Nghệ thuật truyền thống: Múa Ballet phương Tây và múa cổ điển Trung Hoa
Yếu tố tinh thần và phương thức biểu đạt tạo nên sự khác biệt cơ bản trong nghệ thuật múa ballet Tây phương và múa cổ điển Trung Hoa.
Một trong những ký ức đầu tiên của tôi về múa cổ điển là xem Mikhail Baryshnikov trong vở “Những Đêm Trắng” (White Nights) với cú xoay 11 vòng liên tiếp. Giây phút chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ và khoảnh khắc hào hùng đó đã ghi đậm dấu ấn trong tôi. Dù vậy cũng không thể so sánh được với những gì tôi đã chứng kiến ở New York khi lần đầu tiên xem múa cổ điển Trung Hoa.
Tôi ngồi tĩnh lặng, say đắm như những người xung quanh, thưởng thức buổi biểu diễn của Shen Yun. Một vũ điệu miêu tả huyền thoại Nhạc Phi, người được mẹ xăm dòng chữ nổi tiếng trên lưng “Tận Trung Báo Quốc”.
Khi trống trận vang lên, các vũ công tung người trên không, khiến trái tim tôi rộng mở và mắt tôi rơi lệ – thật cảm động và rất chân thực, như thể tôi cảm nhận được cảm xúc của vị tướng ấy.
Khi tôi tiếp tục xem, tôi nhận thấy điểm khác biệt cốt lõi giữa hai loại hình nghệ thuật múa ballet của phương Tây và múa cổ điển Trung Hoa – một số là ở phương diện biểu đạt hình thể, một số thì không phải.
Hai nửa thế giới
Để bắt đầu hiểu được sự khác biệt giữa múa ballet và múa cổ điển Trung Hoa, chúng ta có thể nhìn vào nghệ thuật phương Tây và Á Châu. Thời kỳ Phục Hưng là thời kỳ hoàng kim của phương Tây đã tạo ra những kiệt tác nghệ thuật đạt đến độ hoàn mỹ, chi tiết và chân thực. Nhà nguyện Sistine sống động như thật, rất có thể ẩn sau sự hoàn hảo đó chính là cánh cửa dẫn đến Thiên Đường.
Nghệ thuật múa ballet cũng vậy, chính xác và khỏe khoắn, theo đuổi sự hoàn hảo trong việc biểu đạt ra hình thể bên ngoài.
Mặt khác, một bức tranh Trung Hoa là hiện thân của những nét cọ ít hiện thực hơn nhưng biểu đạt nhiều hơn về nội hàm, tượng trưng cho tình cảm thiêng liêng. Tương tự như vậy, nội tâm của người nghệ sĩ là xuất phát điểm của múa cổ điển Trung Hoa, hay còn gọi là thần thái, là gốc rễ của biểu đạt hình thể và cảm xúc của vũ công, thường là để truyền tải thần tính thông qua vũ đạo.
Nghệ thuật cổ đại
Sự khởi đầu của ballet bắt nguồn từ thời Phục Hưng ở Ý vào thế kỷ thứ 15, loại hình này được hệ thống hóa một thế kỷ sau đó bởi người bảo trợ tinh hoa nghệ thuật, Vua Louis thứ XIV.
Còn vũ điệu cổ điển Trung Hoa hình thành từ hơn 5000 năm trước với nguồn gốc từ các vũ điệu trong cung đình thời cổ đại, từ truyền thống dân gian, và tất nhiên từ một trong những môn nghệ thuật giải trí được yêu thích nhất của Trung Quốc – kung fu.
Có thể nói vũ đạo và võ đạo cổ điển Trung Quốc là hai người anh em tài năng nhưng bị chia tách từ xa xưa.
Tại các lễ hội lớn trong cung đình, các tướng lĩnh biểu diễn trước mặt hoàng đế, phô diễn các động tác võ thuật tương tự được sử dụng trên chiến trường. Ví dụ, một cú xoay lật người trên không như khi tránh một ngọn giáo; hay một cú “xoáy quét sàn” như khi phòng thủ trước sự tấn công tập thể.
Loại hình nghệ thuật này không xuất phát từ loại hình nghệ thuật kia, đúng hơn là những kỹ thuật sử dụng trong chiến đấu đã trở thành võ thuật, trong khi những động tác tương tự sử dụng trong hoạt động giải trí đã trở thành vũ đạo. Ngôn ngữ Trung Quốc cũng đã nói lên mối liên hệ này. Mặc dù được viết khác nhau nhưng chữ “võ” trong “võ thuật” và chữ “vũ” trong vũ đạo được phát âm giống hệt nhau trong tiếng Hoa.
Nền tảng
Một trong những điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa hai loại hình nghệ thuật đẹp mắt này là cách mà các vũ công di chuyển trên sân khấu. Các diễn viên múa ballet sử dụng mũi chân – một chân thẳng hoàn hảo cho tới tận các đầu ngón chân. Ngược lại, các vũ công múa cổ điển Trung Quốc lướt nhẹ trên sân khấu với những bước chân nhỏ từ gót tới ngón chân, khiến họ trông như thể đang trôi bồng bềnh trên một đám mây.
Trong khi mỗi hình thức bước chân đòi hỏi những kỹ thuật và đặc điểm riêng biệt, hệ thống đào tạo hoàn chỉnh của mỗi môn nghệ thuật cũng có sự khác nhau tương ứng. Ballet thường bắt đầu tập luyện với các động tác chân và tăng cường sức mạnh cho chân và trọng tâm. Sau đó mới tập trung sang kỹ thuật tay, mũi chân, phối hợp, và những kỹ thuật cao (như pirouette chẳng hạn).
Múa cổ điển của Trung Quốc xoay quanh ba phần cốt lõi – thần thái, biểu đạt, và kỹ năng kỹ thuật, vốn bao gồm những kỹ thuật phức tạp mức độ cao mà không có trong ballet.
Thần thái
Thần thái hay là ‘vận’, là phẩm chất chỉ có trong múa cổ điển Trung Hoa – đó là nội hàm đằng sau mỗi chuyển động. Được kết nối với từng nhịp thở của vũ công, trạng thái tinh thần, phẩm chất đạo đức, khí chất và cá tính của vũ công đó, đó là lý do tại sao vũ điệu Nhạc Phi đã mang đến cho tôi cảm xúc mạnh mẽ như vậy. Về bản chất, tinh thần quyết định cách biểu đạt, do đó sự biểu đạt hình thể là hiện thân của tinh thần.
Mặc dù gốc rễ của những động tác và biểu đạt hình thể của các vũ công múa cổ điển Trung Hoa là nội tâm, nhưng cả hành trình này là một tổng thể, trong đó yêu cầu người vũ công làm chủ cả tâm trí và hình thể của mình – một vũ điệu là sự tổng hòa giữa nội tâm bên trong và cảnh giới bên ngoài.
Biểu đạt
Yếu tố cốt lõi thứ hai chính là các hình thức biểu đạt, múa cổ điển Trung Hoa có hàng trăm loại chuyển động và các tư thế. Chuyển động xoay của thân, hướng nhìn, và vị trí của các ngón tay dường như là các chuyển động riêng lẻ, nhưng thực ra chúng luôn song hành, phối hợp hoàn hảo theo một vòng tròn – toàn bộ cơ thể giống như một vũ trụ hay hệ sinh thái hoạt động hài hoà với tất cả các bộ phận.
Đi sâu hơn, dù cả hai loại hình nghệ thuật truyền thống của phương Tây và phương Đông đều có chung mục tiêu cuối cùng là trở về ngôi nhà tiên thiên của mình, nhưng hai loại hình nghệ thuật này phản ánh những triết lý tương phản về thời gian trên Trái Đất.
Các chuyển động trong ballet phương Tây là theo một tuyến tính của đường thẳng, sự triển hiện của niềm tin phương Tây về cuộc đời — sống, rồi chết — một cuộc hành trình trần thế với một kết thúc rõ ràng.
Mặt khác, múa cổ điển Trung Hoa có hình tròn, sự xoay vòng, phản ánh sự hiểu biết về sinh, tử, tái sinh – luân hồi.
Kỹ năng kỹ thuật
Yếu tố cốt lõi thứ ba của múa cổ điển Trung Quốc là kỹ năng kỹ thuật – những kỹ thuật rất khó như nhảy, tung người, xoay người và nhào lộn. Nhiều loại chuyển động khó nhọc về thể chất này không có trong múa ballet.
Ví dụ trong kỹ thuật xoay của ballet được thực hiện theo phương thẳng đứng, cơ thể nằm trên một trục vuông góc hoàn hảo. Trong khi đó múa cổ điển của Trung Quốc, phần trên cơ thể rướn về phía trước, hướng lên trên hoặc vặn ngược, xoay tròn theo nhiều phương. Trong nghệ thuật Trung Hoa, một vũ công thậm chí có thể xoay bằng một chân trong khi chân kia giữ cao ở trên đầu.
Kỹ thuật nhào lộn trong múa cổ điển Trung Quốc không có trong ballet, mặc dù chúng cũng đã ảnh hưởng tới phương Tây. Cách đây vài thập kỷ, các vận động viên thể dục Olympic của Trung Quốc đã mượn một số động tác nhào lộn trong múa cổ điển Trung Hoa cho các bài biểu diễn, làm mê hoặc thế giới phương Tây. Kết quả là những động tác này đã trở thành chủ lực trong môn thể dục dụng cụ ở phương Tây.
Mặc dù có những khác biệt và phong cách đặc trưng, nhưng cả múa ballet phương Tây và múa cổ điển Trung Quốc đều đại diện cho những loại hình nghệ thuật đẹp đẽ, cao quý, biểu trưng cho tâm hồn của nhân loại. Hãy chiêm ngưỡng những vũ công đang nỗ lực bảo tồn di sản của hành tinh và truyền cảm hứng một cách sống động ngay tại đây và ngay bây giờ.
Theo Taste of Life
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: