Người dân phát hiện truyền thông Trung Quốc đưa tin giả tuyên truyền quân đội cứu trợ lũ lụt
Gần đây khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc của Trung Quốc đã hứng chịu một trận lũ lụt nghiêm trọng “50 năm mới xảy ra một lần.” Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng “Ngày thành lập Quân đội 01/08” để ra sức ca ngợi hoạt động cứu trợ thiên tai của quân đội, nhưng cơ quan truyền thông của chính quyền lại biến khéo thành vụng, Nhật báo Hà Bắc đã đưa những hình ảnh lũ lụt ở Vô Tích trước đó tuyên truyền gán ghép vào trận lũ lụt ở Trác Châu (Zhuozhou) lần này. Việc này khiến cho nhiều cơ quan truyền thông của Trung Quốc trở thành “đồng phạm” trong việc đưa tin giả.
Tuyên truyền tin giả về việc quân đội cứu trợ thiên tai
Nhật báo Hà Bắc là cơ quan báo chí chính thức của tỉnh ủy Hà Bắc. Hôm 03/08, trên trang Weibo chính thức của tờ báo này đã đăng tải một đoạn video tin tức với tiêu đề “Chiến sĩ cứu trợ thiên tai kiệt sức đến mức tay bưng hộp cơm ngồi bệt trên đất ngủ gục.” Trong đoạn video này nói rằng, “ngày 03/08, tại Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, các chiến sĩ trẻ tham gia cứu trợ lũ lụt đang ăn cơm thì kiệt sức đến nỗi ngủ thiếp đi, họ ngồi bệt dưới đất, tựa vào xe, trong tay vẫn còn cầm hộp cơm đang ăn dở.”
Ngay sau khi “Nhật báo Hà Bắc” đăng tải tin tức này, nhiều cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ khác như Nhật báo Pháp luật, Tin chiều Tề Lỗ và Thời báo Hoàn Cầu đã đăng lại, đồng thời nhiều người trong đội quân “Năm xu” và “Tiểu phấn hồng” của ĐCSTQ cũng tràn vào, sôi nổi bấm like và chia sẻ lại.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng đã phát hiện ra nguồn gốc của video này: vào ngày 20/07/2020, khi Nhật báo Nhân Dân đưa tin về trận lụt ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, đã xuất hiện cảnh các lính cứu hộ đang ăn cơm và nghỉ ngơi. Ấy vậy mà Nhật báo Hà Bắc đã lấy những hình ảnh về lũ lụt ở Vô Tích để tuyên truyền cho trận lụt ở Hà Bắc, khiến cho một loạt cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ trở thành “đồng phạm” trong việc đưa tin giả.
Có bài viết bình luận rằng với tình hình thiên tai ở Hà Bắc, sẽ có rất nhiều tư liệu thực tế, chỉ cần dành một chút thời gian đi ra bên ngoài, là có thể thấy được những câu chuyện cảm động về việc cứu nạn trong thiên tai của người dân ở khắp nơi. Thế nhưng, họ không muốn đi ra ngoài để tiếp cận cơ sở, cảm nhận nỗi đau khổ của người dân, mà họ đóng kín cửa nhắm mắt làm liều, làm giả tin tức để lừa dối dân chúng.Một người dùng Internet viết: “Nhật báo Hà Bắc phải giải thích rõ vụ việc này! Chỉ cần tìm một bức ảnh tùy tiện trên Internet để lừa dối quần chúng, tính chân thực của truyền thông đi đâu rồi?”
Hôm 05/08, Nhật báo Hà Bắc đã đăng một bài xin lỗi trên Weibo, nói rằng: “Do khâu kiểm duyệt không chặt chẽ, một trương mục truyền thông mới của chúng tôi đã sai sót trong việc đăng tải một video ngắn, gây ra ảnh hưởng không tốt, chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến tất cả người dùng mạng.”
Tuy nhiên, một số người dùng internet vẫn không chịu bỏ qua: “Các vị nói một câu rằng ‘kiểm duyệt không chặt chẽ’ là có thể lấp liếm cho qua được sao? Trách nhiệm của việc đưa tin giả không bị truy tố sao? Trước đây có người tiết lộ tin tức trên Internet liền bị bắt giữ, sao các vị lại ‘tiêu chuẩn kép’* như vậy?”
Có người lại châm chọc rằng: “Các vị nói xin lỗi gì chứ, chỉ cần dùng chiêu ‘chỉ chuột nói vịt’**, cứng rắn cường thế liền qua hết.”
(Chú thích của dịch giả: * ‘tiêu chuẩn kép’: ý chỉ những việc nói một đằng làm một nẻo; ** ‘chỉ chuột nói vịt’: là một câu nói phổ biến được xuất hiện sau sự việc một sinh viên phát hiện một cái đầu chuột trong dĩa cơm của mình do căng-tin trường cung cấp, nhưng nhân viên căng-tin và nhà trường lại khẳng định đó là đoạn cổ vịt).
Hiện nay, Nhật báo Hà Bắc và các cơ quan truyền thông chính thức khác của ĐCSTQ đều đã cắt bỏ những gì liên quan đến tin tức giả nói trên.
Truyền thông Giang Tây đưa tin giả về việc đảng viên chống lũ lụt
Không chỉ lần này, trong thời gian xảy ra trận lũ lụt ở Vô Tích, cũng đã từng xảy ra việc truyền thông nhà nước làm giả tin tức tương tự như vậy.
Ngày 14/07/2020, trang web Giang Tây Trung Quốc Net thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Giang Tây quản lý, đã đăng bài viết có tiêu đề “15 đảng viên tuyến đầu chống lũ lụt ở Nam Xương nhảy xuống nước chặn kín đường ống nước đang phun trào.” Đoạn video liên quan được các cơ quan truyền thông khác đăng lại, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Có người dùng Internet phát hiện, phần nội dung trong video do trang Giang Tây Trung Quốc Net đăng, giống với video “Đội quân màu ‘Cam’ chống lũ cứu nạn phá sóng, 18 chiến sĩ cứu nạn dũng cảm xông vào khe núi Ân Thi” do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải không lâu trước đây, vốn là các nhân viên cứu nạn đang thực hiện khóa huấn luyện cứu nạn 10 ngày tại khe núi Ân Thi.
Trên thực tế, trong hầu hết các thảm họa ở Hoa lục, đều sẽ có hiện tượng các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Cộng giả tạo thông tin, đồng thời bị nhiều người dùng Internet phơi bày và biến thành trò cười.
CCTV tuyên truyền công tác cứu trợ của quân đội, người dân tố cáo là tin giả
Gần đây, khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc của Trung Quốc hứng chịu trận mưa rất lớn, nạn lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc, ông Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng), tuyên bố rằng để làm giảm áp lực kiểm soát lũ của Bắc Kinh, yêu cầu tỉnh Hà Bắc sử dụng các khu vực chứa lũ trở thành “sông bảo vệ” cho thủ đô Bắc Kinh. Tuyên bố này đã gây ra nhiều tranh cãi.
Hôm 02/08, CCTV và các cơ quan truyền thông khác của ĐCSTQ đã rầm rộ đưa tin rằng, thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc đã bắt đầu đưa ra cảnh báo đỏ, đồng thời tuyên bố tất cả các con sông trong khu vực phòng lũ đã bước vào tình trạng khẩn cấp; một đội quân nào đó thuộc Quân đoàn 82 của Lục quân đã khẩn cấp tiến quân về Trác Châu ngay trong đêm, sau khi nhận mệnh lệnh từ cấp trên, để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và gia cố lại con đê lớn ở thôn Vọng Hải Trang, thôn Chu Trang.
CCTV đưa tin: “Sau 6 giờ liên tục chiến đấu, đoạn đê lớn dài 200 mét đã được chất đầy bao cát, lỗ hổng đã được chặn kín, tình hình nguy hiểm đã được kiểm soát thành công.”
Tuy nhiên, một người dân tại làng Chu Trang, thị trấn Đậu Trang, thành phố Trác Châu đã tiết lộ việc chính quyền giả tạo tin để tuyên truyền.
Người dân này nói trong đoạn video do chính anh quay rằng: “Bây giờ là ngày 02 tháng Tám, đây là đoạn tin tức của chính quyền thành phố Trác Châu (cơ quan truyền thông chính thức) nói rằng, cảnh sát vũ trang và quân đội cùng nhau chống lũ ở tuyến đầu, nhìn xem 100 mét bao cát, chỉ bày ra có một đoạn, đây chính là hiện trường tuyến đầu chống lũ, chính quyền thành phố Trác Châu đang dốc sức tuyên truyền.”
(Một người dân ở thôn Chu Trang, thị trấn Đậu Trang, thành phố Trác Châu vạch trần chính quyền tạo tin giả tuyên truyền)
Phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã phát hiện vị trí mà người dân này nói đến nằm trong khu vực xả lũ bên cạnh bờ kè lớn phía đông của thôn Chu Trang, thị trấn Đậu Trang, thành phố Trác Châu. Đây chính là một thôn làng mà đội quân nào đó thuộc Quân đoàn 82 Lục quân Trung Quốc đã dùng bao cát gia cố ngay trong đêm. Hình ảnh mà CCTV sử dụng để đưa tin cho thấy các bao cát do quân đội đắp vào có màu hồng xám, còn các bao cát trong đoạn video do người dân quay nói trên lại có màu trắng xám.
Một người dùng Internet bày tỏ: “Bè lũ tội phạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc hại nước hại dân! Mấy năm trước, đã làm ra đủ các loại video cứu trợ thiên tai giả! Bây giờ càng trắng trợn hơn, không chút kiêng kỵ gì khi tạo ra các video cứu trợ thiên tai thảm họa giả!”
Trong những năm gần đây, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra ở Trung Quốc đại lục, chính quyền ĐCSTQ một mặt che đậy sự thật về tình hình thiên tai, mặt khác, sử dụng tất cả các cơ quan truyền thông nhà nước để tuyên truyền những “chiến công vẻ vang” của chính quyền trong việc cứu trợ cứu nạn thiên tai. Tuy nhiên, có không ít tin tức bị người dùng Internet cáo buộc là làm giả, tuyên truyền sai sự thật.
Lý Tịnh thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ