Người dân Trung Quốc cạn kiệt thực phẩm, hàng hóa trong thời gian phong tỏa
Dịch bệnh bùng phát ở các thành phố lớn của miền bắc Trung Quốc như Bắc Kinh, Đại Liên và Thẩm Dương vẫn nghiêm trọng, trong khi người dân đang dần dần cạn kiệt lương thực và các nguồn lực khác trong bối cảnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Trong khi đó, phía bắc tỉnh Hà Bắc lại chứng kiến một đợt gia tăng các ca nhiễm COVID-19 khác và phải nỗ lực để kiềm chế đợt bùng phát.
“Chúng tôi giống như những con cừu non chuẩn bị bị giết thịt. Không có cách nào để tự cứu bản thân. Chúng tôi không biết mình sẽ bị nhốt bên trong bao lâu nữa”, ông Sheng, một cư dân Đại Liên, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Sheng cho biết chính quyền địa phương đã không hỗ trợ những cư dân bị hết lương thực. “Hiện sản phẩm bán chạy nhất ở Đại Liên là tủ đông cỡ lớn. Mọi người đang cố gắng tích trữ thật nhiều thực phẩm để đối phó với tình trạng phong toả,” ông nói thêm.
Dịch bùng phát
Hôm 05/01, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố các ca mới được chẩn đoán nhiễm COVID-19 từ Hà Bắc, Liêu Ninh và Bắc Kinh. Tuy nhiên, con số mà ủy ban công bố ít hơn những gì mà chính quyền các tỉnh đã báo cáo. Ví dụ: Liêu Ninh đã công bố ba bệnh nhân bị nhiễm, trong khi ủy ban chỉ thông báo hai bệnh nhân, điều này đặt câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu.
Hôm thứ Ba (05/01), chính quyền Hà Bắc thông báo rằng toàn bộ tỉnh này đã lâm vào trạng thái “thời chiến” vì có ít nhất 59 người bị nhiễm virus Trung Cộng kể từ khi nhà chức trách công bố trường hợp đầu tiên trong đợt tăng số ca nhiễm mới nhất hôm 03/01.
Cùng ngày, đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Phùng Tử Kiện cho biết các cơ quan y tế trung ương đã cử hai nhóm chuyên gia đến các thành phố Thạch Gia Trang và Hình Đài của Hà Bắc.
Trong đợt đại dịch này, chính quyền trung ương đã cử các chuyên gia đến những khu vực không thể kiểm soát được ổ dịch, cho thấy đợt bùng phát ở Hà Bắc nghiêm trọng hơn so với báo cáo của các nhà chức trách.
Thạch Gia Trang, thủ phủ của Hà Bắc, sau đó thông báo rằng toàn bộ thành phố sẽ bị phong tỏa hoàn toàn. Từng khu phố và thôn xóm phải bảo đảm tự cách ly mọi cư dân.
Trong một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khoảng một trăm người mặc đồ bảo hộ màu trắng đã được nhìn thấy đang phun thuốc khử trùng trên đường phố Thạch Gia Trang.
Chính quyền Thạch Gia Trang không đề cập đến việc đợt phong tỏa này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như chi tiết về cách thức cung cấp đủ lương thực cho người dân.
Theo văn phòng thống kê của thành phố, Thạch Gia Trang có 11.03 triệu cư dân tính đến cuối năm 2019.
Phong toả
Không khí vẫn căng thẳng ở thành phố Thẩm Dương. Hôm thứ Hai (04/01), một cư dân Thẩm Dương đã chia sẻ video với The Epoch Times, trong đó quay cảnh một số xe quân sự xuất hiện trên đường phố. Một số có sơn “Quân đội Giải phóng Nhân dân CDC,” có nghĩa chúng là xe tải quân sự để kiểm soát dịch bệnh.
Quay trở lại hồi tháng 02/2020, cảnh tượng tương tự cũng diễn ra khi các phương tiện quân sự tiến vào thành phố Vũ Hán trong đợt bùng phát virus đỉnh điểm và các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân COVID-19.
Một chủ nhà hàng ở quận Hoàng Quan, Thẩm Dương nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng nhà hàng của ông cũng như tất cả các cửa hàng, cửa hiệu và quán ăn gần đó đã buộc phải đóng cửa từ cuối tháng 12/2020. Các nhà chức trách đã không thông báo gì thêm cho ông ngoài các thông báo chính thức, ông nói.
Các quan chức địa phương đã dựng hàng rào xung quanh các khu dân cư để ngăn người dân chống lại lệnh phong toả.
Một cư dân Thẩm Dương đã chia sẻ video cho thấy hàng rào ở tòa nhà của anh ta được làm bằng thép và có những lưỡi dao sắc nhọn trên đỉnh.
Một người dân địa phương khác đã chia sẻ một đoạn video về hàng rào dây kẽm gai cao hai mét (khoảng 6.56 feet) bao quanh một khu dân cư.
Người dân Thẩm Dương vẫn được phép di chuyển xung quanh các khu dân cư của họ. Nhưng ở Đại Liên, mọi người chỉ có thể ở trong nhà.
Một số người dân Đại Liên đã quay video cảnh mọi người la hét bên ngoài cửa sổ căn hộ của họ, cầu xin thức ăn và nhu yếu phẩm.
Ông Xu sống ở Bản Khê, một thành phố nằm giữa Thẩm Dương và Đại Liên, và có những người bạn sống ở cả hai thành phố. Ông nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng chính quyền Bản Khê cũng đã ban hành các hạn chế, nhưng người dân vẫn có thể đi lại trong thành phố.
Bạn bè của ông ấy cũng thông báo với ông ấy rằng họ biết những người bị chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 mà chính quyền không thông báo. Ông Xu nói thêm rằng trên WeChat, một nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, ông và bạn bè của mình không thể đăng bất kỳ nội dung nào liên quan đến đợt bùng phát.
Ông Xu đã thấy các bài đăng trên WeChat về việc người dân ở Đại Liên và Thẩm Dương không có đủ nguồn cung cấp lương thực để tồn tại qua thời kỳ phong tỏa.
“Trường hợp tồi tệ nhất là nếu một thành viên trong gia đình nhiễm virus, thì cả gia đình ấy sẽ chết vì COVID-19, bởi vì tất cả các gia đình đều bị nhốt trong nhà của họ,” ông Xu nói thêm.
Ở Bắc Kinh, một số bị mắc kẹt sau khi chính quyền ban hành lệnh phong toả.
Một nhân viên phục vụ làm việc tại nhà hàng Xinxi ở quận Thuận Nghĩa nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng họ bị mắc kẹt bên trong nơi làm việc trong nhiều ngày và không được phép về nhà.
“Các quan chức không cho phép chúng tôi rời đi vì khu vực này bị chỉ định là khu vực có nguy cơ trung bình lây nhiễm virus,” nhân viên phục vụ này cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Ba (05/01).
Một người dân ở làng Tây Đỗ Lan, cũng thuộc quận Thuận Nghĩa, cho biết một số dân làng bị mắc kẹt tại một công trường xây dựng sau khi khu vực này bị đóng cửa. “Tất cả việc xây dựng đã bị cấm, nhưng những người dân làng này không được phép quay lại. Họ đang mắc kẹt ngoài đồng,” Zhou Hui (bút danh) cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Nicole Hao
Huệ Giao biên dịch
Xem thêm: