Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ lo ngại về các biện pháp hà khắc của chính phủ Hồng Kông
Vào ngày 8 tháng 9, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên án chính phủ Hồng Kông vì những hành động gần đây của họ đã hạn chế các quyền tự do cơ bản của thành phố.
Ông Pompeo viết trên Twitter: “Dân chủ, tôn trọng các quyền tự do cơ bản và trách nhiệm giải trình của chính phủ với người dân là những con đường tốt nhất để ổn định ở Hồng Kông – chứ không phải những nỗ lực hà khắc nhằm hạn chế tự do ngôn luận, trì hoãn bầu cử và hạn chế đi lại.”
Sự lo ngại của ông Pompeo đến từ sau vụ việc cảnh sát Hồng Kông cuối tuần trước đã bắt giữ ít nhất 289 người dân tại địa điểm diễn ra các cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối quyết định của nhà lãnh đạo Hồng Kông về việc hoãn bầu cử cơ quan lập pháp của thành phố lại một năm. Cuộc bầu cử ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 6/9.
Trong số những người bị bắt hôm 6/9 có một bé gái 12 tuổi, và mẹ cô bé cho biết cô bé không tham gia biểu tình và đi ra ngoài để mua văn phòng phẩm. Các video trực tuyến quay cảnh cảnh sát ghì cô bé xuống đất đã gây ra phản đối kịch liệt vì sự bạo lực của cảnh sát.
Hồi tháng 7, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), trưởng đặc khu Hồng Kông đã dừng cuộc bầu cử vì lo ngại rằng các cuộc tụ tập cử tri sẽ làm trầm trọng thêm sự lây lan của virus Vũ Hán. Các nhà phê bình cho rằng bà Lâm đình chỉ cuộc bầu cử vì lo ngại phe đối lập có thể sẽ giành chiến thắng trước phe thân Bắc Kinh.
Sự chiến thắng của phe đối lập sẽ là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại các chính sách của Bắc Kinh ở Hồng Kông, đặc biệt là luật an ninh quốc gia gây tranh cãi có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7.
Đầu tháng này, 7 chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc đã viết một bức thư dài 14 trang gửi Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại rằng luật an ninh “thiếu chính xác trong các khía cạnh chính, [và] vi phạm một số quyền cơ bản.”
Họ cũng bày tỏ lo ngại rằng “một loạt các hoạt động hợp pháp” bây giờ sẽ được định nghĩa lại là ly khai – một tội danh mà theo luật mới là có thể bị phạt tù chung thân.
Trước hôm Chủ Nhật 6/9, cảnh sát Hồng Kông trong tháng trước đã bắt giữ một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ địa phương, bao gồm các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ ông Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting) và ông Hứa Trí Phong (Ted Hui), cũng như ông trùm truyền thông Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), và nhà hoạt động nổi tiếng Chu Đình (Agnes Chow).
Vào ngày 23 tháng 8, 12 người Hồng Kông trên một chiếc thuyền đã bị chính phủ Trung Quốc đại lục bắt giữ sau khi con tàu bị chặn ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng những người này đang đến Đài Loan để xin tị nạn chính trị.
Cũng trong ngày thứ Ba (8/9), cảnh sát Hồng Kông thông báo trên trang Facebook của họ rằng, kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ bắt đầu diễn ra vào tháng 6 năm ngoái cho đến ngày 6/9, 10.016 người đã bị bắt giữ. Trong số những người bị bắt, 2.210 người đã bị buộc tội, với các tội danh như “bạo loạn “và “tụ tập bất hợp pháp.”
Việc xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và sự bùng phát virus Vũ Hán của bà Lâm không được người dân địa phương đón nhận. Trong cuộc thăm dò mới nhất của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông, khi 1.007 người được khảo sát từ ngày 31/8 đến ngày 4/9, mức độ đồng thuận với bà Lâm là 28,1%, giảm so với tháng 5 năm 2019 là 44,7%.
Các nhà lập pháp từ Hoa Kỳ và Châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến gần đây ở Hồng Kông.
Bà Nicola Beer, chính trị gia người Đức, và là thành viên của Nghị viện châu Âu, đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng việc hoãn bầu cử ở Hồng Kông là “không thể chấp nhận được, phản dân chủ và trái pháp luật.”
Ông Stephen Kinnock, Nghị sĩ Anh đã kêu gọi chính phủ Anh tổ chức một cuộc điều tra độc lập về “sự tàn bạo của cảnh sát [Hồng Kông],” sau vụ bắt giữ bé gái 12 tuổi.
“Người dân #Hồng Kông đang gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott (R-Fla.) viết trên Twitter sau cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 6/9 ở Hồng Kông.
“Luật an ninh mới hủ bại sẽ không thể làm nguôi ngoai khao khát dân chủ, nhân quyền và tự do của họ,” ông Scott cho biết.
Tác giả: Frank Fang (Theo dõi Frank trên Twitter: @HwaiDer)