Ngột ngạt bởi chính trị, Bắc Kinh và Thượng Hải tụt nhiều bậc trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính quốc tế
Thượng Hải và Bắc Kinh đều tụt nhiều bậc trong bảng xếp hạng mới nhất về các trung tâm tài chính cạnh tranh nhất thế giới. Tính năng động của lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã giảm rõ rệt một phần do các chính sách gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và xu hướng này đang gia tăng.
Với sự bùng phát của đại dịch vào đầu năm 2020, chính quyền ĐCSTQ đã thực hiện chính sách cực đoan “Zero COVID” gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hoa lục.
Trong khi đó, “quy định” mạnh tay liên tục của ĐCSTQ đối với lĩnh vực tài chính và nạn tham nhũng lan tràn đã hủy hoại môi trường tài chính của Trung Quốc.
Kết quả là, Thượng Hải đã tụt từ vị trí thứ tư trên thế giới từ hồi tháng 03/ 2022 xuống vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh của Trung tâm Tài chính thế giới do Trung tâm Tài chính Toàn cầu công bố hôm 23/03. Bắc Kinh đã tụt xuống vị trí thứ 13 từ vị trí thứ tám trong cùng thời kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng GDP giảm
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 thua xa một số quốc gia Đông Nam Á khác do chính sách “Zero COVID”, dẫn đến ngành công nghiệp bị sụt giảm doanh thu. Theo dữ liệu gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2022 là 8.71%, của Việt Nam là 8.62%, của Philippines là 7.2%, của Ấn Độ là 6.7%, của Indonesia là 5.31%, của Singapore là 3.6%, và của Trung Quốc là 3.3% (con số thực có thể thấp hơn). Một hiện tượng như vậy là rất hiếm trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng kinh tế khó khăn của Trung Quốc, ĐCSTQ gần đây đã đưa ra một loạt tín hiệu rằng họ sẽ quản lý lĩnh vực tài chính chặt chẽ hơn.
Ông Lý Văn Hồng (Li Wenhong), người đứng đầu Cục giám sát tài chính địa phương của Bắc Kinh, cho biết tại một diễn đàn tài chính do Đại học Thanh Hoa tổ chức rằng Bắc Kinh sẽ định vị bản thân là một trung tâm quản lý tài chính quốc gia, đồng thời xây dựng và cải thiện các chức năng trợ giúp của thành phố này. Tiết lộ của ông Lý rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò điều tiết tài chính được đưa ra sau thông tin chính thức về kế hoạch cải tổ tài chính tập trung vào việc tăng mạnh quy định tài chính được công bố hôm 16/03.
Theo kế hoạch này, ĐCSTQ sẽ thành lập một Ủy ban Tài chính Trung ương trong hệ thống các vấn đề của Đảng để giám sát các hoạt động trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc và xây dựng các chính sách tài chính lớn. Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương, được thành lập năm 1998 nhưng bị bãi bỏ năm 2003, cũng sẽ được khôi phục để cung cấp sự lãnh đạo thống nhất đối với các công việc trong hệ thống tài chính của Đảng. Ngoài ra, các chức năng của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính của Quốc vụ Viện sẽ được chuyển giao cho Ủy ban Tài chính Trung ương.
Kể từ hồi tháng Ba, ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ củng cố sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Đảng đối với công tác tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của ĐCSTQ, đã tuyên bố hôm 15/03 rằng hệ thống tài chính nên “kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo chung của Đảng đối với sự ổn định tài chính” tại hội nghị Công tác ổn định Tài chính năm 2023.
Bóp méo sự phát triển
Ông Phương Kỳ (Fang Qi), một chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính Trung Quốc tại Vương quốc Anh, nói rằng một số quy định và chính sách do ĐCSTQ áp đặt sẽ càng bóp méo sự phát triển của lĩnh vực tài chính.
Ông nói với The Epoch Times hôm 26/03: “Đánh giá từ vị trí hiện tại của Bắc Kinh như trung tâm quản lý tài chính quốc gia và kế hoạch cải tổ mới được công bố cho các tổ chức tài chính, có thể khẳng định rằng ‘tài chính sẽ nằm dưới sự quản lý của Đảng.’ Vì vậy, quý vị có thể tưởng tượng rằng ngành tài chính sẽ theo xu hướng này và đổ xô đến Bắc Kinh vì Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường, mà là một mô hình kinh tế do chính quyền điều hành.”
Sau khi cải tổ hệ thống chia sẻ thuế, chính quyền trung ương thu phần lớn doanh thu thuế từ chính phủ địa phương và sau đó phân phối lại, đó là một khoản thanh toán chuyển giao. Kết quả là, trụ sở của hầu hết các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước cũng được đặt tại Bắc Kinh.
Đến tháng 12/2022, 782 công ty niêm yết trong và ngoài nước có trụ sở chính tại Bắc Kinh với tổng giá trị thị trường hơn 40 ngàn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 6 ngàn tỷ USD), tăng 60 công ty so với năm 2021. Các công ty niêm yết trong và ngoài nước của Thượng Hải, mặc dù có số lượng gần bằng của Bắc Kinh là 633 công ty, nhưng có tổng giá trị thị trường thấp hơn một nửa so với Bắc Kinh, vào khoảng 13 ngàn tỷ RMB (khoảng 2 ngàn tỷ USD).
Trong khi đó, nhiều người giàu đổ xô đến Bắc Kinh hơn là Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Trong danh sách “ 2022 New Fortune 500 Rich ” do tạp chí New Fortune tổng hợp, Bắc Kinh là nơi sinh sống của 77 người với tổng tài sản trị giá 2.5 ngàn tỷ RMB (360 tỷ USD); Thượng Hải theo sau với 62 người và tổng tài sản trị giá 1.8 ngàn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 260 tỷ USD).
Bắc Kinh là trung tâm chính trị của ĐCSTQ, nơi những người giàu có và các công ty lớn đổ xô đến trao đổi quyền lực và tiền bạc để tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Phương nói, “Nhờ lợi thế địa lý gần và các mối quan hệ (giao dịch tiền và quyền lực) ở đó, việc kiếm nhiều tiền hơn sẽ dễ dàng hơn.”
Tại diễn đàn tài chính vốn kết thúc hôm 19/03, ông Lý Văn Hồng cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy việc xây dựng Bắc Kinh thành một trung tâm quản lý tài sản toàn cầu. Ngay từ tháng 05/2022, ĐCSTQ đã ban hành thông tư “Các ý kiến về việc thúc đẩy xây dựng Bắc Kinh thành Trung tâm Quản lý Tài sản Toàn cầu”. Nội dung cốt lõi của thông tư này nhất quán với các mục tiêu của kế hoạch cải tổ tài chính được đưa ra gần đây — nhằm tăng cường khả năng kiểm soát tài sản và vốn của ĐCSTQ và làm rõ rằng Đảng là lãnh đạo tối cao của ngành tài chính.
Ông Phương tin rằng điều này rất đáng theo dõi.
Ông nói: “Bởi vì các trung tâm quản lý tài sản là nơi quản lý tài sản cho người giàu, ngân hàng tư nhân, và các đối tượng có giá trị tài sản cao khác. Bắc Kinh muốn xây dựng một trung tâm giàu có của toàn cầu, điều đó có nghĩa là ĐCSTQ muốn quản lý tiền của những người giàu cả trong và ngoại quốc.”
Theo phân tích của ông Phương, ĐCSTQ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động tài chính của Trung Quốc.
Ông Phương nói rằng nhiều tổ chức tài chính và nhiều vốn hơn nữa sẽ được gắn kết với các bộ phận hoặc nhóm chính trị đầy quyền lực của ĐCSTQ.
Ông Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết với việc quyết định tập trung tài chính vào tay của ĐCSTQ, chính phủ chỉ là tương đương với cơ quan hành chính của Đảng.
Ông nói với The Epoch Times: “Đảng đã từng hoạt động đằng sau hậu trường và thông qua các cơ quan chính phủ, nhưng giờ đây nó đã ở vị trí gây chú ý.”
“Chúng ta biết rằng nền kinh tế và tài chính càng cởi mở và tự do thì càng hoạt động tốt hơn. Quan niệm và kinh nghiệm căn bản là nếu kiểm soát quyền lực quá nhiều thì ngành này không thể phát triển vượt bậc.”
Bản tin có sự đóng góp của Ellen Wan
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times