Ngũ Giác Đài củng cố các căn cứ ở đảo Guam và Úc để chống lại Trung Quốc
Sau khi một bản đánh giá về quân đội và các vũ khí của Hoa Kỳ trên khắp thế giới được công bố hôm 29/11, Ngũ Giác Đài cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc nâng cấp và mở rộng các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Úc để chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Bản đánh giá quốc phòng toàn cầu của Ngũ Giác Đài cũng kêu gọi tăng cường khai triển chiến đấu cơ và oanh tạc cơ luân phiên mới ở Úc, cho thấy rằng các oanh tạc cơ tàng hình B2 mới và chiến đấu cơ F-22 và F-35 có thể sẽ được điều động trong tương lai gần.
Theo bản đánh giá, những thay đổi này là cần thiết “để ngăn chặn sự xâm lược quân sự tiềm tàng của Trung Quốc và các mối đe dọa từ Bắc Hàn.”
Theo Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc, Bà Mara Karlin, Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, “Tại Úc, quý vị sẽ thấy các cuộc điều động chiến đấu cơ và oanh tạc cơ luân phiên mới, quý vị cũng sẽ thấy các lực lượng mặt đất đang đào tạo và tăng cường hợp tác hậu cần.”
Bà Karlin nói thêm: “Nhìn rộng hơn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, quý vị sẽ thấy một loạt các cải tiến về cơ sở hạ tầng ở đảo Guam, Khối thịnh vượng chung của Quần đảo Bắc Mariana, và Úc.”
Bà Karlin cũng cho biết khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương được coi là tâm điểm của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc đánh giá này, tại đó họ “chỉ thị hợp tác bổ sung với các đồng minh và đối tác trong khu vực để góp phần ngăn chặn sự xâm lược quân sự tiềm tàng từ Trung Quốc và các mối đe dọa từ Bắc Hàn.”
Bản đánh giá này đã được chính phủ Tổng thống Joe Biden ủy thác vào tháng Hai, và vì bản đánh giá đã cung cấp một số thông tin chi tiết về tương lai vị thế toàn cầu của quân đội, nên phần lớn nó được coi là tài liệu mật.
Việc nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự của Hoa Kỳ dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới, trong đó có các phi trường giúp Bộ Quốc phòng chuyển quân nhanh hơn trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, bản đánh giá này không bao gồm bất kỳ thay đổi lớn nào trong việc phân bổ quân nhân để đương đầu với Bắc Kinh hay ứng phó với bất kỳ thách thức nào khác trên toàn thế giới.
Bà Karlin cho biết bản đánh giá đó cũng không xem xét liệu quân đội có thể chống lại hai cuộc xung đột lớn cùng một lúc hay trên các lĩnh vực không gian, mạng trực tuyến, hoặc hạt nhân hay không.
Bản đánh giá quốc phòng toàn cầu của Ngũ Giác Đài theo sau sự thành lập của AUKUS, một hiệp ước quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Úc, trong đó lần đầu tiên Úc sẽ xây dựng một hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ba quốc gia sẽ có thể chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, trong số các lĩnh vực khác, theo hiệp ước an ninh mới vốn được coi là một nỗ lực nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: