Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề ra chiến lược chung chống lại mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc
Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi các công ty công nghệ Hoa Kỳ loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc ra khỏi kho ứng dụng của họ, đồng thời phác thảo cho sáng kiến “Mạng sạch” của chính phủ nhằm bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ.
Lời kêu gọi của ông Pompeo được đưa ra nhắm vào các kho ứng dụng của Apple và Google khi chính phủ TT Trump buộc ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok phải tìm được đối tác Hoa Kỳ mua lại ứng dụng, với lý do lo ngại các vấn đề về bảo mật. Công ty công nghệ Hoa Kỳ Microsoft xác nhận họ đang đàm phán để mua lại TikTok từ chủ sở hữu ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo vào ngày 5/8 rằng: “Các ứng dụng như TikTok, WeChat và những ứng dụng khác có các công ty mẹ đặt trụ sở tại Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Hoa Kỳ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung của Trung Cộng”.
Luật tình báo quốc gia của Trung Cộng có hiệu lực vào năm 2017, cho phép Bắc Kinh truy cập vào tất cả dữ liệu được lưu trữ trong biên giới quốc gia của họ.
Chính sách bảo mật hiện có của TikTok tuyên bố rằng công ty thu thập “thông tin mà bạn [người dùng] chia sẻ với chúng tôi từ các nhà cung cấp mạng xã hội thứ ba cũng như thông tin kỹ thuật và hành vi sử dụng của bạn trên nền tảng này”, đồng nghĩa việc họ thu thập thông tin người dùng như địa chỉ IP và dữ liệu liên quan đến định vị.
Vào tháng 7, 25 thành viên Đảng Cộng Hòa đã viết cho Tổng thống Donald Trump và chỉ ra rằng chính sách về quyền riêng tư của TikTok là một lý do để cấm nó và các ứng dụng khác có liên quan đến Trung Cộng.
WeChat là một ứng dụng nhắn tin phổ biến thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Tencent, rất tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của chế độ Trung Cộng, đồng thời WeChat còn mở rộng việc giám sát và kiểm duyệt đối với người sử dụng ứng dụng tại Hoa Kỳ.
Ông Pompeo cho biết hôm 5/8 rằng việc loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc chỉ là một trong sáu sáng kiến trong chiến dịch “Mạng sạch”. Ban đầu, chiến dịch nói về nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy các quốc gia khác loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc bao gồm Huawei ra khỏi mạng lưới 5G của họ.
Ông Pompeo cũng kêu gọi các công ty Hoa Kỳ không cung cấp ứng dụng của họ cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh “không đáng tin cậy” như Huawei.
Ông Pompeo nói: “Chúng tôi không muốn các công ty Hoa Kỳ đồng lõa với các vụ vi phạm nhân quyền của Huawei hay các bộ máy giám sát của Trung Cộng”.
Vào tháng 6, Ngũ Giác Đài đã chỉ đích danh 20 công ty thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của quân đội Trung Cộng bao gồm Huawei, China Mobile và China Telecom. Vào giữa tháng 7, Bộ Ngoại giao tuyên bố sẽ áp dụng các hạn chế thị thực đối với nhân viên của Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có hành động ủng hộ các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng trên khắp thế giới.
Chiến dịch “Mạng sạch” cũng bao gồm các vấn đề xung quanh điện toán đám mây của Trung Quốc và cáp dữ liệu dưới biển, phần cuối của chiến dịch này sẽ mang lại 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới.
Ông Pompeo chỉ đích danh 5 nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc, gồm có Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent, là mối đe dọa gây ra cho công dân Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ khi họ lưu trữ dữ liệu trên các nền tảng trực tuyến này, bao gồm các nghiên cứu về vaccine COVID-19.
Hai tin tặc người Trung Quốc được Trung Cộng hậu thuẫn đã bị truy tố vào tháng 7 vì tội ăn cắp bí mật thương mại và cố gắng đánh cắp nghiên cứu COVID-19.
Ông Pompeo nói: “Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại và các cơ quan khác để hạn chế khả năng các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc thu thập, lưu trữ và xử lý một lượng lớn dữ liệu và thông tin nhạy cảm tại Hoa Kỳ”.
Trong một sáng kiến khác, ông Pompeo cảnh báo rằng dữ liệu được truyền bằng cáp dưới biển có thể bị xâm phạm bởi Trung Cộng, đặc biệt là những dữ liệu do Huawei Marine lắp đặt.
Huawei Marine được thành lập vào năm 2008 với tư cách là một liên doanh giữa Huawei và công ty cung cấp cáp truyền tin ngầm Global Marine có trụ sở tại Anh. Kể từ đó, công ty đã trở thành một trong những nhà cung cấp cáp dưới biển lớn nhất thế giới. Hiện tại, chủ sở hữu đa số cổ phần của Huawei Marine là Tập đoàn Điện quang Hengtong có trụ sở tại Trung Quốc và có quan hệ với Trung Cộng.
Vào tháng 6, Washington đã thúc giục Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chặn một tuyến cáp dưới biển kết nối giữa Los Angeles và Hong Kong do các nguy cơ về an ninh quốc gia. Tuyến cáp ấy, gần như đã được mang đến và sẵn sàng hạ thủy, do Google và Facebook hỗ trợ.
Cuối cùng, ông Pompeo chỉ ra tầm quan trọng của việc không cho các công ty viễn thông Trung Quốc kết nối với các mạng viễn thông của Hoa Kỳ.
Ông kêu gọi FCC cấm các công ty cung cấp dịch vụ đến và đi từ Hoa Kỳ, gồm có China Telecom Americas, China Unicom Americas, Pacific Networks và công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của nó là ComNet USA.
Một báo cáo của Thượng viện đưa ra vào đầu tháng 6 cảnh báo rằng các hãng viễn thông nhà nước của Trung Quốc có thể hỗ trợ chế độ Trung Cộng trong các nỗ lực gián điệp kinh tế và gián điệp không gian mạng nhằm chống lại Hoa Kỳ.
Ông Pompeo kết luận: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia và công ty yêu tự do tham gia vào chiến dịch ‘Mạng sạch’”.
Cũng trong ngày 5/8, ông Pompeo cho biết “làn sóng hoàn toàn đang xoay chuyển” trong việc chống lại Trung Cộng kể từ bài phát biểu của ông tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California vào ngày 23/7, khi ông kêu gọi các quốc gia tự do “đem lại sự thay đổi trong hành vi của Trung Cộng”.
Ông nói thêm: “Ý tưởng trọng tâm là không tin tưởng và sau đó xác minh, tôi nghĩ thế giới sẽ xem đây là cách đúng đắn để tiếp cận [chế độ Trung Cộng] nhằm ứng phó với những thách thức này”.
Tác giả: FRANK FANG