Ngoại trưởng Pompeo lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ bị đàn áp ở Hồng Kông
Việc sử dụng tòa án để bịt miệng những người bất đồng chính kiến một lần nữa nhấn mạnh rằng nỗi sợ lớn nhất của Trung Cộng là quyền tự do ngôn luận và tự do suy nghĩ của người dân.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên án chính quyền Hồng Kông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) về cái mà ông gọi là “cuộc đàn áp chính trị” đối với bốn nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trong hai ngày qua.
“Việc sử dụng tòa án để bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong hòa bình là một dấu hiệu của chế độ độc tài và một lần nữa nhấn mạnh rằng nỗi sợ lớn nhất của chính quyền Bắc Kinh là quyền tự do ngôn luận và tự do suy nghĩ của người dân”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố hôm 3/12.
Hôm 2/12, nhà hoạt động Hồng Kông nổi tiếng Joshua Wong và hai đồng nghiệp lâu năm, Agnes Chow và Ivan Lam, đã bị kết án nhiều tháng tù, vì vai trò của họ trong một cuộc biểu tình lớn xảy ra vào tháng 6 năm ngoái.
Một ngày sau, Jimmy Lai, ông trùm truyền thông sở hữu tờ báo địa phương Apple Daily, bị từ chối bảo lãnh sau khi bị bắt vì cáo buộc gian lận. Hiện ông đang bị giam giữ cho tới lần hầu tòa tiếp theo vào tháng 4 năm sau. Tờ Apple Daily được biết đến với việc xuất bản những quan điểm ủng hộ người biểu tình Hồng Kông và chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
“Về mặt lịch sử, Hồng Kông được hưởng lợi từ một hệ thống tự do và cởi mở tôn vinh những công dân tích cực ủng hộ hòa bình như Joshua Wong, Agnes Chow, Ivan Lam và Jimmy Lai”, ông Pompeo nói.
Ông nói thêm: “Cuộc đấu tranh để chống lại việc Trung Cộng từ chối các quyền cơ bản của họ sẽ tồn tại trong suốt lịch sử như một minh chứng cho tinh thần con người.”
Ông Pompeo chỉ ra rằng người dân Hồng Kông có thể thực hiện các quyền của họ được bảo đảm theo hiến pháp riêng của Hồng Kông, Luật Cơ bản và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Trung Cộng và Vương quốc Anh đã ký Tuyên bố chung Trung-Anh vào năm 1984, mở đường cho việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo hiệp ước, Luật Cơ bản đã được soạn thảo nhằm bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người Hồng Kông, quyền mà người Trung Quốc đại lục không có được dưới sự cai trị của Trung Cộng, ít nhất 50 năm theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Điều 27 của Luật cơ bản Hồng Kông bảo đảm cho người dân Hồng Kông các quyền tự do cơ bản, bao gồm ngôn luận, báo chí và hội họp.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới để bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hồng Kông cũng như tất cả những người đang phải chịu đựng sự thống trị của Trung Cộng”, ông Pompeo tuyên bố.
Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng ủng hộ bốn nhà hoạt động Hồng Kông.
Gọi bốn nhà hoạt động là “những gương mặt thực sự dũng cảm”, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Đảng Cộng Hòa-Florida) đã viết trên Twitter rằng: “Những nỗ lực của Trung Cộng nhằm đe dọa bất kỳ ai lên tiếng chống lại họ và việc vi phạm nhân quyền của họ thật là thảm hại.”
Dân biểu Eliot Engel (Đảng Dân Chủ-New York) cho biết trên Twitter rằng ông rất phẫn nộ trước cảnh ngộ của bốn nhà hoạt động.
“Đây là sự xâm phạm rõ ràng của chính quyền Trung Quốc và khu tự trị Hồng Kông nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến bằng việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp của [Hồng Kông], nơi nền độc lập đang bị bao vây”, ông Engel nói.
Các nhóm nhân quyền quốc tế bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng đã lên tiếng chỉ trích.
“Việc buộc tội doanh nhân truyền thông Jimmy Lai với tội danh lừa đảo do bị cáo buộc vi phạm các điều khoản của hợp đồng cho thuê và từ chối bảo lãnh của ông ấy, là một cuộc tấn công vào phương tiện truyền thông độc lập của Hồng Kông”, ông Steven Butler, điều phối viên Chương trình Châu Á của CPJ cho biết trong một tuyên bố.
Ông Butler nói thêm: “Trung Quốc dường như quyết tâm nghiền nát những gì còn lại của báo chí tự do một thời thịnh vượng ở Hồng Kông, với những hậu quả tai hại cho người dân Hồng Kông.”