Người ăn mày duy nhất được ghi vào chính sử và sách giáo khoa Trung Hoa Dân Quốc
Khi Vũ Huấn chưa được bốn tuổi, đã biết tự đem bánh bao của mình đưa tới miệng mẫu thân, sau đó lặng yên không nói. Mẫu thân rơi lệ, ôm con vào lòng, trìu mến nói: “Con à, nhà chúng ta nghèo, không cho con được số mệnh tốt, nhưng lại cho con một tấm lòng thiện.” Ông tích góp được vạn quan tiền, mua ba trăm mẫu đất, thiết lập ba trường nghĩa học, đều là nhờ hành khất. Vũ Huấn chưa từng nghĩ tới việc lấy vợ sinh con, cả đời không từ bỏ việc hành khất. Ông vừa ăn xin vừa hát: “Không cưới vợ, không sinh con, xây trường nghĩa học mới vô tư.”
Thuở thiếu thời cơ cực nhưng vô cùng hiếu thảo
Ngày 05/12/1838 (tức 19/10 năm Đạo Quang thứ 18), Vũ Huấn được sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tây Vũ gia trang, thị trấn Liễu Lâm, hương Tây Bắc, huyện Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông. Vũ Huấn có hai người anh, một người tên là Vũ Khiêm, một người tên là Vũ Nhượng. Vũ Huấn xếp thứ bảy trong hàng thúc bá huynh đệ, nên có nhũ danh là Vũ Thất.
Về sau Vũ Huấn hành khất để xây dựng nhà nghĩa học, được triều đình nhà Thanh ban thưởng. Do đó, ông được ban cho tên là Huấn, lấy ý từ “Thùy huấn vu thế” (để lại lời dạy bảo cho đời).
Từ nhỏ, Vũ Huấn đã bộc lộ thiên tính thiện lương vô tư, tuổi còn nhỏ nhưng đã vô cùng hiếu thuận với mẫu thân. Lúc ba, bốn tuổi, ông từng đem bánh bao của mình đưa tới miệng mẫu thân, sau đó nghiêng đầu, yên lặng không nói gì. Mẫu thân rơi lệ, ôm ông vào lòng, trìu mến nói: “Con à, nhà chúng ta nghèo, không cho con một số mệnh tốt, nhưng lại cho con một tấm lòng thiện.”
Vũ Huấn bảy tuổi thì mất cha, phải cùng mẹ đi hành khất qua ngày. Xin được cơm canh, ông thường mời mẫu thân dùng trước. Xin được tiền lẻ, Vũ Huấn liền tích cóp lại, mua một phần thức ăn thật ngon, tận tay bưng đến trước mặt mẫu thân. Có khi ở nơi xa hai, ba mươi dặm, dẫu đêm hôm ông đều chạy về phụng dưỡng mẹ già. Phẩm chất hiếu thuận hiền đức của Vũ Huấn khiến người đời sau vô cùng kính ngưỡng. Sau khi Vũ Huấn qua đời, Tri huyện huyện Đường Ấp là Kim Lâm ca ngợi nói: “Thiện sĩ này bản tính vô cùng hiếu thảo.”
Một lần, trong đám người hành khất, Vũ Huấn vô ý giẫm lên một quyển sách cũ rách. Trên bìa cuốn sách đó có in mấy chữ “Tam Tự Kinh.” Vũ Huấn vội vàng đưa bàn tay nhỏ nhặt cuốn sách lên, hỏi mẫu thân trên đó viết gì. Mẫu thân ông lắc đầu, bởi bà cũng không biết chữ.
Vũ Huấn lặng lẽ giấu cuốn sách đi. Lại có một lần, trong khi đi hành khất, Vũ Huấn đi qua một trường tư thục. Tiếng đọc sách lanh lảnh khiến cậu không khỏi dừng chân quan sát. Hôm đó Vũ Huấn cứ thế quên mất việc đi xin cơm. Cậu bé Vũ Huấn quần áo rách rưới, cơm không đủ ăn, nhưng vô cùng khát khao đọc sách. Tuy vậy, vì gia cảnh nghèo khó nên nhiều lần cậu bị thầy đồ trường tư thục chặn từ ngoài cửa.
Năm 15, 16 tuổi, Vũ Huấn đến làm thuê cho nhà Trương Biến Chinh, một người họ hàng ở Tiết Điếm, huyện Quán Đào xa xôi. Vũ Huấn rất cần cù chăm chỉ, việc bẩn thỉu vất vả gì cũng làm. Cho heo ăn, chăm sóc vườn cây, một nắng hai sương từ sớm đến tối, cậu đều nhẫn nhục chịu khó. Dù vậy, đã mấy năm trôi qua, lão Trương vẫn không trả cho cậu một đồng tiền lương nào. Ông ta làm một cuốn sổ sách giả, lừa được Vũ Huấn vốn không biết chữ.
Nguồn gốc của “Nghĩa Học Chứng”
Lưu Tử Chu, một học trò của “Sùng Hiền nghĩa thục,” ghi chép: Vũ Huấn sau khi bị Trương Biến Chinh lừa gạt, từng ngủ say ba ngày, không ăn không nói. Sau khi tỉnh lại, ông chạy khắp nơi suốt ba ngày, tự gọi mình là “Nghĩa Học Chứng.” Sau này trên khế ước mua đất, ông đều ký ba chữ “Nghĩa Học Chứng.”
Năm Quang Tự thứ 14, trong “Biểu văn xin thưởng bẩm trình Thự huyện Đường Ấp,” Dương Thụ Phường viết rằng Vũ Huấn “Thuở nhỏ lòng đã yêu thích nghĩa học, cho nên tự lấy tên là Nghĩa Học Chứng. Người khác theo đó mà gọi như vậy.”
Lấy việc xây dựng nghĩa học giúp đời cứu người là ước mơ và nguyện vọng cả đời của Vũ Huấn, đến mức nhớ mãi không quên, dường như thật sự là mắc “Chứng nghĩa học” vậy.
Sự thật sau này chứng minh, tinh thần nghĩa học của Vũ Huấn đã mở ra kỳ tích trong lịch sử giáo dục bình dân của Trung Quốc. Hậu nhân đã dành sự khen ngợi lớn lao đối với việc nghĩa muôn đời, đại nhẫn khổ hạnh, vô tư cống hiến của ông.
Hành khất chấn hưng giáo dục, cả đời không màng niềm vui riêng
Cả đời Vũ Huấn đã dựng lập được ba trường nghĩa học. Năm 1888, ông cùng Dương Thư Viễn, Lâu Sùng Sơn sáng lập “Sùng Hiền nghĩa thục” tại thị trấn Liễu Lâm. Năm sau, ông cùng hòa thượng Liễu Chứng sáng lập trường nghĩa thục tại Dương Nhị Trang, huyện Quán Đào. Năm 1896, Vũ Huấn cùng Thi Thiện Chính sáng lập nghĩa thục ở hẻm Ngự Sử, trấn Lâm Thanh. Ba trường nghĩa học chiếm diện tích gần ba trăm mẫu đất, tổng cộng tiêu tốn hơn một vạn quan tiền của Vũ Huấn. Tương truyền, để biểu dương tinh thần kiên trì không mệt mỏi đi hành khất mở trường học của Vũ Huấn, năm Quang Tự thứ 14, Hoàng đế Quang Tự đặc biệt ban thưởng cho ông áo khoác vàng (một loại quan phục thời Thanh) và biển ngạch “Lạc thiện hảo thí” (Vui làm việc thiện, thích việc bố thí).
Cho dù là trong dân gian hay chính sử, đều lưu truyền rất nhiều sự tích hành khất để chấn hưng giáo dục, cảm động lòng người của Vũ Huấn. Giống như một vị tăng khổ hạnh, ông chỉ ăn đồ ăn loại kém nhất, chưa bao giờ mong muốn an nhàn. Ông nghĩ cách đem quần áo, đồ vật và thức ăn xin được còn tương đối tốt đổi thành tiền mặt. Vũ Huấn thường xuyên vừa ăn vừa hát: “Ăn đồ tạp, có thể xem là cơm, tiết kiệm tiền xây nghĩa học viện.”
Vì để tích lũy tiền xây trường học, Vũ Huấn biểu diễn các tiết mục tạp kỹ như dùi đâm vào thân, dao chém đầu, khiêng đỉnh lớn, v.v. mãi nghệ kiếm sống. Thậm chí ông còn biểu diễn nuốt viên đá, mảnh ngói vỡ để đổi lấy tiền thưởng. Ông còn đặc biệt cắt đi bím tóc của mình, chỉ để lại bím tóc nhỏ chỗ thái dương, trang điểm thành bộ dạng một tên hề xấu xí trong vở kịch, để được người xem bố thí.
Ban ngày đi ăn xin, buổi tối ông cũng không nhàn rỗi. Ông bện dây xe sợi, vừa làm vừa hát: “Nhặt đầu dây, cuộn hình tròn, một lòng xây nghĩa học viện; cuộn hình tròn, nối đầu dây, sửa nghĩa học, lòng không sầu lo.”
Vũ Huấn còn làm người môi giới, làm tín sử, để được tạ lễ và tiền thù lao. Ông còn đem tiền tích lũy được cho người khác vay lấy lãi.
Công việc hành khất của Vũ Huấn có thể so sánh với hòa thượng vân du, nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí. Trong quá trình, ông gặp phải đủ các loại người, có người keo kiệt, có người xem thường ông. Khi họ không cho ông thứ gì, Vũ Huấn liền hát: “Không cho ta, ta không giận, tự có người tốt cho ta cơm.”
Khi gặp phải người ghê gớm chửi rủa lớn tiếng, Vũ Huấn ngược lại trấn an họ: “Đại gia, đại thúc đừng tức giận, khi nào ông không tức giận, khi đó ta sẽ đi.”
Khi bị lừa tiền mồ hôi nước mắt, Vũ Huấn luôn tự lẩm bẩm: “Chỉ thấy người tốt xây nhà cao tầng, không thấy ác bá bị làm sao.”
Từ năm 21 tuổi đến khi qua đời, Vũ Huấn đã đi hành khất hơn nửa đời người. Sau khi có của cải, vẫn không từ bỏ thân phận ăn xin, càng không nghĩ tới niềm vui gia đình là cưới vợ sinh con. Ông hát: “Không cưới vợ, không sinh con, xây nghĩa học mới vô tư.”
Thầy giáo ngủ quên, Vũ Huấn quỳ đợi
Vũ Huấn hoàn toàn không biết chữ nhưng vô cùng tôn sư trọng đạo.
Có một hôm ông đến trường nghĩa thục, nhìn thấy học sinh đang học bài trên lớp, nhưng lại không thấy thầy giáo. Vũ Huấn đợi một lát vẫn không thấy thầy giáo đến. Thế là, ông liền chạy đến nhà thầy, thì thấy thầy còn đang nằm ngủ trên giường.
Vũ Huấn không tức giận. Ông lặng lẽ đi vào phòng ngủ của thầy, quỳ xuống trước đầu giường, lặng lẽ đợi. Qua một hồi lâu, thầy giáo vẫn chưa có dấu hiệu thức giấc.
Bọn trẻ trên lớp học thì đang đợi thầy. Vũ Huấn ho nhẹ một tiếng. Bởi vì thầy giáo đêm qua quá mệt nên ngủ mê mệt. Vũ Huấn lại đành phải ho thêm một tiếng, rồi liên tục ho mấy tiếng. Cuối cùng, thầy giáo cũng tỉnh giấc, mở mắt nhìn, thấy ông lão Vũ Huấn quỳ trước giường của mình. Thầy giáo vô cùng kinh ngạc, vội vàng xuống giường đỡ Vũ Huấn dậy. Lúc này, Vũ Huấn đã nước mắt lưng tròng rồi.
Thầy giáo cảm thấy hổ thẹn, vội vàng nói: “Hổ thẹn, hổ thẹn, thật là có lỗi, có lỗi!” Vũ Huấn lau nước mắt, nói: “Không sao, không sao. Biết là tốt rồi, biết là tốt rồi. Đọc sách không dễ, dạy học cũng không dễ. Tôi đây thi lễ với thầy.”
Thầy giáo lập tức đứng dậy, đi đến lớp học. Bên trong trường học lại vang lên tiếng thầy dạy học lúc trầm lúc bổng.
Vũ Huấn lặng lẽ rời đi, từ xa vọng lại tiếng hát của ông: “Thầy giáo đi ngủ, học sinh nhốn nháo. Ta đến quỳ cầu, xong hết mọi chuyện.”
Người ăn mày nhân nghĩa duy nhất thiên cổ được viết vào chính sử và sách giáo khoa Trung Hoa Dân Quốc
Năm 1896, Vũ Huấn mỉm cười qua đời trong tiếng đọc bài lanh lảnh của nghĩa thục ở hẻm Ngự Sử, trấn Lâm Thanh. Cùng năm, Lương Khải Siêu viết truyện về Vũ Huấn. Tầm ảnh hưởng của Vũ Huấn cũng không vì ông đã qua đời mà biến mất, ngược lại, “Võ công nghĩa tích, nãi đại hiển vu thế” (Hành động nghĩa hiệp của Võ Công, chính là đại hiển nơi hậu thế).
Năm Tuyên Thống thứ nhất (1909), tuần phủ Sơn Đông Viên Thụ Huân tấu thỉnh triều đình nhà Thanh xây dựng đền thờ trung nghĩa cho Vũ Huấn. Viên Thụ Huân nói: “Ngu thần cho rằng việc làm như Vũ Huấn, thì có thể nói là đại nghĩa. Tâm của Vũ Huấn, thì có thể nói là chí nhân. Hợp ứng ngưỡng khẩn thiên ân, đặc biệt giáng chiếu chỉ, tuyên phó sử quán lập truyện, để biểu dương việc làm hiếm thấy.” Không lâu sau, sự tích về Vũ Huấn được Quốc sử quán xếp vào truyện hiếu nghĩa.
“Thanh sử cảo” – bộ tư liệu lịch sử về thời nhà Thanh, đã dành sự tán dương rất lớn đối với các việc làm nghĩa hiệp của Vũ Huấn như hiếu thuận với mẫu thân, tôn kính thầy giáo, hành khất mở trường, cứu nghèo giúp khó, v.v. Một người ăn xin nghĩa khí trong dân gian, với phẩm cách cao thượng, vượt qua tư lợi của bản thân, chú trọng giáo dục mở trường dạy học, lập chí không thoái lui mà được viết vào chính sử, Vũ Huấn là người duy nhất.
Năm 1934, Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc khởi xướng hoạt động kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Vũ Huấn. Những nhân sĩ trong các giới quân sự, chính trị và văn hóa như Tưởng Giới Thạch, Đới Quý Đào, Phùng Ngọc Tường, Đoàn Kỳ Thụy, Thái Nguyên Bồi, Úc Đạt Phu, .v.v. đã tôn kính kỷ niệm Vũ Huấn, đem tượng Vũ Huấn và tượng Khổng Tử thờ cùng một chỗ, đội lên cho ông vòng hào quang của Thánh nhân.
Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã đề tựa cho cuốn “Vũ Huấn tiên sinh truyện tán,” ca ngợi tinh thần của Vũ Huấn: “Lấy sức lực của người hành khất, mà sáng lập nên sự nghiệp thành đức đạt tài. Lấy thân của người không được học hành, mà để lại ân trạch cho thục nhân thọ thế.”
Năm 1945, Trùng Khánh tổ chức hoạt động kỷ niệm 107 năm ngày sinh của Vũ Huấn. Tờ “Tân Hoa nhật báo,” “Trung ương nhật báo,” “Văn Hối báo,” “Đại Công báo,” .v.v. đã công bố nhiều bài viết kỷ niệm của các nhân vật nổi tiếng trong xã hội.
Tháng 12 năm 1945, nhà giáo dục Đào Hành Tri đã viết “Vũ Huấn tụng,” ca ngợi ông “Triêu triêu mộ mộ, khoái khoái lạc lạc, nhất sinh đáo lão, tứ xứ bôn ba, vi liễu khổ hài, cam vi lạc đà, dữ nhân hữu ích, ngưu mã dã tố, công vô kháo bối, bằng hữu vô đa, vị thụ giáo dục, trạng nguyên cái quá, đương chúng quỵ cầu, ngoạn thạch chuyển đà, bất trí gia sản, bất khứ thủ bà, vi trứ nhất kiện đại sự lai, hưng học, hưng học, hưng học”. (Sớm sớm chiều chiều, khoái khoái lạc lạc, cả đời đến già, bôn ba tứ xứ, vì những trẻ khổ, nguyện làm lạc đà, có ích cho người, trâu ngựa cũng làm, không có chỗ dựa, bằng hữu không nhiều, chưa được giáo dục, tài giỏi áp đảo, quỳ trước mọi người, vững vàng cầm lái, không cần gia sản, không muốn lấy vợ, vì một đại sự, chấn hưng giáo dục, chấn hưng giáo dục, chấn hưng giáo dục).
Trong thời kỳ Dân Quốc, Vũ Huấn trở thành nhân vật nổi tiếng trong sách giáo khoa Dân Quốc, nhà nhà đều biết.
Bộ phim đầu tiên bị ĐCSTQ cấm – “Vũ Huấn truyện”
Năm 1944, ông Đào Hành Tri tặng cho đạo diễn Tôn Du một quyển “Truyện tranh Vũ Huấn tiên sinh” do Tôn Chi Tuyến vẽ. Tôn Du rất cảm động về cuộc đời của Vũ Huấn. Tháng 10 năm 1950, bộ phim “Vũ Huấn truyện” do Tôn Du đạo diễn và Triệu Đan thủ vai chính đã hoàn thành. Sau khi trình chiếu, bộ phim đã đạt được thành công vang dội, được “Văn Hối báo” bình luận: “Người xem phản ứng vô cùng mãnh liệt, có thể xem là ngợi khen như nước thủy triều, danh tiếng vang khắp nơi.”
Mặc dù trong phim, Tôn Du đã theo ý kiến của Chu Ân Lai, dùng quan điểm đấu tranh giai cấp xuyên suốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành sửa đổi cách quay phim. Thế nhưng, bản thân câu chuyện cuộc đời của Vũ Huấn đã thể hiện được tất cả phẩm chất cao cả, cần cù, thiện lương, trí tuệ của dân tộc Trung Hoa, vì thế đã gây xúc động trong lòng khán giả. Lúc đó, giáo viên và sinh viên của Trường Dục Tài Thượng Hải đã cảm động rơi nước mắt sau khi xem “Vũ Huấn truyện.” Họ cho rằng: “Trong lịch sử Trung Quốc có một người như Vũ Huấn tiên sinh, chính là vinh dự của chúng ta.”
Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi bộ phim được trình chiếu, “Vũ Huấn truyện” đã bị ĐCSTQ và Mao Trạch Đông phê phán nặng nề. Ngày 20/05/1951, Mao Trạch Đông đăng một bài xã luận trên “Nhân dân Nhật báo” với tựa đề “Cần chú ý thảo luận về ‘Vũ Huấn truyện’”, chỉ ra rằng ‘Vũ Huấn truyện’ là “Cỏ độc chống Đảng.” Vào ngày 04/06/1951, hệ thống giáo dục toàn quốc bắt đầu thảo luận về “lật đổ tinh thần Vũ Huấn.”
Vào mùa hè năm 1951, ĐCSTQ tổ chức một đội điều tra lịch sử Vũ Huấn gồm 13 thành viên, trong đó có Giang Thanh. Họ đi đến Lâm Thanh, Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông để tiến hành cái gọi là cuộc điều tra lịch sử về cá nhân Vũ Huấn. Từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 7 năm 1951, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng bài “Ghi chép điều tra lịch sử Vũ Huấn” liên tục trong sáu ngày liền. Các bài viết đưa ra kết luận hoang đường, cho rằng Vũ Huấn là “đại lưu manh, đại chủ nợ và đại địa chủ phục vụ chính quyền phản động.”
Do bị ĐCSTQ và Mao Trạch Đông phê phán, bộ phim “Vũ Huấn truyện” trở thành bộ phim đầu tiên bị cấm sau khi ĐCSTQ thiết lập chính quyền. Hơn 40 thành viên đoàn làm phim, trong đó có Tôn Du và Triệu Đan bị đả kích hoặc liên lụy. Trong Đại Cách mạng Văn hóa, Triệu Đan đã bị tống giam. Từ năm 1927 đến năm 1949, đạo diễn Tôn Du được mệnh danh là “Cha đẻ của điện ảnh Trung Quốc,” đã từng sản xuất được hơn 20 bộ phim. Tuy nhiên từ năm 1950 cho đến khi qua đời, ông chỉ sản xuất được ba bộ phim.
Trong Đại Cách mạng Văn hóa, mộ của Vũ Huấn đã bị Hồng vệ binh của Trường trung học ở huyện Quan, tỉnh Sơn Đông đập phá và đào lên. Hài cốt của Vũ Huấn bị diễu phố và thiêu đốt.
Đến nay, nhiều người dân đã minh bạch rằng ĐCSTQ là kẻ đi đầu trong việc phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa. Năm đó, thông qua việc phê phán bộ phim “Vũ Huấn truyện,” Mao Trạch Đông đã khai màn cho cuộc cải tạo tư tưởng đối với các phần tử trí thức. Bản chất “giả ác đấu” của ĐCSTQ là hoàn toàn đối lập với tinh thần Vũ Huấn vốn mang đầy đủ nội hàm văn hóa truyền thống. ĐCSTQ bôi nhọ, phỉ báng Vũ Huấn, mục đích chính là muốn phá hoại văn hóa truyền thống.
Tài liệu tham khảo: