Nghị viện Georgia thông qua luật ‘đại diện ngoại quốc,’ phương Tây đồng loạt phẫn nộ
Moscow cáo buộc phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Sau nhiều tuần biểu tình và tranh luận chính trị, Nghị viện của Georgia (còn gọi là Gruzia) đã thông qua luật chống lại ảnh hưởng của ngoại quốc tại quốc gia nhỏ bé ở Nam Caucasus này.
Sau khi được ban hành, luật này sẽ yêu cầu các tổ chức do ngoại quốc tài trợ phải ghi danh là “tổ chức theo đuổi lợi ích ngoại quốc” nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt tài chính.
“Dự luật đã được thông qua,” Chủ tịch Nghị viện Georgia Shalva Papuashvili cho biết sau cuộc bỏ phiếu hôm 14/05, trong đó các nhà lập pháp xác nhận một phiên họp cuối cùng về luật này.
84 thành viên Nghị viện đã bỏ phiếu ủng hộ luật được gọi là luật “đại diện ngoại quốc” này, trong khi 30 thành viên bỏ phiếu chống.
Những người ủng hộ cho rằng luật này là cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi những ảnh hưởng thâm hiểm từ ngoại bang hoạt động dưới chiêu bài “xã hội dân sự.”
Tuy nhiên, những người phản đối lo sợ rằng luật này sẽ hạn chế tự do ngôn luận và tự do diễn đạt cũng như cản trở cơ hội gia nhập Liên minh Âu Châu (EU) của Georgia.
Các nhà phê bình gọi một cách chế nhạo là “luật kiểu Nga,” so sánh luật này với luật được Moscow sử dụng để trấn áp sự bất đồng về chính trị.
Điện Kremlin phủ nhận mọi sự dính líu với luật này của Georgia hay việc Nghị viện vừa mới phê chuẩn luật này.
“Đây là vấn đề nội bộ của Georgia,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện.
“Chúng tôi nhận thấy sự can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của Georgia từ bên ngoài,” ông nói thêm, ám chỉ đến việc phương Tây gây áp lực lên Georgia để bãi bỏ luật này.
Chỉ trích của phương Tây
Trong thời gian sắp diễn ra cuộc bỏ phiếu, một số nước phương Tây — trong đó có Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, và Đức — đã thúc giục Georgia bãi bỏ đạo luật này.
Sau cuộc bỏ phiếu, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng bất an” trước điều mà bà mô tả là luật “kiểu Điện Kremlin.”
Hôm 14/05, bà nói với các phóng viên rằng, “Nếu luật này được thông qua, thì điều này sẽ buộc chúng tôi phải đánh giá lại một cách căn bản về mối bang giao của chúng tôi với Georgia.”
Ngày hôm sau, Brussels cũng kêu gọi Georgia bãi bỏ luật, cho rằng luật này có nguy cơ đánh tan hy vọng gia nhập EU của nước này.
Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối Âu Châu này, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Việc thông qua luật này tác động tiêu cực đến tiến trình của Georgia trên con đường gia nhập EU.”
Brussels đã cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia vào tháng Mười Hai năm ngoái (2023).
“Sự lựa chọn trên con đường phía trước nằm trong tay Georgia,” ông Borrell nói. “Chúng tôi kêu gọi giới chức trách Georgia rút lại luật này.”
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, một người lớn tiếng chỉ trích luật này, đã đe dọa sẽ phủ quyết theo đặc quyền hiến định của bà.
Tuy nhiên, những người ủng hộ, trong đó có đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia, đã tuyên bố sẽ bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống trong một cuộc bỏ phiếu khác tại Nghị viện.
Đảng cầm quyền cho rằng luật này chống lại ‘các giá trị tự do giả hiệu’
Năm ngoái, một nỗ lực tương tự của đảng cầm quyền nhằm thông qua dự luật đã bị hủy bỏ sau nhiều ngày biểu tình ở Tbilisi, thủ đô của Georgia.
Hồi tháng Tư, Đảng Giấc mơ Georgia và các đồng minh đã giới thiệu lại đạo luật này, làm dấy lên một làn sóng biểu tình mới từ những người phản đối.
Theo đảng cầm quyền, luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia của Georgia và chống lại “các giá trị tự do giả hiệu” do các tổ chức ngoại quốc áp đặt.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ James O’Brien đã cảnh báo rằng Hoa Thịnh Đốn có thể áp đặt các hạn chế về tài chính và đi lại đối với Georgia nếu nội dung của luật này vẫn giữ nguyên.
Qua chuyến công du đến Tbilisi trong tuần này, ông nói rằng, “Nếu luật này được thi hành mà không tuân thủ các tiêu chuẩn của EU, và kiểu luận điệu này … chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác khác vẫn tiếp tục, thì tôi nghĩ mối bang giao [Hoa Kỳ-Georgia] sẽ gặp rủi ro.” Ông còn nói thêm rằng tất cả sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho Georgia sẽ được xem xét lại nếu giới lãnh đạo nước này vẫn kiên quyết coi Hoa Kỳ là một quốc gia thù địch.
Trước đó trong tháng này, người sáng lập Đảng Giấc mơ Georgia Bidzina Ivanishvili đã lên án những gì ông cho là sự ảnh hưởng quá mức của phương Tây đối với đất nước này.
Nói chuyện trước những người ủng hộ, ông Ivanishvili cho rằng “phe chiến tranh toàn cầu” của phương Tây đang cố gắng đẩy Georgia vào một cuộc xung đột khác với Nga.
Năm 2008, Nga đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến chớp nhoáng với Georgia — do Georgia khởi xướng — đối với các khu vực nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược là Abkhazia và Nam Ossetia.
Phản ứng của Nga
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng đả kích những lời chỉ trích của phương Tây đối với luật này, nói rằng tuyên bố của bà Jean-Pierre là “một lời đe dọa công khai.”
Nói chuyện với báo chí Nga hôm 15/05, bà Zakharova cho biết: “Mọi người đều hiểu tại sao phương Tây lại có sự cuồng loạn như vậy, bởi vì bây giờ người ta sẽ thấy họ đang tài trợ những gì, và họ đang phá hoại chủ quyền của nhiều quốc gia khác như thế nào.”
“Trong nhiều tháng qua, phương Tây đã dọa nạt Georgia về những gì nước này nên — hoặc không nên làm — liên quan đến luật pháp của mình. … Đây là sự can thiệp rõ ràng của các quốc gia khác vào chính trị nội bộ của Georgia.”
Các quan chức Nga cũng nêu ra rằng nhiều nhà phê bình phương Tây đã áp dụng luật “đại diện ngoại quốc” gần giống như vậy.
Những luật này có cả Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc của Hoa Thịnh Đốn, vẫn có hiệu lực từ năm 1938.
Các cuộc biểu tình mới
Các cuộc biểu tình phản đối luật như được đề cập ở trên bắt đầu vào giữa tháng Tư khi Nghị viện thông qua phiên họp đầu tiên về dự thảo luật này.
Cuối tháng trước, chính phủ Georgia đã tổ chức một cuộc phản đối ủng hộ luật này, được cho là đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
Hôm 01/05, Nghị viện đã thông qua một phiên họp thứ hai, làm dấy lên một đợt biểu tình mới trong đó người biểu tình đụng độ với cảnh sát.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện hôm 14/05, những người biểu tình lại quay trở lại đường phố, tập trung về trung tâm Tbilisi và khiến giao thông tê liệt.
Các cuộc biểu tình được tổ chức bởi những người phản đối trong nước, trong đó có một liên minh các đảng đối lập, các nhóm xã hội dân sự, và những người nổi tiếng ở địa phương.