Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái nói mình an toàn giữa lo ngại toàn cầu
Các quan chức Olympic dường như đã nắm chắc cơ hội đầu tiên để tiếp cận ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai), người đã bặt vô âm tín trước đó, vì các quan chức thể thao bên ngoài Trung Quốc rất muốn được nghe trực tiếp từ tay vợt này.
Theo một thông cáo báo chí từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), cô Bành nói với các quan chức IOC trong một cuộc gọi video từ Bắc Kinh hôm 21/11 rằng cô vẫn an toàn và khỏe mạnh.
Cuộc gọi video kéo dài 30 phút này do Chủ tịch IOC Thomas Bach chủ trì, và có sự tham gia của Chủ tịch ủy ban vận động viên Emma Terho và Thành viên IOC tại Trung Quốc Lý Linh Úy (Li Lingwei). Cuộc gọi xảy ra sau khi vận động viên từng ba lần tham dự Thế vận hội này không xuất hiện trước công chúng trong gần 20 ngày sau khi một bài đăng hiện đã bị xóa xuất hiện trên tài khoản Weibo của cô hồi đầu tháng, cáo buộc một cựu quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tấn công tình dục cô.
Cho đến nay, những nỗ lực từ những người bên ngoài Trung Quốc để liên lạc với cựu tay vợt số một thế giới nội dung đôi nữ qua nhiều phương thức khác nhau đều đã không mang lại kết quả.
Lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu về tung tích của cô Bành đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022 sắp tới – một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ĐCSTQ – với những người chỉ trích nhà cầm quyền này nói rằng sự an toàn của các vận động viên dường như không được nước chủ nhà bảo đảm. Nhà tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp dành cho nữ cũng đã đe dọa sẽ đưa các sự kiện của họ ra khỏi Trung Quốc trừ khi sự an toàn của cô Bành được bảo đảm.
Bắc Kinh đã phản ứng dè dặt trước những cáo buộc này – cho đến tuần trước. Lúc đó, giới chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông do nhà nước này kiểm soát đã công bố các email được cho là do cô Bành viết, cũng như các bức ảnh và clip về cô mà nhiều người nghi ngờ là một nỗ lực để xoa dịu những lo ngại về sự an nguy của cô.
Giờ đây, cô Terho của IOC, một vận động viên khúc côn cầu đến từ Phần Lan, người đại diện cho các vận động viên trong ban điều hành IOC, đã nói rằng cô Bành “trông có vẻ thoải mái” sau cuộc trò chuyện trực tuyến theo thời gian thực với các quan chức Olympic — những người vẫn giữ im lặng về tình trạng của cô Bành cho đến cuối tuần qua.
Theo cơ quan Olympic có trụ sở tại Thụy Sĩ này, cô Bành “cảm ơn IOC đã quan tâm đến sức khỏe của cô”.
“Cô giải thích rằng cô vẫn an toàn và khỏe mạnh, sống tại nhà riêng ở Bắc Kinh, nhưng muốn mọi người tôn trọng sự riêng tư của cô vào lúc này. Đó là lý do tại sao bây giờ cô muốn dành thời gian của mình cho bạn bè và người thân,” tuyên bố trên cho biết.
Hôm 02/11, với giọng văn của cô Bành, một bài viết đăng trên tài khoản Weibo giống Twitter của nhà vô địch Grand Slam nội dung đôi nữ 35 tuổi này đã cáo buộc rằng cựu phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), 75 tuổi, đã ép cô quan hệ tình dục trước khi cô trở thành tình nhân của ông. Mặc dù bộ máy kiểm duyệt internet của Trung Quốc đã xóa bài viết đó trong vòng nửa giờ, nhưng cáo buộc gây chú ý này vẫn lan truyền trên mạng.
“Tôi không thể diễn tả nổi mình đã cảm thấy ghê tởm như thế nào… Tôi cảm thấy mình giống như một xác chết biết đi,” cô Bành dường như đã viết như thế trên tài khoản Weibo đã được xác minh của mình.
Trường hợp xuất hiện trở lại đáng chú ý của cô Bành là một trong số ngày càng nhiều những trường hợp của các doanh nhân, nhà hoạt động, và công dân Trung Quốc biến mất trong những năm gần đây sau khi chỉ trích các nhân vật quyền cao chức trọng của đảng, hoặc biến mất trong các cuộc đàn áp tham nhũng, hoặc các chiến dịch ủng hộ dân chủ và quyền lao động.
Một số người tái xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng mà không có lời giải thích nào, cho thấy rằng họ đã bị cảnh cáo không được tiết lộ những gì đã xảy ra với họ trong thời gian im lặng.
ĐCSTQ không có dấu hiệu nào về việc họ có đang điều tra cáo buộc của cô Bành đối với ông Trương hay không. Ông Trương đã rời Ủy ban Thường vụ cầm quyền của ĐCSTQ hồi năm 2018 và hầu như biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Những người khiếu nại ở Trung Quốc thường phải đối mặt với án tù và các hình phạt khác vì làm cho đảng bẽ mặt bằng cách công khai các khiếu nại về hành vi lạm dụng thay vì thông qua hệ thống chính thức kín kẽ, thường không hồi âm.
Hôm 20/11, IOC cho biết rằng họ sẽ tiếp tục “đối thoại cởi mở ở tất cả các cấp với phong trào Olympic ở Trung Quốc”.
Khi được hỏi cách đây hai tuần về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, thành viên cao cấp của IOC Juan Antonio Samaranch cho biết, “Chúng tôi không thảo luận với chính phủ Trung Quốc bất cứ điều gì” về chủ đề đó.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: