Ngũ Giác Đài hành động để giành quyền kiểm soát đất hiếm từ Trung Quốc
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đang nóng lên, với việc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đầu tư vào một nhà máy chế biến mới nhằm thách thức sự kìm kẹp của Trung Quốc đối với các khoáng sản thiết yếu.
Công ty Lynas Rare Earths của Úc thông báo hôm 14/06 rằng Ngũ Giác Đài đã đồng ý tài trợ toàn bộ chi phí 120 triệu USD cho một cơ sở phân tách đất hiếm nặng do công ty này xây dựng ở Texas, nhằm thúc đẩy một chương trình được khai triển hồi năm 2020.
Theo công ty này, vốn là nhà chế biến đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, cơ sở mới nói trên, nằm ở Vùng duyên hải Vịnh Mexico, sẽ cho phép Hoa Kỳ tiếp cận với đất hiếm nặng được sản xuất nội địa. Đây là các sản phẩm cần thiết cho các ngành công nghiệp như xe điện, tuabin gió, và thiết bị điện tử.
Cơ sở ở Texas mà Ngũ Giác Đài tài trợ sẽ chế biến carbonate đất hiếm nặng được khai thác ở Úc, tạo thành một chu trình sản xuất hoàn toàn bỏ qua Trung Quốc. Công ty Lynas Rare Earths có kế hoạch kết hợp nhà máy sắp tới với một cơ sở phân tách đất hiếm nhẹ khác được đề nghị, vốn đang được công ty này và Bộ Quốc phòng đồng tài trợ.
Dự án nói trên lần đầu tiên được công bố hồi tháng 07/2020 như một phần trong chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ — theo một sắc lệnh hồi năm 2017 do cựu Tổng thống Donald Trump ký — nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập cảng các loại khoáng sản thiết yếu từ ngoại quốc. Ngũ Giác Đài cũng đang tài trợ cho một cơ sở chế biến và phân tách đất hiếm nặng ở Mountain Pass, California.
Sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất đất hiếm
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố với những đặc tính độc đáo được sử dụng trong hầu hết mọi công nghệ hiện đại, từ những chiếc điện thoại thông minh đến các động cơ phản lực. Mặc dù Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong ngành công nghiệp này trong thời Đệ nhị Thế chiến, nhưng Trung Quốc hiện kiểm soát hơn một nửa hoạt động khai thác đất hiếm toàn cầu và khoảng 80%-90% quy trình chế biến trung gian.
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành này là một rủi ro lớn đối với Hoa Kỳ, quốc gia hiện chỉ có một mỏ đất hiếm đang hoạt động — mỏ Mountain Pass ở California — và không có khả năng chế biến với quy mô thương mại. Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hoạt động chế biến đất hiếm của Trung Quốc tạo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đòn bẩy nguy hiểm đối với nền kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, chính quyền Trung Quốc đã đe dọa hạn chế xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ sau khi Hoa Thịnh Đốn đưa đại công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019.
Tờ báo quốc doanh Global Times cảnh báo hồi tháng Năm năm đó rằng, “Thiết nghĩ nếu Hoa Kỳ ngày càng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, thì sớm muộn gì, Trung Quốc cũng sẽ sử dụng đất hiếm làm một vũ khí.”
Chưa rõ mức độ thiệt hại mà Bắc Kinh có thể gây ra nếu họ chọn cách thật sự quyết định tạo ra mối đe dọa đó. Một lệnh cấm vận của Trung Quốc sẽ gây ra làn sóng chấn động trên thị trường toàn cầu — như đã xảy ra hồi năm 2010 khi Trung Quốc tạm thời hạn chế xuất cảng khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản do một vụ tranh chấp lãnh thổ.
Một nghiên cứu năm 2021 của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lệnh cấm xuất cảng đất hiếm trong một năm của Trung Quốc có thể khiến sản lượng nam châm bên ngoài Trung Quốc giảm 40% do các kim loại này ngày càng khó kiếm. Nghiên cứu cho thấy dysprosium oxide, một thành phần chính của nam châm neodymium được sử dụng trong một loạt các công nghệ từ các tuabin gió đến các loại xe điện, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những sự xáo động về giá từ một lệnh cấm vận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc gây tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách vũ khí hóa nguồn cung cấp đất hiếm có lẽ hạn chế hơn so với sự thống trị trong ngành của nước này. Theo một bản tin của đài CNBC, một ghi chú nghiên cứu do ngân hàng đầu tư Raymond James công bố hồi năm 2019 chỉ rõ rằng tác động của một lệnh cấm vận của Trung Quốc đối với việc xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ sẽ là “nhẹ.”
Các nhà phân tích chỉ ra rằng Hoa Kỳ chỉ chi 160 triệu USD để nhập cảng đất hiếm dùng cho sản xuất trong năm 2018 và chỉ chiếm 9% nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu đầu vào đất hiếm trong quá trình sản xuất. Hầu hết các sản phẩm công nghệ cao sẽ bị ảnh hưởng bởi một lệnh cấm vận đất hiếm — trong đó có các máy điện toán cá nhân, pin xe điện, và sợi quang — được sản xuất ở Á Châu chứ không phải ở Hoa Kỳ.
Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào đất hiếm của Trung Quốc
Sự phụ thuộc của quân đội Hoa Kỳ vào đất hiếm của Trung Quốc là một chỗ dễ bị tổn thương nghiêm trọng hơn nhiều. Chuỗi cung ứng quốc phòng chủ yếu dựa vào đất hiếm, từ động cơ truyền động đĩa trong các loại xe tăng đến thiết bị truyền động vây trong hệ thống dẫn đường của hỏa tiễn.
Giả sử một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra giữa hai cường quốc. Trong trường hợp đó, một lệnh cấm vận đất hiếm của Trung Quốc có thể gây khó khăn cho quân đội Hoa Kỳ, chẳng hạn như khiến quân đội Hoa Kỳ không thể thay thế các kho dự trữ hỏa tiễn không đối không đã cạn kiệt.
Đại tá Charles J. Butler viết trong một bài báo hồi năm 2014: “Theo cách tương tự như việc thiếu tiếp cận an toàn với dầu mỏ đã khiến người Đức tê liệt vào cuối Đệ nhị Thế chiến, đất hiếm có thể đóng một vai trò then chốt như thế trong một cuộc xung đột với Trung Quốc trong tương lai.”
Tờ Financial Times đưa tin hồi năm ngoái cho hay ĐCSTQ đã khảo sát tỉ mỉ khả năng hạn chế xuất cảng khoáng sản đất hiếm được sử dụng trong các chiến đấu cơ F-35 của Hoa Kỳ và các loại vũ khí tân tiến khác. Các quan chức chính phủ được cho là đã chất vấn các nhà điều hành trong ngành về việc các nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào bởi một hành động như vậy trong một cuộc tranh chấp song phương.
Hoa Kỳ phản ứng với mối đe dọa từ Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã bắt đầu ghép nối nên một chiến lược để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến đất hiếm.
Ví dụ: Hồi tháng Một vừa qua, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) và Mark Kelly (Dân Chủ-Arizona) đã giới thiệu một dự luật cấm sử dụng kim loại đất hiếm của Trung Quốc trong các hệ thống quân sự nhạy cảm trước năm 2026 và tạo ra một đợt dự trữ chiến lược các nguyên tố và các sản phẩm đất hiếm kéo dài một năm trước năm 2025.
Đạo luật do các Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Cindy Hyde-Smith (Cộng Hòa-Mississippi) đệ trình hồi tháng Tư sẽ tạo ra một chương trình đầu tư của Bộ Năng lượng để thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở sản xuất đất hiếm tại Hoa Kỳ, nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Ông Greg Isaacson đã dành 7 năm ở Trung Quốc và Thái Lan để nghiên cứu và đưa tin về kinh doanh và địa ốc ở Á Châu, chuyên về địa ốc thương mại ở các thị trường sử dụng Hoa ngữ cũng như đầu tư ra ngoại quốc từ Trung Quốc. Ông cũng từng là nhà phân tích nghiên cứu địa ốc ở Chicago và là một phóng viên chuyên về địa ốc ở New York.