Người đồng sáng lập Wikipedia: Hãy phân quyền mạng xã hội
Ông Larry Sanger, người đồng sáng lập Wikipedia, đã đề xuất một phương thức phân quyền mạng xã hội có thể vô hiệu hóa kiểm duyệt và cải thiện quyền riêng tư.
Ông Sanger đã rời Wikipedia cách đây gần hai thập kỷ do định hướng của dự án này. Ông hiện đang nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể tước đi quyền lực của các công ty khổng lồ đối với mạng xã hội và cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn nội dung họ tạo ra và xem được.
Những năm gần đây đã dấy lên những mối lo ngại về quyền lực của các nền tảng mạng xã hội xuyên suốt quang phổ chính trị. Những người bảo thủ chủ yếu cảm thấy khó chịu bởi việc các công ty công nghệ khổng lồ kiểm duyệt những phát ngôn chính trị, trong khi nhiều người theo phái tự do từ lâu đã chỉ trích các công ty này về việc thu thập mang tính xâm phạm thông tin cá nhân.
“Điều cần có là một hệ thống giúp người dùng bình thường thực sự dễ dàng lấy nội dung trên mạng xã hội của họ từ một nơi mà họ có quyền sở hữu, chẳng hạn như một blog, và sau đó khiến nội dung đó có mặt trên tất cả các nền tảng mạng xã hội khác nhau này, vì vậy sẽ không quan trọng là quý vị sử dụng nền tảng nào,” ông Sanger nói với The Epoch Times qua điện đàm.
“Vì vậy, điều này giúp đặt vị trí kiểm soát trở lại tay của người bình thường đó, người dùng cuối đó.”
Đã có các giải pháp kỹ thuật một phần. Ví dụ, nền tảng quản lý mạng xã hội Hootsuite cho phép người dùng duyệt qua nguồn cấp tin tức và đăng lên nhiều mạng xã hội cùng một lúc. Nhưng nó chỉ hoạt động trên một số nền tảng lâu đời, chẳng hạn như Twitter, Facebook, và YouTube. Ngoài ra, nội dung này vẫn chủ yếu tồn tại trên các nền tảng đó. Nếu họ quyết định kiểm duyệt nó thì nó sẽ biến mất.
Theo quan điểm của ông Sanger, các mạng xã hội thay thế khác như Gab và Parler cũng không hẳn là giải pháp.
“Chúng là những phương án thay thế, nhưng bản thân chúng vẫn dính líu đến cái nền tảng mà sở hữu dữ liệu của quý vị. … Chúng không thực sự đem đến một giải pháp cho vấn đề mà Twitter và Facebook và những công ty còn lại đặt ra cho chúng ta,” ông nói.
Những gì ông hình dung là một công cụ, chẳng hạn như một phần mềm bổ sung cho trình duyệt (browser plug-in), sẽ tổng hợp nội dung từ tất cả các tài khoản mà người dùng theo dõi trên tất cả vô số những nền tảng đó. Nếu người dùng muốn đăng nội dung của riêng mình, anh ta sẽ đăng nó lên một kiểu blog nhỏ nơi mà phần mềm bổ sung này sẽ chọn và chia sẻ nội dung đó trên một số hoặc tất cả các nền tảng mà người dùng đó có tài khoản. Trang blog nhỏ này sẽ vận hành trên một hệ thống quản lý nội dung đơn giản vốn có thể được đặt trên bất kỳ dịch vụ lưu trữ web nào hoặc thậm chí được lưu trữ trên máy chủ của chính người dùng đó.
Bí quyết là, các hệ thống tạo bài trên trang blog nhỏ này sẽ có một giao thức chuẩn hóa cho phép một phần mềm bổ sung duy nhất chuyển nội dung đó sang các định dạng khác nhau phù hợp với các nền tảng mạng xã hội khác nhau.
“Quý vị không thể có một mạng lưới phân quyền thực sự thành công về một số loại nội dung… trừ khi những thứ đó có thể giao tiếp với nhau và chúng giao tiếp bằng cùng một ngôn ngữ,” ông Sanger nói. “Nếu không, quý vị chỉ có một số lượng lớn các thông tin rời rạc.”
Ông ấy muốn thuyết phục các công ty truyền thông mạng xã hội áp dụng cùng một giao thức để bảo đảm việc truyền tải nội dung giữa các trang blog và các nền tảng một cách suôn sẻ.
“Chúng đang không giao tiếp với nhau,” ông nói. “Chúng cần phải được làm cho tương thích với nhau.”
Nếu thành công, kế hoạch của ông Sanger sẽ biến các nền tảng mạng xã hội thành “các khách hàng” đơn thuần—các giao diện khác nhau để truy cập nội dung từ các trang blog nhỏ của người dùng. Điều này có thể làm nảy sinh các công cụ mới được phát triển độc quyền để mang đến cho người dùng một trải nghiệm vượt trội khi duyệt và tương tác với nội dung đó.
Ông Sanger không đặc biệt hy vọng rằng những công ty tầm cỡ, chẳng hạn như Facebook hoặc Twitter sẽ sẵn sàng đồng tình với kế hoạch của ông ấy.
Các công ty này phát triển hoạt động kinh doanh của họ dựa trên việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng, điều này có thể bị hạn chế rất nhiều nếu mọi người không còn cần tương tác với chính các nền tảng này.
“Chúng tôi không quan tâm đến việc kiếm tiền. Ý tôi là, nếu quý vị chỉ là một người muốn chia sẻ ý kiến của mình, quý vị có quan tâm đến việc kiếm tiền không? Không. Quý vị chỉ đang cố gắng tiếp cận những người của mình,” ông Sanger nói.
Theo quan điểm của ông, tiền đề rằng một nền tảng độc quyền thu thập dữ liệu người dùng là cần thiết, chính xác là những gì ông đang cố gắng ngăn chặn trước.
“Điều dẫn đến toàn bộ vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngay bây giờ là thực tế rằng có một nền tảng độc quyền, có thể kiếm tiền. Chính thực tế là việc internet bị chi phối bởi các nền tảng như vậy đã khiến cho những nền tảng đó có thể dập tắt rất nhiều phát ngôn tự do và khiến các chính phủ trên toàn thế giới cân nhắc ý tưởng đáng sợ và gây sửng sốt rằng họ có thể sử dụng lĩnh vực tư nhân này để kiểm duyệt những phát ngôn về chính trị,” ông Sanger nói.
“Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng ta phải ngừng suy nghĩ về vấn đề kiếm tiền và bắt đầu suy nghĩ về tự do.”
Ông Sanger dự kiến sẽ tổ chức một loạt các cuộc hội thảo mà sẽ phác ra kế hoạch của ông và đưa ra các giải pháp kỹ thuật cần thiết cho sự phát triển của kế hoạch đó.
Do Petr Svab thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: