Người biểu tình tràn ngập các tòa nhà lập pháp ở 17 tiểu bang
Hôm 06/01, những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã đổ đến thủ phủ của hơn một chục tiểu bang, trong khi một nhóm người biểu tình khác ở Hoa Thịnh Đốn đột nhập vào Điện Capitol Hoa Kỳ.
Các cuộc biểu tình nhỏ và chủ yếu là ôn hòa thách thức tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020 đã diễn ra bên ngoài các tòa nhà lập pháp tiểu bang ở Arizona, California, Mississippi, Tennessee, Minnesota, Georgia, Utah, Colorado, New Mexico, Oklahoma, Washington, Ohio, Oregon, Kansas, Hawaii, Wisconsin, và South Carolina.
Các băng rôn ghi “Ngừng đánh cắp cuộc bầu cử” (“Stop the Steal”) và “Bốn năm nữa” đã trở nên phổ biến trong bối cảnh tổng thống đang tranh tụng các kết quả bầu cử ở bảy tiểu bang. Chỉ có một số vụ bắt giữ được báo cáo và các cuộc ẩu đả đã nổ ra ở các tiểu bang như Ohio và California.
Một đoàn xe gồm những người biểu tình vẫy cờ trên lưng ngựa và trong xe đã khiến cảnh sát New Mexico phải di tản một tòa nhà lập pháp, nơi có văn phòng của thống đốc và tổng thư ký. Những người biểu tình đã hát vang bài ca “God Bless America,” bấm còi, và tuyên bố trên một chiếc loa rằng Tổng thống Trump là người chiến thắng hợp pháp trong cuộc bầu cử.
Tại tâm điểm của cuộc biểu tình ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trong số những người đột nhập vào tòa nhà Capitol, cựu binh Không quân và người ủng hộ Tổng thống Trump, cô Ashli Babbitt đã bị bắn và tử vong vì vết thương của mình. Bạo lực sau đó đã không lan rộng và những người biểu tình được nhìn thấy đang đi lại hòa cùng với các nhân viên thực thi pháp luật bên trong tòa nhà. Những người đã rời khỏi tòa nhà không được phép quay trở lại.
Cuộc xâm nhập vào Điện Capitol Hoa Kỳ xảy ra giữa lúc các nhà lập pháp đang tranh luận về việc phản đối chứng nhận một nhóm các đại cử tri Arizona cho cựu Phó tổng thống Joe Biden. Arizona là một trong bảy tiểu bang mà Tổng thống Trump đã thách thức kết quả của cuộc bầu cử, với lý do những thay đổi luật bầu cử là vi hiến và một số loại phiếu bầu có khả năng là bất hợp pháp.
Tin tức về cuộc xâm nhập vào Điện Capitol đã gây ra một tràng tiếng reo hò tại các cuộc biểu tình ở Minnesota và Arizona, nơi những người biểu tình thực hiện quyền Tu chính án thứ hai của họ đã tuần hành tại tòa nhà lập pháp tiểu bang ở Phoenix.
Tại Georgia, Tổng thư ký thuộc Đảng Cộng Hòa Brad Raffensperger đã di tản văn phòng của ông tại tòa nhà lập pháp sau khi 100 người biểu tình tụ tập bên ngoài, một số trang bị súng dài.
Ông Gabriel Sterling, một quan chức hàng đầu của văn phòng ông Raffensperger, nói với The Associated Press: “Chúng tôi đã thấy mọi thứ đang diễn ra ở tòa nhà lập pháp của Georgia và nói rằng chúng tôi không nên ở đây, chúng tôi không nên trở thành một tia lửa.”
Tổng thống Trump đã chỉ trích Tổng thư ký Raffensperger và Thống đốc Brian Kemp vì đã bất hợp tác với nỗ lực của ông trong việc kiểm tra cuộc bầu cử, gần đây nhất là bằng cách từ chối kiểm tra chữ ký ở quận Fulton.
Ông Kemp gọi vụ xâm nhập Điện Capitol là “một nỗi ô nhục và thật sự không giống với người dân Hoa Kỳ.” Thống đốc cho biết ông đang gia hạn một sắc lệnh hành pháp từ các cuộc biểu tình xảy ra vào mùa hè để kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia trong trường hợp cần thiết để bảo vệ tòa nhà tiểu bang vào thứ Hai (11/06) khi phiên họp lập pháp bắt đầu.
Ở tiểu bang Washington, những người biểu tình đã phá một cánh cổng tại khu dinh thự của thống đốc và hàng chục người tụ tập trên bãi cỏ khu này. Cơ quan Tuần tra tiểu bang cho biết các nhà chức trách đã phản ứng [nhanh] và Thống đốc Jay Inslee “và gia đình của ông ấy đang ở một địa điểm an toàn.”
Trước đó, hàng chục người đã tập trung tại tòa nhà lập pháp của tiểu bang, yêu cầu kiểm phiếu lại cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và cuộc bầu cử thống đốc bang Washington, mà ông Inslee, một đảng viên Đảng Dân Chủ, đã giành được hơn 500,000 phiếu bầu.
Tại Utah, các nhân viên của Thống đốc Spencer Cox được cho về nhà khi hàng trăm người tập trung tại thành phố Salt Lake. Nhiếp ảnh gia Rick Egan của tờ Salt Lake Tribune cho biết anh đã bị xịt hơi cay bởi một người biểu tình, người chế nhạo anh vì đeo mặt nạ và xô đẩy anh khi anh đang quay video về cuộc biểu tình.
Ít nhất một người đã bị bắt tại tòa nhà lập pháp của Oregon ở Salem vì nghi ngờ có hành vi quấy rối và gây mất trật tự khi cảnh sát trong trang phục chống bạo động cố gắng khiến mọi người—nhiều người trong số họ có vũ trang—rời đi.
Tại Topeka, Kansas, một cuộc biểu tình kết thúc với việc những người ủng hộ Tổng thống Trump nộp đơn một cách hòa bình vào tòa nhà lập pháp thông qua các trạm kiểm soát an ninh và đi vòng dạo quanh các cuộc triển lãm lịch sử.
Tại Honolulu, Hawaii, khoảng hàng chục người biểu tình xếp hàng dài bên ngoài tòa nhà lập pháp của bang vẫy cờ Hoa Kỳ và cờ có dòng chữ ‘Trump 2020’ với những chiếc xe chạy qua.
Tại Madison, Wisconsin, những người ủng hộ Tổng thống Trump đã đi vòng quanh tòa nhà lập pháp của tiểu bang trong những chiếc xe hơi và xe tải được trang trí bởi lá cờ Trump và cờ Hoa Kỳ trong vài giờ hôm thứ Tư (06/01), và bấm còi xe của họ.
Tại Colorado, Thị trưởng Denver Michael Hancock đã ra lệnh cho các cơ quan thành phố đóng cửa các tòa nhà chính phủ sau khi hàng trăm người tập trung trước tòa nhà lập pháp.
Tại South Carolina, những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đã đến tòa nhà lập pháp nhưng cuộc tụ họp đã tan rã vào thời điểm tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ bị đột nhập.
Ivan Pentchoukov
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: