Người dân Đại Liên thiếu lương thực khi chính quyền kéo dài phong tỏa
Virus Trung Cộng tiếp tục bùng phát và lan rộng. Chính quyền thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc đã ban hành lệnh phong tỏa bắt buộc, dù người dân cho biết họ bắt đầu hết lương thực.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tiếp tục công bố hàng chục ca nhiễm vào ngày 4/8, nhưng người dân ở cả hai khu vực lo ngại rằng quy mô thực sự của đợt bùng phát này còn tồi tệ hơn báo cáo chính thức.
Dựa trên các tài liệu bị rò rỉ, The Epoch Times từng đưa tin cách thức mà giới chức che đậy và làm giảm dữ liệu số người nhiễm virus.
Trong một cuộc họp báo, ông Tang Yi – giám đốc Văn phòng Dân sự thành phố Đại Liên – cho biết, chính quyền Đại Liên đã phong tỏa 24 ngôi làng và khu phố, cũng như 80 khu dân cư để ngăn chặn virus lây lan.
Ông Tang nói thêm: “Không ai có thể ra vào”.
Cư dân Đại Liên nói với The Epoch Times rằng họ sắp hết lương thực, họ không thể tiếp cận các nguồn cung cấp thiết yếu trong khi bị phong tỏa và chính quyền địa phương không hỗ trợ họ.
Ông Chen sống tại khu dân cư Jindi Yijing ở Vịnh Đại Liên. Ông nói rằng, sau khi phát hiện một trường hợp tại căn hộ lân cận được chẩn đoán mắc COVID-19, các nhà chức trách đã phong tỏa khu chung cư lúc 5 giờ sáng ngày 23/7.
Khi thức dậy vào sáng ngày 23/7, ông Chen và những người hàng xóm phát hiện rằng họ không thể rời khỏi khu nhà. Ông Chen phàn nàn: “Khu nhà bị khóa đột ngột, và chúng tôi không có thời gian chuẩn bị, chúng tôi không dự trữ thực phẩm”.
Kể từ đó, ông Chen và hàng xóm không thể ra ngoài đi chợ. Dịch vụ mua bán trực tuyến do chính quyền cung cấp để mua thực phẩm lại không có đủ nguồn cung.
Ông Chen nói: “Không có trái cây, thịt, hoặc hải sản, rất ít rau. Ngay sau đó, trong suốt một tuần mua trực tuyến cũng không còn thực phẩm. Chúng tôi liên tục gọi cho đường dây nóng của chủ tịch xã, ủy ban cộng đồng và công ty quản lý khu nhà, nhưng không ai trả lời”.
Ông Chen cũng đề cập đến việc có một đứa trẻ trong khu nhà bị ốm suốt đêm, nhưng chính quyền không cho phép cha mẹ đưa bé đến bệnh viện, cũng không cho đến nhà thuốc để mua thuốc. Ông nói: “Cuối cùng, một người hàng xóm đã tìm được một ít thuốc tại nhà và đưa cho bố mẹ của đứa trẻ”.
Ngày hôm sau, bố mẹ của đứa trẻ đã tìm cách thỉnh cầu cho phép đưa đứa bé đến bệnh viện. Họ đã thu thập năm chữ ký bao gồm các quan chức từ ủy ban cộng đồng, công ty quản lý và văn phòng công an. Cuối cùng, chính quyền đã đồng ý.
Vào ngày 2/8, ông Chen và một số người hàng xóm đã tự tạo ra một dịch vụ mua đồ rồi thuê những người sống bên ngoài khu vực phong tỏa mua và giao thức ăn cho họ.
Ông Lin Meng, cư dân của khu dân cư Lishui Haote ở Vịnh Đại Liên, cũng bị yêu cầu ở yên tại nhà. Ông nói rằng dịch vụ thương mại trực tuyến do chính quyền lập ra chỉ cung cấp 1.000 bó rau cho hàng chục nghìn cư dân.
Ông Lin phàn nàn rằng giá bán rau rất đắt và nguồn cung hạn chế. Ông nói: “Đối với người cao tuổi, họ đang ở trong một tình huống rất khó khăn. Họ không biết cách sử dụng dịch vụ thương mại trực tuyến”.
Trong vài ngày qua, cư dân Vịnh Đại Liên cũng đã gửi video tới The Epoch Times về những vụ ẩu đả do người dân phàn nàn về việc thiếu thực phẩm.
Một video được chia sẻ vào ngày 3/8 cho thấy người dân trong một khu chung cư đã yêu cầu công ty quản lý cho phép người bán hàng vào khu vực này để giao thức ăn. Tuy nhiên, họ đã bị từ chối.
Cuộc cãi vã biến thành một cuộc giao tranh. Cuối cùng, hơn mười công an, một số được trang bị vũ khí và một đội chiến thuật đã được cử đến và bắt giam một vài người dân.
Tác giả Nicole Hao