Nghệ sĩ vĩ cầm Charlie Siem: Chăm chỉ là con đường đạt đến sự điêu luyện
“Cuộc sống là một hành trình, không phải là đích đến.”
“Câu nói tuyệt vời đó có thể là một cái cớ, giúp bạn tránh được việc phải nỗ lực để kéo bản thân ra khỏi những khoảnh khắc tồi tệ,” nghệ sĩ vĩ cầm Charlie Siem nói với tôi. “Bạn có thể chỉ rất tầm thường nếu bạn quá dễ dãi với bản thân mình.”
Charlie Siem là một nghệ sĩ vĩ cầm người Anh 34 tuổi đầy tài năng. Từ khi còn nhỏ, mẹ của Siem thường chơi các bản Concerto dành cho violin của Beethoven mà bà nghe được từ các băng cassette. Những giai điệu đơn giản đó đã khiến cậu bé 3 tuổi mê mẩn đến nỗi cậu chọn chơi cây violin có kích thước to bằng người cậu khi ấy. 12 năm sau, ở tuổi 15, Siem đã có buổi biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên. Và sau gần 20 năm, anh đã chơi trong những dàn nhạc và với những nhạc trưởng giỏi nhất thế giới, từ Dàn nhạc Giao hưởng London cho đến Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Cộng Hòa Séc, từ Nhạc trưởng Charles Dutoit cho tới Ngài Roger Norrington, và rất nhiều người khác.
Khán giả có thể thấy rằng cuộc sống của Siem rất kỷ luật, chế độ luyện tập của anh rất khắc nghiệt – một cuộc sống tràn đầy sự cống hiến cho âm nhạc. Thủa nhỏ, anh luyện tập 4 tiếng mỗi ngày; hiện tại anh vẫn thường xuyên luyện tập từ 2-3 tiếng mỗi ngày. Trong suốt 30 năm, anh có rất ít ngày nghỉ. Tuy vậy, Siem nhìn cuộc đời mình theo một cách khác.
Anh nói: “Không phải tôi nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ bất cứ thứ gì khác. Tôi luôn nghĩ rằng mình đạt được điều gì đó bằng cách tập trung vào một thứ, đó là cây vĩ cầm. Tôi cảm thấy may mắn khi biết mình muốn làm gì và có thể tận tụy với nó,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Gian nan và huy hoàng
Siem tin rằng trong xã hội ngày nay, sự xuất sắc thường bị tấn công.
Anh nói: “Mọi người đều nói rằng không nên quá hiếu chiến hoặc cạnh tranh. Bạn nên biết chấp nhận và yêu bản thân mình như bạn vốn có. Tôi nghĩ chúng ta đều biết điều đó là chưa đủ. Chẳng ai trong chúng ta cảm thấy tốt bằng cách chấp nhận mọi thứ như chúng vốn có.”
Anh giải thích rằng cuộc sống chắc chắn sẽ ném cho bạn những khó khăn và trở ngại.
“Sự thăng tiến chỉ có ý nghĩa khi chúng ta trải qua những trầm luân. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng được sự trầm luân khi có hy vọng và khả năng thành công vào một thời điểm nào khác sau đó.”
Mặc dù tiêu chuẩn ở mỗi cấp độ trong hành trình âm nhạc của anh sẽ thay đổi, nhưng nỗ lực và đam mê cần có luôn không thay đổi.
“Bạn phải đầu tư 100% vào mỗi cấp độ. Bạn thậm chí không thể bước sang cấp độ tiếp theo cho đến khi bạn thành thục những gì bạn đang làm bây giờ,” anh nói. Nếu không có sự tập trung và cống hiến ở cấp độ đó, “chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng khi bắt đầu chuyển sang một cấp độ khác.”
Sự cô lập khi cách ly
Với lịch trình diễn khoảng 50 buổi hòa nhạc mỗi năm, Siem dễ dàng có động lực tập trung vào âm nhạc từ ngày này qua ngày khác. Anh luôn ở trong trạng thái chuẩn bị cho buổi biểu diễn tiếp theo của mình. Nhưng thời gian cách ly đã thử thách lòng nhiệt thành của Siem, hiện anh không có buổi biểu diễn nào được lên kế hoạch. Trước tình cảnh này, Siem có thể phản ứng theo hai hướng đối lập: tạm ngừng hay tiếp tục chìm đắm trong âm nhạc.
“Khi bạn bị cô lập và giới hạn, đó chỉ là hiện thực nhỏ nhoi của riêng bạn… Đã có lúc tôi cũng lạc lối trong khoảng trống đó,” anh nói. Thỉnh thoảng, anh dành cho mình một chuỗi ngày nghỉ ngơi, một điều hiếm thấy trong ba thập kỷ chỉ có tập luyện hàng ngày của anh. “Tôi nghĩ, dành thời gian để ngắt sự kết nối với cây đàn và kết nối với chính bản thân mình như một con người trong thế giới này, điều đó cũng tốt cho tôi.”
Siem đã dành những ngày không có cây đàn của mình để khám phá xem mình đang ở đâu trong cuộc sống, trong sự nghiệp, và anh cần hướng tới đâu. Nở một nụ cười, anh thừa nhận bản thân chưa có câu trả lời rõ ràng cho những suy tư lúc này. Nhưng khoảng thời gian nghỉ ngơi trao cho anh một nguồn năng lượng mới, và nó thôi thúc anh say mê với công việc của mình trong tất cả những ngày cô đơn vì cách ly.
Siem nói: “Bạn càng không có nhiều thời gian làm việc với các buổi hòa nhạc dường như bạn sẽ càng giỏi hơn, bởi bạn có thể dành thời gian thực sự tập trung vào kỹ thuật của mình, trau dồi, cải thiện nó, thực sự tiến sâu hơn và có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu lại những tiết mục mà bạn đã biểu diễn trước đó. Việc đắm chìm hoàn toàn vào âm nhạc… đã buộc tôi phải đặt câu hỏi về cách truyền tải của mình và điều mà tôi đang cố gắng diễn đạt.”
Sau khi tập thể dục buổi sáng và ăn sáng, Siem ghi hình buổi tập luyện chơi violin bằng điện thoại.
“[Tôi] coi mình như học trò của chính mình. [Quay video] chắc chắn là một công cụ hữu ích mà tôi sử dụng nhiều hơn bao giờ hết trong thời kỳ này,” anh nói.
Ví dụ, khi xem lại cảnh quay, Siem kiểm tra vị trí đặt ngón tay và cây vĩ. Anh nhận thấy những thói quen xấu của mình và sửa chữa những điểm thiếu chính xác từng chút một.
Anh thấy mình chưa thể tạo ra sự “rung động trong từng nốt nhạc”. Anh nói: “[Đã có] sự sụt giảm chất lượng âm thanh trong khi trước đó tôi nghĩ mình đã duy trì được nó.”
Để tiếp tục thử thách kỹ thuật của mình, Siem đã nỗ lực luyện tập các kỹ thuật thang âm, arpeggio (hợp âm rải) và caprice (khúc nhạc ngẫu hứng, tốc độ nhanh, tự do về mặt cấu trúc) của Paganini. Anh tin rằng Niccolò Paganini là cha đẻ của cây đàn violin, với tiết mục trình diễn 24 bản caprice của mình, ông đã đưa violin gia nhập lĩnh vực trình diễn độc tấu mới. Trên tài khoản Instagram của Siem, các ngón tay của anh ấy có lúc di chuyển nhanh đến mức chúng dường như lơ lửng trên cổ tay mà không thực sự ấn xuống dây đàn.
Những cảnh giới mới
Nhà soạn nhạc J.S. Bach đã viết 6 bản nhạc cello cho độc tấu cello và 6 bản sonata và partit cho violin, một tiết mục mà Siem mô tả giống như kinh thánh cho những người chơi đàn dây.
“Có một điều [đặc biệt] về tiết mục solo. Bạn không cần dàn nhạc hoặc người chơi cùng, chẳng hạn như một nghệ sĩ piano. Bạn chỉ có một mình,” anh nói.
Âm nhạc của Bach đặt ra nhiều thách thức cho người chơi với các quãng âm và giọng khác nhau được phân tán theo nhiều đoạn và sau đó quay trở lại xuyên suốt mỗi phần. Nghiên cứu sâu sắc của Siem về việc luyện tập hàng ngày đã giúp anh hiểu sâu hơn về cách thể hiện âm nhạc của Bach.
“Tôi cảm thấy như mình đang diễn đạt một điều gì đó liền mạch, có cấu trúc với phần đầu, phần giữa và phần cuối của câu chuyện gói gọn trong một tiết nhạc. Tuy nhiên, khi tôi nghe từ xa, tôi thấy rằng tôi thực sự đã không truyền tải được hết và có những lỗ hổng trong cách biểu đạt,” anh nói.
Sau khi làm mượt những khoảng trống này, âm thanh cuối cùng và sự kết nối của Siem với âm nhạc trở nên “biến đổi, như tới một thế giới khác, hay hoàn toàn siêu việt”. Các tác phẩm của Bach cho phép anh “tiếp cận một cảnh giới khác”.
Âm nhạc của Bach phản ánh điểm khởi đầu, triết lý và đạo đức một cách rất độc đáo. Trí tuệ của ông mang trọn hành trình của một nhà soạn nhạc vượt xa khỏi sự giải trí tầm thường.
Bach nói: “Tôi đã làm việc chăm chỉ. Bất cứ ai làm việc chăm chỉ như tôi đều có thể đạt được kết quả tương tự. Mục đích và lý do cuối cùng của âm nhạc không gì khác ngoài việc… đem lại sự sảng khoái cho tinh thần.”
Siem có thể đồng ý với quan điểm này của Bach. Trên tất cả, Siem khao khát được chia sẻ lại mối liên hệ tâm linh sâu sắc đó với khán giả.
Anh nói: “Khi tôi trở lại sân khấu, tôi mong chờ được tái hiện lại điều kỳ diệu đó. Trải qua quãng thời gian nghỉ ngơi, tôi thực sự trân quý những gì mình đã làm. Tôi phải chắt chiu từng giọt giá trị nhỏ từ trải nghiệm vừa qua.
J.H. White
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: