Ngoại trưởng Blinken vạch ra các chiến lược đối ngoại của Tổng thống Biden, Hoa Kỳ sẽ ‘dẫn đầu bằng ngoại giao’
Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Tư (03/03) đã vạch ra cách chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp cận chính sách đối ngoại, bao gồm việc Hoa Kỳ quay trở lại các thỏa thuận quốc tế sau khi chính phủ tiền nhiệm đã nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ.
Trong bài diễn văn từ Bộ Ngoại giao, người được ông Biden bổ nhiệm này cho biết chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo sẽ “tái tạo sức mạnh của Hoa Kỳ để đáp ứng những thách thức và nắm bắt cơ hội của thời đại chúng ta” bằng cách hợp tác với các quốc gia khác trong việc chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt là về chích ngừa cho người dân và ký các thỏa thuận như thỏa thuận đã đạt được với Iran dưới thời chính phủ TT Obama.
“Vai trò lãnh đạo và cam kết của Hoa Kỳ là trọng yếu. Chúng ta đang lắng nghe về điều này từ những người bạn của chúng ta. Họ rất vui vì chúng ta đã trở lại. Dù chúng ta muốn hay không, thế giới này chẳng thể tự tổ chức. Khi Hoa Kỳ rút lui, một trong hai điều sau có thể xảy ra. Hoặc là một quốc gia khác nỗ lực thế chỗ chúng ta, nhưng không theo cách nâng cao lợi ích và các giá trị của chúng ta hoặc là điều tồi tệ tương đương, không một quốc gia nào nhận trách nhiệm và sau đó chúng ta rơi vào hỗn loạn cùng tất cả những mối nguy hiểm do sự hỗn loạn đó gây ra. Dù theo cách nào thì điều đó cũng không tốt cho đất nước Hoa Kỳ,” ông Blinken, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao dưới thời Obama-Biden, cho biết.
Ông Biden đã thông báo rằng Hoa Kỳ đang tái gia nhập hoặc tiến tới tái gia nhập hiệp ước với Iran, hiệp định khí hậu Paris và Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, cùng các hiệp định hoặc tổ chức quốc tế khác. Cựu TT Donald Trump đã rút khỏi các hiệp ước này, cho rằng chúng không phục vụ cho các mục đích đã đặt ra của chính phủ của ông.
Trong khi chính phủ của ông Biden sẽ “dẫn đầu bằng ngoại giao,” thì khả năng đàm phán hiệu quả “phụ thuộc không nhỏ vào sức mạnh của quân đội chúng ta,” ông Blinken nói, gần một tuần sau khi Hoa Kỳ tiến hành các cuộc không kích vào các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.
Hoa Kỳ sẽ xem hồi sinh các mối quan hệ với các đồng minh là trọng tâm chính dưới thời TT Biden, vị quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại của ông Biden này cho biết.
Ông Blinken đã thừa nhận những sai lầm của chính phủ mà ông từng phục vụ. Ví dụ, ông nói với CBS vào năm ngoái rằng chính phủ TT Obama “đã không thể ngăn chặn một thiệt hại kinh hoàng về nhân mạng” ở Syria. Hôm thứ Tư (03/03), ông nói rằng một số quan chức chính phủ đã nhầm lẫn khi tin rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích rộng rãi cho người dân Hoa Kỳ, cam kết lần này sẽ “chiến đấu cho mọi việc làm của Hoa Kỳ và cho các quyền, sự bảo vệ và lợi ích của tất cả người lao động Hoa Kỳ,” bao gồm cả việc sử dụng “mọi công cụ để ngăn chặn các quốc gia đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta hoặc thao túng hệ thống tiền tệ của họ để có được lợi thế không công bằng.”
Trong một ý kiến khác mang âm hưởng tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông Trump, ông Blinken đã mô tả Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21.”
Ông Blinken cũng cho biết biên giới vững chắc “là nền tảng cho an ninh quốc gia của chúng ta,” nhưng lập luận rằng phải có “một giải pháp đơn giản thích đáng” với làn sóng người di cư đến biên giới Hoa Kỳ mỗi năm.
“Chúng ta cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và do đó chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng của chúng ta tại khu vực Trung Mỹ để giúp mang lại an ninh cơ sở vật chất và cơ hội kinh tế tốt hơn, để người dân không còn cảm thấy như di cư là cách duy nhất để đổi đời,” ông nói.
Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ “dẫn dắt một cuộc cách mạng năng lượng xanh” trong việc nỗ lực “giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu,” cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cháy rừng ở California và lũ lụt ở khu vực Trung Tây Hoa Kỳ.
Ông James Carafano, phó Chủ tịch Viện An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại Kathryn và Shelby Cullom Davis thuộc Heritage Foundation, nói với The Epoch Times rằng ông không thể “luận ra bất kỳ hành động thực chất nào” từ bài diễn văn đó.
“Ví dụ, ông ta nói rằng đường biên giới an toàn là vấn đề quan trọng. Được thôi, điều đó lại hoàn toàn tương phản với mọi thứ mà họ đang làm,” ông nói.
“Đánh giá của tôi là: Những người này vào cuộc mà chẳng có kế hoạch nào cả. Họ không có kế hoạch nào cho Trung Quốc. Họ không có kế hoạch nào cho Trung Đông. Họ không có kế hoạch nào cho Nga, họ có một sự thôi thúc chỉ để nói ra rằng chúng tôi sẽ làm ngược hẳn với ông Trump,” ông nói thêm. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là một chính sách, là sự pha trộn giữa khuynh hướng mang tính tự nhiên của ông Biden đó là xây dựng sự đồng thuận; với người của Obama – chỉ muốn quay trở về và trở lại với những gì họ đang làm trước đây, và với một số người có những ý tưởng cực kỳ cấp tiến – như là chúng ta nên để cho Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo ở Trung Đông hơn là cho Israel hoặc các nước Ả Rập. Và những gì chúng ta đang thấy là một sự kết hợp kỳ quái, chúng ta không thấy chính sách nào rõ ràng về việc làm thế nào quý vị đối phó với cuộc cạnh tranh quyền lực to lớn của thế kỷ 21.”
Do Zachary Stieber thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: