Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken kêu gọi Trung Quốc hoàn toàn thành thực về đại dịch
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài BBC World News, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chỉ trích Trung Cộng vì tiếp tục thiếu minh bạch về COVID-19.
“Các quốc gia cần phải minh bạch [thông tin]; họ cần phải chia sẻ thông tin; họ cần phải cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận ngay khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát — những điều mà, thật không may, chúng tôi chưa thấy từ Trung Quốc,” ông Blinken nêu rõ.
“Hy vọng của tôi từ nay trở đi là Trung Quốc sẽ trở thành một thành viên tham gia trọn vẹn vào những nỗ lực này để bảo đảm rằng chúng ta có thể ngăn chặn đợt dịch tiếp theo ngay cả khi chúng ta đang đối phó với đợt dịch hiện tại,” ông Bliken cho biết thêm.
Việc Trung Cộng che đậy COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra, đã nhen nhóm trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh. Vào cuối tháng 12/2019, chính quyền Trung Cộng đã bịt miệng tám người tố giác, bao gồm cả bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, khi họ cố gắng cảnh báo trên mạng xã hội Trung Quốc về một đợt bùng phát “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở thành phố Vũ Hán.
Gần đây nhất, Bắc Kinh đã bị cáo buộc từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca nhiễm ban đầu cho các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Úc Dominic Dwyer, thành viên của một nhóm điều tra về nguồn gốc đại dịch ở Vũ Hán của WHO. Nhóm điều tra này đã đến Vũ Hán vào giữa tháng Một, trước khi rời đi vào đầu tháng Hai.
The Epoch Times gần đây đã có được một số tài liệu nội bộ do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và các sở y tế của Trung Quốc, phát hành vào năm 2019 và 2020. Các tài liệu này tiết lộ rằng Bắc Kinh đã không công khai một lượng lớn dữ liệu về những người bị nhiễm cúm và các bệnh khác có các triệu chứng tương tự như COVID-19.
Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Blinken cũng lên án quyết định của Bắc Kinh cấm đài BBC World News ở Trung Quốc. Ông Blinken cho rằng người dân Trung Quốc là “những người thiệt thòi nhất” vì Trung Quốc có “một trong những không gian thông tin khép kín nhất trên thế giới.”
“Họ muốn được chia sẻ thông tin một cách tự do và cởi mở. Điều đó đang bị chính quyền của họ từ chối,” ông Bliken nói thêm.
Quyết định của Bắc Kinh cấm đài BBC được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cơ quan quản lý phát thanh truyền hình của Vương quốc Anh hôm 04/02 đã thu hồi giấy phép của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), cánh tay quốc tế của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Cơ quan này phát hiện CGTN đã vi phạm luật phát thanh truyền hình của Anh Quốc.
Hai ngày trước đó, dựa trên các cuộc phỏng vấn với một số cựu tù nhân và một lính canh, đài BBC đã đưa tin rằng những người đàn ông Trung Quốc đã tham gia vào các vụ cưỡng hiếp hàng loạt, lạm dụng tình dục và tra tấn những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù bên trong các trại giam ở vùng Tân Cương viễn tây Trung Quốc.
Bắc Kinh đã giam giữ (pdf) hơn một triệu người dân tộc thiểu số, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và Kyrgyz trong các trại giam này. Bắc Kinh tuyên bố những trại giam này là “các trung tâm đào tạo nghề”.
Hồi tháng Một, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã tuyên bố Bắc Kinh đã phạm phải “tội diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
“[Trung Quốc] lợi dụng thực tế là nhiều quốc gia trong chúng ta có những trang web hoàn toàn tự do và cởi mở, và Trung Quốc sử dụng điều đó để phát tán thông tin sai lệch và những lời tuyên truyền,” ông Blinken nêu rõ.
Trong năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời chính phủ cựu TT Trump đã chỉ đích danh 9 cơ quan truyền thông Trung Cộng, bao gồm cả CCTV, CGTN và Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), là các phái bộ nước ngoài, xác định họ là các cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng. Các hãng thông tấn này bị yêu cầu ghi danh nhân sự và tài sản ở Hoa Kỳ của họ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Blinken đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh hay không.
“Chúng tôi sẽ trở lại câu hỏi đó vào thời điểm thích hợp, nhưng điều chủ yếu là xuyên suốt tất cả những vấn đề này, điều thực sự quan trọng là chúng ta phải tham khảo ý kiến chặt chẽ, và chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và các đối tác có cùng chí hướng với mình,” ông Bliken giải thích.
Trước đó trong tháng Hai, một liên minh gồm hơn 180 nhóm, trong đó có Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế (International Tibet Network) và Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress), đã ký một lá thư chung, kêu gọi các chính phủ tẩy chay Thế vận hội 2022 [ở Bắc Kinh].
Do Frank Fang thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: