Ngoại trưởng Blinken cảnh báo: Đây là ‘thời điểm nguy hiểm nhất ở Trung Đông’
Chính phủ Tổng thống Biden cam kết sẽ trả đũa nhưng các quan chức cho biết Hoa Kỳ không tìm cách gây chiến với Iran.
Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, leo thang sau cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái (drone) khiến ba binh sĩ Hoa Kỳ ở Jordan thiệt mạng, dường như là giai đoạn ‘nguy hiểm nhất’ của khu vực này trong khoảng 50 năm qua.
Nói với các phóng viên hôm thứ Hai (29/01) trong một cuộc họp báo mà ông tổ chức với tổng thư ký NATO, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết: “Đây là thời điểm vô cùng bất ổn ở Trung Đông. Chúng tôi chưa từng thấy một tình huống nào nguy hiểm như tình huống mà chúng tôi đang phải đối mặt trên khắp khu vực này kể từ ít nhất là năm 1973, và thậm chí có thể còn trước đó nữa.” Ông đang đề cập đến Chiến tranh Yom Kippur năm đó, khi đó Israel đánh Ai Cập, Syria, Maroc, Cuba, và Saudi Arabia, kéo dài khoảng hai tuần.
Ông Blinken nói thêm: “Và đó là môi trường mà chúng tôi đang hoạt động, và tất nhiên điều đó được khơi mào từ các cuộc tấn công kinh hoàng hôm 07/10 của Hamas nhắm vào những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em vô tội.”
Đợt leo thang căng thẳng gần đây diễn ra sau khi nhóm khủng bố Hamas tiến hành một số cuộc tấn công vào Israel vào ngày 07/10/2023, gây ra một phản ứng đáp trả từ Israel. Nhiều nhóm được cho là do Iran hậu thuẫn, như Houthis ở Yemen và các tổ chức khác nhau ở Iraq và Syria, đã nhắm mục tiêu vào quân đội Hoa Kỳ bằng phi cơ không người lái và phi đạn.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy (27/01), một tổ chức Iraq, được cho là được Iran hậu thuẫn, đã sát hại ba binh sĩ Mỹ đóng tại một tiền đồn nhỏ ở Jordan. Một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm Chủ Nhật (28/01) cam kết rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ đáp trả vụ việc này.
Ngoài ra, Ngũ Giác Đài báo cáo rằng hơn 40 binh sĩ bị thương trong vụ tấn công nói trên, chủ yếu bị vết cắt, vết bầm tím, chấn thương sọ não, và các vết thương tương tự. Tám người đã được sơ tán để chăm sóc y tế, trong đó ba người được đưa đến Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl ở Đức. Theo các quan chức, năm người còn lại bị “chấn thương sọ não nhẹ” dự kiến sẽ trở lại làm nhiệm vụ.
Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) và Bộ Quốc phòng đang điều tra xem vụ tấn công đã xảy ra như thế nào. Theo một thông cáo của Ngũ Giác Đài, các quan chức vẫn chưa xác định được ai đứng sau vụ việc.
Tuy nhiên, một nữ phát ngôn viên, bà Sabrina Singh, nói rằng họ tin rằng vụ tấn công này đến từ một nhóm ủy quyền được Iran hậu thuẫn và có “dấu vết của Kataib Hezbollah,” một nhóm hoạt động ở Iraq và Syria. “Chúng tôi biết rằng Iran đứng đằng sau vụ việc này. Và chắc chắn, như chúng tôi đã nói trước đây … Iran tiếp tục cung cấp vũ khí và trang bị cho các nhóm để tiến hành các cuộc tấn công này, và chúng tôi chắc chắn sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm,” bà nói thêm.
Hôm thứ Hai (29/01), Tòa Bạch Ốc cho biết họ không theo đuổi cuộc chiến với Iran, ngay cả khi chính phủ cam kết sẽ có hành động trả đũa. Các quan chức chính phủ TT Biden đã nêu ra rằng Tehran có thể đứng sau vụ không kích này. Trong tuần, một quan chức Bộ Ngoại giao Iran đã phủ nhận tuyên bố này.
“Vụ việc này không có câu trả lời dễ dàng,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết, đề cập đến cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và phản ứng có thể có của Hoa Kỳ. “Và đó là lý do tại sao tổng thống đang họp với đội an ninh quốc gia của mình để cân nhắc các lựa chọn trước mắt.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press.
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times