộc có hành vi sai trái. Tuy nhiên, các luật sư của Judicial Watch đã phàn nàn rằng bộ của bà đã bao che cho ông Hoàng, người mà họ nghi ngờ đang bán các bí mật của chính phủ và tiếp cận với Trung Quốc.
Trong khi bà Chung vẫn ở Bộ Thương mại, thì ông Hoàng đã rời đi để làm việc cho nỗ lực tái tranh cử của ông Clinton. Ông đã gây quỹ được gần 3 triệu USD cho DNC và ông Clinton vào năm 1996. Sau đó, một nửa số tiền đó bị phát hiện là trái phép hoặc không phù hợp và bị trả lại vì những khoản quyên góp này đến từ các nguồn ngoại quốc, trong số đó có nhiều khoản liên quan đến Bắc Kinh.
Thông qua một lực lượng đặc nhiệm được chỉ định, Bộ Tư pháp đã điều tra ông Hoàng như một “đặc vụ gây ảnh hưởng” tiềm tàng phục vụ cho Trung Quốc. Năm 1999, ông Hoàng đã thừa nhận một trọng tội vi phạm các luật tài chính vận động tranh cử vì đã thu xếp các khoản quyên góp ngoại quốc trái phép. Mặc dù trọng tội này có khung hình phạt tối đa là 5 năm tù giam, nhưng ông vẫn chỉ bị kết án một năm quản chế và đã đồng ý hợp tác với các công tố viên trong cuộc điều tra của họ về một số đồng phạm.
Sau khi ông Hunter Biden rời Bộ Thương mại hồi năm 2001, nơi ông từng là giám đốc điều hành chính sách thương mại điện tử, ông gia nhập một công ty luật K Street do ông William Oldaker, một nhà tài trợ chính trị lớn của cha ông, thành lập. Hồ sơ mà RCI có được cho thấy các luật sư của công ty luật Oldaker, Biden & Belair LLP đã đại diện cho một cấp trên khác của bà Chung tại Bộ Thương mại trong vụ kiện FOIA đang diễn ra (vụ án này mãi đến năm 2004 mới được giải quyết xong).
Theo thư điện tử được tìm thấy trên chiếc máy điện toán xách tay bị bỏ rơi của ông, một thập niên sau, ông Hunter đã đề nghị cha mình thuê bà Chung làm trợ lý riêng trong Văn phòng Phó Tổng thống. Bắt đầu từ tháng 07/2012, bà Chung chịu trách nhiệm giám sát các công việc văn phòng của Phó Tổng thống đương thời Joe Biden, bao gồm giải quyết sổ tóm tắt công việc và sắp xếp lịch trình cho các chuyến công du ngoại quốc của ông ấy. Bà đã thu xếp các chi tiết cho chuyến đi gây tranh cãi năm 2013 của ông Hunter Biden tới Bắc Kinh cùng với phó tổng thống đương thời. Trong chuyến đi đó, ông Hunter đã gặp gỡ các đối tác đầu tư Trung Quốc và sắp xếp để cha ông bắt tay với một trong những người này. Các thư điện tử cho thấy bà Chung cũng đã mời ông Hunter tham dự bữa trưa năm 2015 với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bộ Ngoại giao.
Hồi tháng 01/2017, khi ông Joe Biden rời Tòa Bạch Ốc, bà Chung đã giúp đóng gói 13 thùng chứa hồ sơ từ tủ văn phòng của ông và cất giữ chúng tại một văn phòng chuyển tiếp gần đó, theo một bản ghi chép một phần về lời khai gần đây của bà Chung được ghi lại một cách bí mật tại Điện Capitol. Vào khoảng tháng 07/2017, bà Chung đã chất những chiếc thùng này lên xe hơi của mình để chuyển đến một văn phòng tư nhân mà bà thuê ở khu Phố Tàu ở Hoa Thịnh Đốn, trước khi những thùng này được đưa đến Trung tâm Penn Biden do Trung Quốc tài trợ ở Washington D.C vào đầu năm nay, theo bản ghi chép.
Hóa ra những thùng này chứa hàng chục tài liệu tuyệt mật, bao gồm cả những tài liệu bí mật đến mức chúng chỉ có thể được xem trong một Cơ sở Lưu trữ Thông tin Mật (Sensitive Compartment Information Facility, SCIF). Tuy nhiên, các thùng tài liệu này đã được tìm thấy hồi năm ngoái trong một phòng lưu trữ không khóa tại trung tâm nói trên vốn có thể tiếp cận mà không cần chìa khóa. (Ban đầu, Tòa Bạch Ốc tuyên bố sai sự thật rằng các thùng này được cất giữ trong một “tủ khóa kín.”) Các công tố viên đang điều tra chuỗi hành trình lưu giữ các giấy tờ tình báo được cất giữ lỏng lẻo đó nhằm xác định xem có bất kỳ giấy tờ nào được sao chép hoặc chuyển qua tay người ngoại quốc hay không.
Bà Chung, người đã có quyền tiếp cận an ninh tuyệt mật và có kinh nghiệm giải quyết và xác định các tài liệu mật, nói với các nhà điều tra Quốc hội rằng bà không biết những chiếc thùng này chứa tài liệu mật — mặc dù một số tập hồ sơ trong các thùng có dán các tờ bìa ghi rằng các thùng này có chứa các tài liệu bí mật của chính phủ. Mặc dù bà đã mở các thùng khi chuyển các thùng này đến trung tâm nói trên và sau đó đóng gói lại vào mùa hè năm ngoái theo yêu cầu của các luật sư của TT Biden, nhưng bà lại khẳng định mình chưa bao giờ nhận thấy bất kỳ giấy tờ mật nào hoặc nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu mật nào.
Ít nhất 20 giấy tờ tuyệt mật được đánh dấu ở cấp độ Thông tin Mật/Tuyệt Mật đã được tìm thấy tại trung tâm mà FBI đã lục soát hồi đầu năm nay. Các tài liệu này được biết là có chứa nội dung về Ukraine, Iran, và Vương quốc Anh, trong số các nước ngoại quốc khác.
Bà Chung đã giúp TT Biden nghiên cứu cuốn hồi ký năm 2017 của ông, “Hãy Hứa Với Con, Bố Ơi” (Promise Me, Dad). Người ta không biết liệu TT Biden hay bà Chung có tham khảo bất kỳ tài liệu nào từ các thùng này cho cuốn sách của ông ấy hay không. Cuốn sách này được phát hành hồi tháng 11/2017 và tiết lộ những lời tự thuật của người trong cuộc về các vai trò khác nhau của TT Biden trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bao gồm cả Ukraine. TT Biden đã liệt kê bà Chung đầu tiên trong số những người mà ông ghi nhận vì những đóng góp của họ cho cuốn sách: “Cảm ơn vì tất cả những điều này, và hơn thế nữa, xin cảm ơn bà Kathy Chung.”
Các bê bối chồng chéo?
Hồi năm 2015, ông Hunter lần đầu tiên liên lạc với các giám đốc điều hành Trung Quốc của CEFC China Energy, một tổ chức bị nghi ngờ là bình phong của tình báo Trung Quốc. Các thư điện tử được tìm thấy trong máy điện toán xách tay bị bỏ rơi của ông Hunter cho thấy một cố vấn của CEFC đã sắp xếp một bữa tối riêng ở Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 12/2015 với ông Hunter và Chủ tịch CEFC đương thời Diệp Giản Minh (Ye Jianming), người được cho là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong một thư điện tử mà bà Chung gửi cho ông Hunter Biden cùng năm đó, bà đã đính kèm một danh sách các số điện thoại di động cá nhân của các quan chức cao cấp của Hoa Thịnh Đốn, bao gồm Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc đương thời Denis McDonough, Bộ trưởng Tư pháp đương thời Loretta Lynch, và một số bộ trưởng Nội các, cũng như ông Bill Clinton, bà Hillary Clinton, và một số thượng nghị sĩ và thành viên đầy quyền lực của Quốc hội.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer suy đoán rằng ông Hunter có thể đã cố gắng “chứng minh giá trị của mình với những người đang trả những khoản tiền rất lớn này cho ông ấy,” một phần bằng cách “cho họ thấy ông có các số điện thoại di động của những cá nhân quyền lực.”
Bà Chung vẫn giữ liên lạc với ông Hunter Biden sau khi bà rời Tòa Bạch Ốc. Vào ngày 02/02/2017, ngay sau khi bà Chung thu dọn các hồ sơ Tòa Bạch Ốc của ông Biden, ông Hunter đã gửi thư điện tử cho bà Chung để đề nghị bà “hãy đến làm việc với tôi … để tôi có thể kiếm tiền cho mọi người.” Các tin nhắn được tìm thấy trên máy điện toán xách tay của ông Hunter cho thấy, vào năm tiếp theo, bà Chung đã gửi cho các thành viên gia đình Biden một liên kết đến một ứng dụng nhắn tin được mã hóa có tên Signal và thúc giục họ cài đặt ứng dụng này trên các thiết bị điện tử của họ.
Hồi cuối tháng 02/2017, ông Hunter đã nhận được một viên kim cương trị giá 80,000 USD từ ông Diệp, người đã để lại viên đá quý hiếm này kèm theo một lời tri ân tại phòng khách sạn của ông Hunter sau khi họ gặp nhau ở Miami. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The New Yorker, ông Hunter thừa nhận đã lấy viên đá đắt tiền này, mặc dù ông nói là có nghi ngờ không rõ món đồ này là nhằm mục đích hối lộ hay không.
Ông Comer cho biết ông đang điều tra xem liệu các đối tác Trung Quốc của gia đình Biden “có quyền truy cập vào các tài liệu mật được tìm thấy” hay không. Ông lưu ý rằng ông Hunter Biden, hồi năm 2017, đã dự trù chia sẻ không gian văn phòng ở Hoa Thịnh Đốn với một đối tác Trung Quốc khác là ông Đổng Công Văn (Gongwen “Kevin” Dong), quản lý tài chính của CEFC, người đã ký vào các khoản thanh toán chuyển khoản cho gia đình Biden.
“Mức độ tiếp cận và cơ hội này đặt ra câu hỏi về việc ai có quyền truy cập vào các tài liệu mật đó,” ông Comer nói.
Tháng 11/2017, một đối tác khác đến từ Trung Quốc của ông Biden — ông Hà Chí Bình (Patrick Ho) của CEFC — đã bị các đặc vụ FBI bắt giữ vì tội hối lộ và rửa tiền. Theo các tài liệu liên bang mà RCI có được, FBI đã đột kích vào các văn phòng của CEFC tại khu vực Hoa Thịnh Đốn ngay sau khi ông Hà bị bắt và lục soát các văn phòng này để tìm bằng chứng. Các tài liệu này tiết lộ thêm rằng FBI đã “theo dõi bằng thiết bị điện tử” đối với ông Hà vốn là một gián điệp Trung Quốc bị tình nghi theo một lệnh nghe lén trong Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc.
Theo các thư điện tử được tìm thấy trên máy điện toán xách tay bị bỏ rơi của ông Hunter, trong vòng vài tháng sau khi biết đối tác Trung Quốc của mình đã bị bắt, hồ sơ tài sản cho thấy ông Hunter đã chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng tại Hoa Thịnh Đốn của chính mình và đóng cửa cơ sở này, nơi ông đã làm chìa khóa cho cả ông Đổng và cha mình, ông Joe Biden. Cùng tháng đó — tháng 02/2018 — vị cựu phó tổng thống này đã mở một văn phòng ở Hoa Thịnh Đốn cho Trung tâm Penn Biden do Trung Quốc tài trợ, nơi ông Hunter vẫn có quyền ra vào.
Không rõ liệu có bất kỳ hồ sơ nào của Tòa Bạch Ốc được lưu trữ tại văn phòng của ông Hunter ở Georgetown hay được chuyển từ đó đến Trung tâm Penn Biden cách đó khoảng bốn dặm (6.4 km) hay không. Trung tâm này nằm dưới sự quản lý của Đại học Pennsylvania, nơi đã nhận được vài triệu dollar từ các nguồn ẩn danh của Trung Quốc kể từ khi trung tâm được mở ra. Tuy nhiên, thỏa thuận của ông Hunter với các nhà tài trợ Trung Quốc của ông rõ ràng đã làm dấy lên báo động phản gián tại FBI, cơ quan đã bắt đầu theo dõi các thông tin liên lạc của họ. Dù bất kể lý do gì, thì gia đình nhà Biden chưa bao giờ bị truy tố như là đặc vụ ngoại quốc chưa ghi danh và văn phòng riêng của họ chưa bao giờ bị đột kích. Chẳng ai chú ý đến việc ông Biden đã xóa và lưu trữ trái phép thông tin tình báo mật — cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2022.
Hồi tháng Tư, bà Chung, người đã làm việc trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Biden, đã bị chất vấn tại Capitol Hill về việc bà tiếp cận và giải quyết thông tin mật. Bà đã đưa ra lời khai hữu thệ trước Ủy ban Giám sát Hạ viện trong khoảng bốn giờ trong phòng kín.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi đầu năm nay, ông Comer đã gợi ý rằng các nhà điều tra của ông đang xem xét các mối liên hệ có thể có giữa bà Chung và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người chủ trì chương trình của đài Fox, bà Maria Bartiromo đã hỏi liệu bà Chung có “báo cáo lại cho ĐCSTQ về bất kỳ” tài liệu nào của cựu phó tổng thống này hay không, và ông Comer trả lời: “Chúng tôi đang xem xét điều đó.”
Ông Comer nói thêm: “Chúng tôi đang xem xét ít nhất ba người khác mà ông Hunter Biden đã có liên quan trực tiếp, những người có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Các mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Comer lưu ý rằng khi bà Chung ở Tòa Bạch Ốc, bà ấy đã cung cấp cho ông Hunter Biden thông tin nhạy cảm về các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ mà ông này nói rằng Bắc Kinh sẽ thèm muốn. Hôm 04/04, trong cuộc phỏng vấn với các điều tra viên của Ủy ban Giám sát Hạ viện, bà Chung đã phủ nhận việc bà đang có mối liên hệ với ĐCSTQ, theo lời khai của bà được các thành viên Đảng Dân Chủ công bố hồi đầu tháng này.
Bà Chung cũng khẳng định bà không bao giờ chia sẻ thông tin mật với bất kỳ ai không được quyền đọc thông tin đó, điều này có vẻ như bao gồm cả ông Hunter Biden. Dân biểu Jamie Raskin, thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Giám sát này, cho biết ông Comer đang lan truyền thông tin sai lệch dựa trên một “thuyết âm mưu cố chấp.”
Các nhà điều tra Hạ viện muốn biết những gì người Trung Quốc nhận được từ những khoản thanh toán khổng lồ mà họ đã chuyển cho con trai, em trai của Tổng thống Biden, và một số thành viên khác trong gia đình họ. Có phải họ đang thu thập thông tin tình báo của Hoa Kỳ thông qua các mối liên hệ của họ với các thành viên nhà Biden không? Có bất kỳ hồ sơ Tòa Bạch Ốc nào được lưu trữ tại văn phòng Georgetown của ông Hunter, nơi các đối tác Trung Quốc của ông có quyền truy cập không?
Trong một bức thư gần đây gửi cho ông Hunter Biden, ông Comer đã yêu cầu, dưới sự đe dọa của trát đòi hầu tòa, rằng con trai của tổng thống phải cung cấp bất kỳ tài liệu nào mà ông này sở hữu được chỉ định là tài sản “mật” của chính phủ, cùng với bất kỳ thông tin liên lạc nào với ông Đổng, ông Hà, ông Diệp, và các quan chức CEFC khác. Đặc biệt, ông đã yêu cầu Đại học Pennsylvania cung cấp một danh sách những người có thẻ khóa từ để vào Trung tâm Penn Biden. Ông cũng yêu cầu các quản trị viên chuyển nhật ký khách viếng thăm trung tâm này.
Ông Comer nói: “Điều quan trọng là phải xác định xem liệu có bất kỳ thành viên hoặc cộng sự nào trong gia đình nhà Biden có quyền truy cập vào các tài liệu mật trong khi các tài liệu này được lưu trữ tại Trung tâm Penn Biden hay không.”
Theo các thư điện tử được tìm thấy trên máy điện toán xách tay của ông Hunter, ông Joe Biden là một đối tác thầm lặng trong thương vụ CEFC đã thu về cho con trai và em trai của ông hàng triệu dollar. Các tài liệu này cho thấy ông Hunter đã tuyên bố rằng 10% các khoản thanh toán của Trung Quốc đã được dành riêng cho “ông lớn.” Đối tác cũ Tony Bobulinski đã xác nhận rằng “ông lớn” ở đây là ông Joe Biden.
CEFC là cánh tay tư bản của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới trong khi giành quyền khai thác dầu khí. Trung Quốc đã tìm cách gây ảnh hưởng đến các quan chức quyền lực, đặc biệt là để tiếp cận thị trường năng lượng của Hoa Kỳ, vốn được kiểm soát chặt chẽ.
Trong số các tài liệu mật mà ông Biden được cho là đã lấy từ Cánh Tây (West Wing) của Tòa Bạch Ốc có những thông tin tóm tắt tuyệt mật về Iran, nơi mà Bắc Kinh đã rót hàng tỷ dollar vào khoản đầu tư trực tiếp ngoại quốc để khai thác dầu giá rẻ.
Ông Ben Schreckinger, tác giả của cuốn sách có nhan đề “The Bidens: Inside the First Family’s Fifty-Year Rise to Power” (Gia đình Biden: 50 Năm Trỗi Dậy Quyền Lực Của Gia Đình Đệ Nhất), cho biết: “Sẽ thật hợp lý khi nghi ngờ rằng ông Diệp và các cộng sự của ông ấy có ý định sử dụng các mối liên hệ của họ với ông Jim [Biden] và ông Hunter để thu thập thông tin tình báo” về các quốc gia ngoại quốc quan trọng đó.
Ông Bobulinski nói rằng người Trung Quốc không tìm kiếm một lợi tức đầu tư “lành mạnh,” mà là hợp tác với gia đình nhà Biden “như một khoản đầu tư chính trị hoặc gây ảnh hưởng.” Ông lưu ý rằng các đối tác của CEFC đều là tình báo Trung Quốc và hiểu giá trị của cái tên Biden.
Trong một thư điện tử hồi tháng 05/2017, ông Jimmy Biden đã cung cấp cho ông Hunter, ông Bobulinski, và các đối tác khác một danh sách các mối liên hệ chính trị thân thiện của Mỹ mà họ có thể khai thác để thúc đẩy liên doanh được đề xướng với các đối tác Trung Quốc của họ. Trong số “những người liên hệ quan trọng trong nước” có Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Chuck Schumer của New York; Thống đốc Đảng Dân Chủ New York đương thời Andrew Cuomo; cựu Thống đốc Đảng Dân Chủ Virginia Terry McAuliffe; và Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ đương thời Kamala Harris của California, người sẽ trở thành phó tổng thống của ông Biden.
Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích ông Biden vì hành động mềm mỏng với Trung Quốc. Khi Bắc Kinh thả khinh khí cầu do thám khổng lồ bay khắp lục địa Hoa Kỳ và thu thập dữ liệu rất nhạy cảm từ các địa điểm quân sự của Hoa Kỳ, thì ông Biden đã không ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Austin bắn hạ chiếc phi cơ do thám này trong vài ngày, mà chỉ tiến hành sau khi có sự phản đối kịch liệt của công chúng.
Tháng 07/2021, ông Biden đã bổ nhiệm phụ tá đáng tin cậy của mình là bà Chung làm một phụ tá hàng đầu cho ông Austin, nơi mà bà có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm của Ngũ Giác Đài. Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đã từ chối phúc đáp các câu hỏi về mức độ tiếp cận của bà Chung đối với thông tin tình báo quân sự mật và mức độ vai trò của bà trong việc giải quyết những tài liệu đó.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times