Ngoại trưởng Blinken gây sức ép với Trung Cộng về vấn đề vi phạm nhân quyền trong cuộc điện đàm đầu tiên với nhà ngoại giao Trung Cộng
Hôm thứ Sáu (05/02), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với nhà ngoại giao cao cấp của Trung Cộng Dương Khiết Trì trong một cuộc điện đàm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, Bộ Ngoại giao cho biết.
Ông Blinken cũng gây sức ép với Trung Cộng để lên án cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện và ông tái khẳng định rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ làm việc với các đồng minh để buộc Trung Cộng chịu trách nhiệm về mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan, bộ cho biết trong một tuyên bố.
Sau những báo cáo đáng lo ngại về các vụ cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục có hệ thống đối với những phụ nữ bị giam giữ ở Tân Cương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Tư (03/02), nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng lo ngại” trước các báo cáo và cho rằng hành vi tàn bạo này gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Một báo cáo của BBC trước đó vào hôm thứ Tư (03/02) cho biết phụ nữ trong các trại giam là đối tượng bị ngược đãi nghiêm trọng. Đài truyền hình Anh này đưa tin rằng, “Một số cựu tù nhân và một lính canh đã nói với BBC rằng họ đã trải qua hoặc nhìn thấy bằng chứng về một hệ thống có tổ chức hiếp dâm hàng loạt, lạm dụng tình dục, và tra tấn.”
Các quan chức Trung Cộng đã phủ nhận những báo cáo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo hôm 05/02 rằng báo cáo của BBC là “tin đồn và dối trá.”
Trong cuộc điện đàm với ông Blinken, ông Dương nói rằng Hoa Kỳ nên “sửa chữa” những sai lầm gần đây của mình và cả hai bên phải tôn trọng hệ thống chính trị và con đường phát triển của nhau, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Cộng. Tuyên bố trong một diễn đàn trực tuyến hôm thứ Ba (02/02), ông Dương cũng kêu gọi Hoa Kỳ “ngừng can thiệp” vào các vấn đề thuộc chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng.
Trong một bài diễn văn hôm 01/02, ông Dương đã cảnh báo chính phủ TT Biden không vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, đồng thời nhắm vào chính phủ cựu TT Trump, nói rằng “các chính sách sai lầm” của họ đã khiến mối bang giao song phương rơi vào “giai đoạn khó khăn nhất” kể từ khi hai nước thiết lập ngoại giao.
Hoa Thịnh Đốn chấm dứt mối liên hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979 nhưng vẫn duy trì mối bang giao bền vững với hòn đảo này dựa trên Đạo luật Bang giao Đài Loan (TRA). Dưới thời chính phủ cựu TT Trump, mối bang giao Đài Loan-Hoa Kỳ ấm lên đáng kể, điều này đặc biệt rõ ràng trong quyết định của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo về việc dỡ bỏ các hạn chế về cách các quan chức Hoa Kỳ nên tương tác với những người đồng cấp Đài Loan của họ.
Trong khi đó, ông Uông Văn Bân đã nói dựa trên những lời nhận xét của ông Dương trong cuộc họp báo hôm 05/02, nơi ông được hỏi về tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Guyana, theo đó hoan nghênh việc thành lập Văn phòng Đài Loan ở Guyana.
Ông Uông nói: “Các quan chức liên quan của Hoa Kỳ đã đưa ra những nhận xét sai lầm nghiêm trọng vi phạm nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các chuẩn mực điều chỉnh các mối bang giao quốc tế mà Trung Quốc kiên quyết phản đối. Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ sửa chữa những sai lầm của mình, có những hành động cụ thể để tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ, và hành động một cách thận trọng.”
Chính sách một Trung Quốc và các Thông cáo chung là những thỏa thuận ngoại giao, theo đó Hoa Kỳ chính thức công nhận Đài Loan không phải là một quốc gia riêng biệt, mà là một phần của Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì liên hệ ngoại giao riêng biệt với Đài Loan, bao gồm bảo đảm an ninh và hỗ trợ thông qua mua bán vũ khí, mà vào năm 2020 đã đạt tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Hôm thứ Năm (04/02), Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của chúng tôi” và cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục đối đầu với điều mà ông mô tả là “cuộc tấn công vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu” của Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh khi có lợi cho Hoa Kỳ,” đồng thời đề nghị chính sách can dự nhiều hơn.
Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải của tờ Nhân dân Nhật báo do Trung Cộng kiểm soát, cho biết trong một bài xã luận hôm thứ Bảy (06/02) rằng họ mong muốn chính phủ TT Biden tiếp tục đối thoại cứng rắn trong khi cải thiện hợp tác trong một số lĩnh vực.
“Điều này rõ ràng là khác với giai đoạn sau của chính phủ cựu TT Trump, vốn chỉ làm trầm trọng thêm sự đối kháng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” bài xã luận nêu rõ.
Chính phủ cựu TT Trump đã đối đầu với Trung Cộng về những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, người Hồng Kông, người thiểu số Hồi giáo, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực và trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về việc vi phạm này.
Ngoài ra, hồi tháng trước (01/2020), cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã gọi cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác là tội ác diệt chủng và “tội ác chống lại loài người.”
Chế độ Trung Cộng thường làm chệch hướng chỉ trích của quốc tế đối với các chính sách của mình bằng cách tuyên bố rằng một số vấn đề, bao gồm các nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông và các thủ đoạn gây sức ép đối với Đài Loan, là “vấn đề nội bộ.”
Dưới thời chính phủ cựu TT Trump, Bộ Tư pháp đã ra nhiều cáo trạng có liên hệ đến hành vi trộm cắp bí mật thương mại và các tội danh liên hệ của Trung Cộng trong năm 2019 nhiều hơn so với tổng số cáo trạng trong cả tám năm đương nhiệm của chính phủ cựu TT Obama.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nói rằng chế độ Trung Cộng đang sử dụng cả chiến thuật mềm và cứng để gây áp lực lên chính phủ TT Biden, với hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán chính thức với Hoa Kỳ.
Bài diễn văn của ông Dương là một ví dụ về cách tiếp cận mềm mỏng, trong khi các cuộc xâm nhập gần đây vào không phận của Đài Loan và các lệnh trừng phạt đối với các cựu quan chức Hoa Kỳ là chiến thuật diều hâu.
Bài diễn văn của ông có thể được hiểu như một dấu hiệu cho thấy chế độ Trung Cộng sẽ sẵn sàng nhượng bộ nếu Hoa Kỳ hứa không vượt qua “lằn ranh đỏ.”
Cuối cùng, ông Đường tin rằng chế độ Trung Cộng muốn “quay trở lại thời kỳ mà nhân quyền và thương mại bị tách rời khỏi nhau” trong các cuộc đàm phán, để chế độ này có thể tiếp tục làm ăn với Hoa Kỳ, trong khi bỏ qua các vấn đề nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang, Nicole Hao và Reuters.
Tom OZimek
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: