Người đàn ông gốc Á trở nên nổi tiếng nhờ những bức ảnh chụp Paris bằng điện thoại di động
Anh ấy đặt chiếc ván trượt yêu quý của mình vào vali, rời Normandie để đến thủ đô Paris thực tập. Năm đó, anh ấy 25 tuổi.
Một ngày nọ, anh mua một chiếc iPhone4 cũ từ đồng nghiệp. Điều này đã khiến anh, một người chưa bao giờ chạm vào máy ảnh, trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng quốc tế với hàng triệu người hâm mộ. Anh tên là VuTheara Kham, một người Pháp gốc Á nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram (có nghĩa là: điện tín tức thời) ra mắt công chúng vào năm 2010. Anh VuTheara bắt đầu sử dụng nó vào một năm sau đó, vậy nên anh được mệnh danh là “Instagrameur đầu tiên của Pháp.” Cộng thêm với khả năng thiên phú, vẻ đẹp của Paris mà anh chụp lại rất được người hâm mộ quốc tế yêu thích. Điều này đã làm sự nghiệp của anh VuTheara thay đổi.
Tuổi thơ hạnh phúc, từng là học sinh lưu ban
Cha mẹ của anh VuTheara là người gốc Campuchia, để thoát khỏi cuộc thảm sát, họ đã đến Pháp vào năm 1981 và định cư tại một thị trấn nhỏ ở vùng Tây Bắc Normandie. Giống như hầu hết người Á Châu ở Pháp, họ làm công việc kinh doanh nhà hàng.
“Tôi sinh ra ở Normandie, tôi có một anh trai và hai em trai,” anh VuTheara nói, “Tôi đã có một tuổi thơ hạnh phúc ở Normandie, điều tôi nhớ nhất là khi còn nhỏ tôi thường đến bãi biển, cách Le Mont-Saint-Michel (một thắng cảnh du lịch ở Pháp) không xa.”
“Tôi may mắn được lớn lên ở vùng nông thôn nước Pháp, ở đó không ô nhiễm như các thành phố lớn. Chúng tôi sống ở nơi có rất ít người Á Châu. Khi tôi lên trung học, tôi là người Á Châu duy nhất trong lớp.”
Về học lực, anh VuTheara tự nhận mình là người kém nhất trong bốn anh em. “Tôi là người duy nhất trong gia đình bị lưu ban thời trung học phổ thông. Khi chọn nghề ở trung học phổ thông, tôi đã thay đổi ba lần, từ trung học phổ thông sang trung học dạy nghề, tôi lấy được bằng thợ điện, cuối cùng đi thiết kế trang web (webdesigner), tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc trở thành nhiếp ảnh gia, cũng không có máy ảnh.”
“Cha tôi từng nói với tôi rằng, ‘Sau này con có thể kế thừa nhà hàng của chúng ta,’ nếu tôi không học hành thành công, tôi thực sự sẽ phải trở thành ông chủ nhà hàng.”
Trai quê lên phố: Như bước vào trong phim
Khi còn là một thiếu niên, ấn tượng của anh VuTheara về Paris không gì khác hơn là “ô nhiễm và tắc đường,” “nhưng tôi chưa bao giờ thực sự đi qua những con đường ở khu trung tâm Paris, tôi chỉ nhớ mình đã đến Quảng trường Trocadéro (Place du Trocadéro) một lần khi còn nhỏ.”
Vào năm 2007, anh VuTheara 25 tuổi và đã nhận được bằng cử nhân về thiết kế trang web, anh đã tìm được một công việc thực tập tại Paris. Đây có thể xem là lần đầu tiên anh thực sự đặt chân đến kinh đô Paris, mọi thứ đều rất mới lạ. Khi anh đặt chân xuống đường phố Paris, “Tôi có cảm giác như mình bước vào một rạp hát hay một bộ phim vậy, khắp Paris đều là những tòa kiến trúc và di tích cổ kính tráng lệ, rất đẹp!”
“Lần đầu tiên tôi đi tàu điện ngầm ở Paris, tôi cảm thấy rất chấn động khi nhìn thấy những người có màu da khác nhau. Tôi lớn lên ở vùng nông thôn, khi đến Paris, có rất nhiều người và khách du lịch, tôi giống như một con kiến, một hạt bụi.”
Cuộc sống và công việc đô thị tràn ngập thách thức
Vào ngày thứ hai trong kỳ thực tập của anh VuTheara tại Paris, anh nhận thấy chiếc ván trượt mà mình mang theo thật vô dụng, “Tôi phải đi làm bằng xe buýt một tiếng mỗi ngày, để không bị trễ, tôi phải dậy vào lúc 6 giờ sáng.” Đến ngày thứ ba, đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh VuTheara đã có mặt tại văn phòng đúng giờ: “Tôi tưởng anh sẽ không đến.”
Anh VuTheara mô tả: “Môi trường thực tập thực sự tồi tệ.” “Đó là một căn phòng khách sạn chỉ rộng 10 mét vuông, nằm trên tầng 5, không có thang máy và có rất nhiều người Digan vô gia cư sống trong khách sạn.”
Vật giá ở Paris rất đắt đỏ, “Là một thực tập sinh, lương tháng chỉ từ 400~500 Euro, còn phải trả tiền thuê nhà, vé xe buýt hàng tháng và tiền ăn. Vào thời điểm đó, bữa trưa mỗi ngày của tôi là một chiếc bánh sandwich, cứ hai tuần tôi lại về nhà ở Normandie, bố mẹ tôi đã trả tiền đi lại cho tôi, những ngày tháng đó thật sự rất khổ.”
Sau khi thực tập xong, anh VuTheara được công ty chính thức tuyển dụng và làm việc tại đó trong bốn năm. Vào năm 2011, công ty đã thay đổi văn phòng nhiều lần, từ Saint-Germain-des-Prés ở quận 6 của Paris sang quận 15, rồi lại từ quận 15 đến Phố Louvre (La rue du Louvre, được xây dựng vào năm 1853) ở quận 2. Vì vậy, anh VuTheara đã có thêm nhiều cơ hội để chụp lại khung cảnh đường phố cổ kính của Paris.
Ảnh chụp Paris bằng điện thoại di động thu hút hàng triệu người theo dõi
Bắt đầu từ năm 2010, chụp ảnh bằng điện thoại di động sau giờ làm việc đã trở thành thói quen hàng ngày của anh VuTheara. “Trước khi đi làm, trong giờ nghỉ trưa từ 12:00 đến 14:00 hoặc sau khi tan sở, tôi đều chụp ảnh. Tôi đi dạo một mình và lơ đãng chụp ảnh trên đường phố Paris.”
Từ Cung điện Hoàng gia (Palais Royal), Vườn Tullerie (Jardin Tullerie), sông Seine, Cầu Nghệ thuật (Pont des Art) cho đến các cửa hàng, quán cà phê trên đường phố Paris. “Tôi lang thang trên đường phố Paris, quan sát dòng người qua lại, ngắm nhìn vạn vật trên phố và cảm nhận Paris bằng xúc giác của mình. Tôi chụp ảnh chỉ để làm phong phú tầm nhìn của mình chứ không vì mục đích gì lớn cả,” anh VuTheara nói.
Vào năm 2011, anh VuTheara đã cài đặt phần mềm Instagram để chia sẻ các bức hình chụp được. “Dần dần mọi người bắt đầu theo dõi tài khoản của tôi, trong số đó có những người nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới, họ thích xem những bức ảnh chụp Paris của tôi.”
Khi số lượng người hâm mộ không ngừng gia tăng, anh VuTheara đã lọt vào danh sách “người dùng được đề xuất” trên trang chủ Instagram, nhờ vậy anh càng có cơ hội để tỏa sáng hơn nữa. Chỉ trong bốn năm, lượng người hâm mộ của anh đã tăng từ 100,000 lên một triệu. Vào năm 2015, anh VuTheara đã được bình chọn là tài khoản cá nhân người Pháp có ảnh hưởng nhất trên Instagram.
Những bức ảnh của VuTheara chủ yếu tập trung vào các thành phố, kiến trúc và con người. “Những bức ảnh của tôi thể hiện đặc tính đa sắc tộc của Paris, tôi thích kiểu ảnh này.”
Anh VuTheara cho rằng nhiếp ảnh có thể lưu giữ những kỷ niệm, “Ví dụ Nhà thờ Đức Bà ở Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi (năm 2019), Nhà thờ Đức Bà mà tôi đã chụp trước đây vẫn giữ được hình dáng ban đầu.”
Khi nói đến ý tưởng nhiếp ảnh, anh VuTheara tiết lộ: “Cảm hứng chụp ảnh của tôi đến từ rất nhiều nguồn, chẳng hạn như đường phố, tàu điện ngầm, những người tôi gặp, phim ảnh, v.v. Tôi thường chụp những người ngồi trên sân thượng của một nhà hàng, hoặc một cặp đôi đang vui đùa với những chú chim bồ câu trong quảng trường, v.v. Đây là cách diễn giải của tôi về Paris, biến chúng thành từng bức hình thơ mộng hơn.”
“Paris là cội nguồn của văn hóa và là một nơi tốt để hoàn thiện bản thân!” Anh VuTheara hoàn toàn thích thú khi được hun đúc bởi văn hóa Paris, “Khi mới đến Paris, tôi đã tham quan các bảo tàng và xem nhiều triển lãm nhiếp ảnh, nhất là phong cách chụp ảnh của Mỹ vào những năm 1970, nhờ thế mà tôi có cảm nhận về nhiếp ảnh.”
Anh VuTheara cũng thường đến rạp chiếu phim ở Paris và thưởng thức các buổi hòa nhạc, “Tôi đã từng tham gia hơn 50 buổi hòa nhạc trong một năm.” Giai điệu âm nhạc phong phú đã khơi dậy cảm hứng nhiếp ảnh của anh, “Đây cũng là một nơi độc đáo ở Paris, nó có thể mang lại cảm hứng cho mọi người bất cứ lúc nào.”
Cơ hội cộng thêm nhiệt tình và đầu tư, anh VuTheara đã tự trau dồi bản thân thành tài, đi trên con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Từ một chiếc điện thoại thông minh đến sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp, từ một người nổi tiếng trên Internet trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, anh đã trở thành đối tượng được nhiều thương hiệu quốc tế và người nổi tiếng tìm kiếm để hợp tác chụp ảnh. Tuy nhiên, anh cho biết: “Hiện nay, tôi vẫn duy trì thói quen thỉnh thoảng chụp ảnh bằng điện thoại di động.”
Du lịch vòng quanh thế giới và trưởng thành dưới lăng kính nhiếp ảnh
Sau khi nổi tiếng, anh VuTheara đã có đủ năng lực tài chính để đi du lịch vòng quanh thế giới. Campuchia, Peru, Nội Mông, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga, các quốc gia Âu Châu, v.v. “Trong khi du lịch, những trải nghiệm giúp tôi lớn lên và trưởng thành hơn, đồng thời khiến tôi chú ý hơn đến những gì đang xảy ra trên thế giới, chẳng hạn như chiến tranh, v.v., khiến tôi tò mò hơn và mong muốn được đi du lịch nhiều hơn.”
Chụp lại những hình ảnh về phong cảnh cũng như cuộc sống muôn màu từ khắp nơi trên thế giới, sau khi cảm nhận và so sánh, anh VuTheara cảm thấy “Paris là một thủ đô xinh đẹp,” “Mỗi lần đi du lịch ngoại quốc và trở lại Paris, tôi không khỏi cảm thán: Thật là may mắn khi được sống ở Pháp, một đất nước có dân chủ và tự do ngôn luận, nếu là Trung Quốc thì không dễ chút nào.”
Sống ở Paris hơn chục năm, anh VuTheara cho rằng: “Sống ở đó, cống hiến nhiệt huyết cho Paris, bất kể là ngày hay đêm, cảm nhận nó một cách mãnh liệt, thì bạn chính là một người Paris rồi.”
Anh bày tỏ sự biết ơn đối với Paris, “Tôi đã dành rất nhiều tâm sức để chụp rất nhiều bức ảnh về Paris, và Paris đã hồi báo cho tôi. Paris sống trong trái tim tôi, tôi nghĩ mình sẽ dành phần đời còn lại của mình ở đây!”