Người dỡ rào chắn quanh khu vực tưởng nhớ các nạn nhân của trận lũ lụt Trịnh Châu và cả phóng viên đã bị cảnh sát bắt
Ngày 26 tháng 7 này là “mùng 7 đầu tiên” của các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ lụt ở Trịnh Châu. Tại nơi người dân đặt hoa chia buồn ở ga Sa Khẩu thuộc tuyến tàu điện ngầm số 5, có người dân dỡ rào chắn ra và cả phóng viên chụp ảnh đã bị cảnh sát bắt, khiến dư luận quan tâm.
Vào ngày 26/7, đã có rất nhiều người dân đến cổng ra vào ở ga Sa Khẩu thuộc tuyến tàu điện ngầm số 5 để đặt hoa, bày tỏ sự thương tiếc, nhưng ngay sau đó chính quyền đã dùng rào chắn quây quanh những bông hoa cắm trên mặt đất, không để cho dân chúng nhìn thấy.
Những video trên mạng cho thấy, trên mỗi bó hoa ở lối vào tàu điện ngầm đều có một tấm thiệp, trên rất nhiều tấm thiệp đều có ghi lại tên và họ của các nạn nhân.
Phóng viên Phan Tuấn Văn của tờ Red Star News đăng bài cho biết, vào ngày thứ 7 đầu tiên của các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ tại tuyến tàu điện ngầm số 5 ở Trịnh Châu, người nhà của các nạn nhân đã đến làm lễ tưởng niệm tại lối ra cửa C của ga Sa Khẩu, có nhiều người đứng quanh theo dõi, các cơ quan của chính quyền đã quây hết họ lại bằng các tấm rào chắn màu vàng. Đến buổi chiều, cửa B cũng đã bị quây bởi rào chắn.
Một số cư dân mạng cho biết, chính quyền lo ngại rằng lễ tưởng niệm sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình lớn. “Vẫn là công thức quen thuộc đó, vẫn là hương vị quen thuộc đó, Hồng Kông? Thành Đô? Bây giờ lại đến Trịnh Châu rồi sao?” Có cư dân mạng còn gọi hành động này của chính quyền là “bao vây” Trịnh Châu hoặc “bức tường thành” của đất nước.
Dâng hoa tưởng niệm vào ngày thứ 7 sau khi các nạn nhân thiệt mạng cũng bị cấm đoán, nỗi đau không nói lên lời này … khiến dân chúng phẫn nộ. Có cư dân mạng nói rằng, “Đủ để đăng lên là ‘nỗi xấu hổ của thời đại’ rồi”, “Một đất nước hùng mạnh đến mức ngay cả quyền để thương tiếc người thân cũng không có!”
Cuối cùng, một số cư dân ở Trịnh Châu đã quyết định di chuyển những tấm rào chắn. Một người ở Trịnh Châu tên là Vương Kim Lôi đã tuyên bố trong nhóm bạn bè trên Wechat của mình rằng: “Tôi muốn làm một điều gì đó”. Sau đó anh ta đã cùng những người khác tháo dỡ rào chắn. Anh ta nói, “Chặn cái gì mà chặn! Đừng chặn đường về nhà của người khác”.
Vương Kim Lôi tiếp tục đăng tin tức trong nhóm bạn bè của mình, nói rằng, “Đã dỡ bỏ, tôi làm rồi! Cảm ơn những người xung quanh giúp đỡ!” Anh cho biết: “Ở lại thêm nửa tiếng, nếu không ai đến chặn nữa thì tôi sẽ về nhà ngủ.” “Tôi đang đợi xe cảnh sát đưa tôi đi, xe cảnh sát sắp tới rồi”.
Cuối cùng anh ta nói rằng, “Suy nghĩ duy nhất của tôi là làm sáng đường về nhà cho những người đã khuất. Bởi vì khi danh sách các nạn nhân được đưa ra, tôi cảm thấy họ giống như đồng nghiệp của mình vậy, có một cô gái ngày nào tôi cũng vỗ đầu động viên, họ không nên bị chặn nữa, chỉ vậy mà thôi”.
Vương Kim Lôi vì thế mà được cư dân mạng gọi là “Người đàn ông Trịnh Châu”, “Hán tử Trịnh Châu”. Vào ngày 27/7, các nhân viên an ninh đã chặn bằng một hàng rào dài hơn, rất nhiều người dân Trịnh Châu đã bày tỏ sự không hài lòng, cuối cùng, những hàng rào chắn này đã lại bị dỡ bỏ dưới sự phẫn nộ của dân chúng.
Hiện tại chưa có tin tức gì thêm về “Kẻ hủy diệt những bức tường” Vương Kim Lôi. Phóng viên đã gọi cho đồn cảnh sát ở đường Nam Dương, thành phố Trịnh Châu nhiều lần nhưng không ai trả lời.
Ngoài ra, nhiếp ảnh gia Trần Lượng của tờ Caixin cũng đã bị bắt. Vào tối ngày 27/7, đồng nghiệp của anh ta cho biết anh ta đã bị đồn cảnh sát đường Nam Dương bắt đi sau khi chụp những bó hoa ở hiện trường. Về sau, phóng viên Trần Bảo Thành đưa tin rằng Trần Lượng đã được thả và hy vọng anh ta sẽ tiếp tục chú ý đến những người dỡ hàng rào.
Vào hôm thứ Ba (27/7), chính quyền thành phố Trịnh Châu thông báo rằng đã có 14 người không may thiệt mạng trong trận lũ lụt tại tuyến tàu điện ngầm số 5, và công bố danh sách các nạn nhân.
Tuy nhiên, người ta luôn nghi ngờ con số chính thức mà chính quyền công bố. Được biết, kể từ khi xảy ra sự cố ngập lụt tàu điện ngầm, mỗi ngày đều có một nhóm người đợi ở lối vào tàu điện ngầm số 5, với hy vọng rằng người thân của họ sẽ bất ngờ xuất hiện, thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng than khóc. Có một ông bố ngồi thất thần ở lối vào tàu điện ngầm đợi con gái về nhà, ông đẩy theo một cái xe đạp, trên tay lái có tấm biển ghi “Con ơi, bố vẫn muốn đưa con về nhà”.
Trước đó, có cư dân mạng ở Trịnh Châu nói rằng vào ngày xảy ra vụ tai nạn, tức sau khoảng 7, 8 giờ tối, thành phố này đã đột ngột bị ngắt kết nối Internet. Anh cho biết, “Mạng nội bộ bị ngắt kết nối một cách rất kỳ lạ, không phải do thời tiết, mà là do chính quyền đã ngắt mạng, không cho phép mọi người quay video và chia sẻ chúng. Tất cả các video trên mạng đều là quay trước 7 giờ, trong đêm tối lửa tắt đèn đó, rất khó để nói đã có bao nhiêu người thiệt mạng”.
Do Lí Tân An, Lí Khung thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: