Ngân hàng Trung ương Âu Châu: Tiền mặt ‘không phù hợp’ cho nền kinh tế kỹ thuật số
Theo một nghiên cứu mới từ Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), trong nền kinh tế kỹ thuật số, tiền mặt không còn là một công cụ hữu ích và tiền điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC) là “giải pháp duy nhất” để tiếp tục hệ thống tiền tệ hiện tại.
Ngân hàng trung ương của khu vực đồng euro gần đây đã xuất bản một nghiên cứu có nhan đề, “Kinh tế học về Tiền Điện toán của Ngân hàng Trung ương”. Các tác giả đã đánh giá các tác động đối với hệ thống tài chính và kiểm tra quyền riêng tư của dữ liệu và các khoản thanh toán kỹ thuật số.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng CBDC, giống như một đồng euro điện toán, sẽ là “giải pháp duy nhất” để tạo điều kiện cho hệ thống tiền tệ hiện tại “tiếp tục suôn sẻ”. Bất chấp những lo ngại phổ biến rằng các CBDC sẽ hạn chế nguồn cung tín dụng và hoạt động như một lực lượng gây xáo trộn trên thị trường tài chính, nghiên cứu này đã bác bỏ những lo ngại đó là không có cơ sở.
ECB đã lưu ý rằng, tiền điện toán rất quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Vì “tiền mặt đang mất dần sức hấp dẫn như một phương tiện thanh toán hữu hiệu”, CBDC là một công cụ cài đặt cần thiết. Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế của việc thiết lập một hệ thống tiền điện toán thống nhất, chẳng hạn như tốc độ chậm chạp trong thanh toán, sự phát triển của thị trường, và việc áp dụng, nhưng nghiên cứu này đã lưu ý rằng “cập nhật kỹ thuật số của tiền mặt” rất quan trọng để thúc đẩy “hệ thống hai lớp của tiền công và tiền riêng.”
Cuối cùng, tiền mặt [vật chất] sở hữu “chi phí kinh tế lớn mà không mang lại lợi ích rõ ràng”, vì vậy “theo thiết kế tiền mặt không ‘phù hợp’ với thời đại kỹ thuật số.”
Các tác giả cảnh báo tiền điện toán có thể tạo ra những lo ngại về quyền riêng tư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng có một “nghịch lý về quyền riêng tư”: người tiêu dùng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền riêng tư trong các cuộc khảo sát, nhưng họ sẽ cung cấp miễn phí dữ liệu cá nhân của mình hoặc đổi lấy những phần thưởng nhỏ.
Báo cáo này lưu ý: “Từ góc độ chính sách công, những quan sát này khẳng định thêm sự hoài nghi về khả năng của các lực lượng thị trường đạt được mức độ bảo vệ quyền riêng tư hiệu quả.”
Nghiên cứu này cũng bác bỏ các loại mã kim nói chung và mã kim có giá ổn định, gọi chúng là “mối đe dọa đối với chủ quyền tiền tệ”. Nghiên cứu đã hoan nghênh nhóm làm việc về tài sản kỹ thuật số của Tổng thống Joe Biden đã cùng nhau đưa ra một khuôn khổ quy định cho lĩnh vực tiền điện toán, cũng như vô số các quy định khác được xem xét trên toàn thế giới.
Nghiên cứu nêu rõ, “Những đề nghị này sẽ đưa các hình thức tiền điện toán mới vào chu vi pháp lý và giúp giải quyết một số mối quan tâm lớn liên quan đến chủ quyền về tiền tệ và sự ổn định tài chính.”
Sự trỗi dậy của các CBDC
Trên toàn cầu, nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương đã và đang nghiên cứu các CBDC như một sự kế thừa hoặc bổ sung tiềm năng cho tiền vật chất.
Ví dụ, hồi tháng Một, Cục Dự trữ Liên bang đã phát hành một tài liệu thảo luận có nhan đề “Tiền và Thanh toán: USD trong Thời đại Chuyển đổi Kỹ thuật số”. Họ đã xem xét những ưu và nhược điểm của đồng CBDC mà Hoa Kỳ có thể phát hành.
Trong khi trình bày trước Quốc hội trong báo cáo chính sách tiền tệ bán niên hồi tháng Sáu, Chủ tịch Fed Jerome Powell khuyến nghị rằng đồng dollar điện toán là “thứ mà chúng ta cần khám phá với tư cách là một quốc gia” và “không nên là một thứ mang tính đảng phái.”
“Đó là một đổi mới tài chính tiềm năng rất quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tất cả người Mỹ,” ông nói trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện. “Kế hoạch của chúng ta là làm việc về phương diện chính sách lẫn phương diện công nghệ trong những năm tới và trình lên Quốc hội với một khuyến nghị vào một thời điểm nào đó.”
Ông Powell nói thêm rằng nếu Hoa Kỳ muốn tạo ra một đồng dollar điện toán, thì đồng dollar điện toán này sẽ phải do chính phủ liên bang chứ không phải một tổ chức tư nhân phát hành.
“Một câu hỏi xung quanh CBDC là chúng ta có muốn một mã kim giá cố định của tư nhân trở thành đồng dollar điện toán không? Tôi nghĩ câu trả lời là không,” ông Powell nói. “Nếu chúng ta sẽ có một đồng dollar điện toán, thì đồng dollar điện toán ấy phải là tiền do chính phủ bảo lãnh, chứ không phải tiền tư nhân.”
Quốc hội đang yêu cầu xúc tiến nhanh hơn đối với đồng dollar điện toán. Một nhóm lưỡng đảng gồm các thành viên của Quốc hội, do Dân biểu French Hill (Cộng Hòa-Arkansaw) và Dân biểu Maxine Waters (Dân Chủ – California) dẫn đầu, đã giới thiệu dự luật trong tháng này, yêu cầu Fed tăng tốc công việc của họ đối với CBDC.
Hồi tháng 5, bà Waters cho biết trước một phiên điều trần về lợi thế rủi ro của CBDC: “Với việc các quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh để khai triển các phiên bản điện toán cho các đồng tiền riêng của họ, thì Mỹ không thể bị bỏ lại phía sau.”
Tháng trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã ủng hộ đồng euro điện toán, với mục đích là việc số hóa đồng tiền chính thức của 19 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu có thể “đạt được” sự ổn định và tiếp cận của công chúng.
Theo bà Lagarde, một đồng euro điện toán sẽ bổ sung cho tiền mặt hơn là thay thế tiền mặt. Bà cũng chỉ ra rằng một CBDC sẽ chỉ thành công nếu đồng tiền điện toán này giải quyết được nhu cầu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư đã được thiết lập ngay từ đầu.
Bà Lagarde đồng viết trong một bài đăng trên blog, chắc chắn rằng một đồng euro điện toán “có vai trò như một mỏ neo cho toàn bộ hệ thống thanh toán.”
Hoa Kỳ, Âu Châu cạnh tranh với đồng nhân dân tệ điện toán?
Nhưng trong khi Hoa Kỳ và Âu Châu có thể đang cố gắng đi đầu trong một vấn đề quan trọng như vậy trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, thì các nhà phân tích thị trường lưu ý rằng các nền kinh tế tân tiến có thể đang đáp trả Trung Quốc.
Sau 7 năm nghiên cứu chuyên sâu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phát hành đồng nhân dân tệ điện toán vào năm 2021. Đồng nhân dân tệ điện toán này là một CBDC đang cố gắng thay thế một phần tiền mặt hiện đang lưu hành, vì ngày càng ít người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng tiền vật chất. Người ta ước tính rằng tiền mặt đại diện cho khoảng 1/4 giao dịch tại điểm bán hàng vào năm 2020, giảm so với gần 75% trong năm 2012.
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách phá bỏ hệ thống tiền tệ toàn cầu, nhưng các quan chức lại nói ngược lại.
Trong khi trình bày tại một diễn đàn ở Thượng Hải hồi tháng 12/2020, cựu thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên đã lưu ý rằng công nghệ là mục tiêu chính, chứ không phải là ưu thế về tiền tệ. Tuy nhiên, ông Richard Turrin, tác giả cuốn sách “Không dùng tiền mặt: cuộc Cách mạng Tiền Điện toán của Trung Quốc”, nói với CNBC hồi tháng Ba rằng đồng nhân dân tệ điện toán có thể thách thức đồng bạc xanh trong các thanh toán giao dịch thương mại quốc tế trong thập niên tới.
“Hãy nhớ rằng, Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất, và quý vị sẽ thấy đồng nhân dân tệ điện toán dần thay thế đồng USD khi mua hàng từ Trung Quốc,” ông nói. “Đúng vậy, nếu tới khoảng 5 đến 10 năm nữa, thì đồng nhân dân tệ điện toán có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm mức sử dụng đồng dollar trong thương mại quốc tế.”
Thống kê tháng Một của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) cho thấy nhân dân tệ đã trở thành một trong những đồng tiền phổ biến nhất trong các giao dịch xuyên biên giới vào năm 2021, chiếm 2.7% thanh toán toàn cầu, mức cao nhất trong sáu năm. Đồng USD đã chiếm hơn 40% các giao dịch quốc tế.
Bất kỳ nỗ lực nào để truất ngôi đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế chính đều sẽ cần có thời gian. Theo dữ liệu về Thành phần tiền tệ chính thức (COFER) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), USD đã chiếm gần 60% dự trữ trong quý đầu tiên của năm 2022. Đồng nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đến 3%.
Các CBDC có tạo ra rủi ro không?
Nhưng trong khi nhiều nhà hoạch định chính sách công tỏ ra hào hứng trước triển vọng của CBDC, thì các nhà phê bình lại khẳng định rằng có nhiều hạn chế.
Rủi ro chính đối với CBC là sự xói mòn quyền riêng tư. Dù là chính phủ liên bang hoặc là các cơ quan chấp pháp, thì mọi giao dịch tài chính của người tiêu dùng đều có thể bị nhà nước giám sát. Với hệ thống điểm tín dụng toàn quốc của Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng không khó để thấy chính phủ áp đặt tiền điện toán nhằm tạo điều kiện cho việc thiết lập các chương trình giám sát xã hội.
“Việc kết thúc tiền mặt và phân tích cụ thể các giao dịch tài chính cho phép giám sát, kiểm soát của nhà nước, và cuối cùng là cho phép kiểm soát xã hội trên một quy mô không bao giờ có thể hình dung tới,” ông Alex Gladstein, giám đốc chiến lược của Tổ chức Nhân quyền cho biết. “Khi chính phủ có thể tước bỏ các đặc quyền tài chính vì đăng sai từ ngữ trên mạng xã hội, nói điều gì sai trong một cuộc gọi đối với các bậc cha mẹ, hoặc gửi ảnh sai cho thân nhân, thì các cá nhân sẽ tự kiểm duyệt và thực thi hết sức thận trọng. Theo cách này, việc kiểm soát tiền bạc có thể tạo ra một hiệu ứng xã hội đáng sợ.”
Một yếu tố khác là việc áp dụng các chính sách tiền tệ nhanh hơn, đặc biệt là trong những thời điểm xảy ra khủng hoảng như đại dịch virus corona.
“Việc chuyển đổi cũng giúp đơn giản hóa việc thực thi chính sách tiền tệ – ngân hàng trung ương có thể lập tức thay đổi nguồn cung bằng cách phát hành hoặc hủy bỏ các mã trong các tài khoản của họ,” ông Ajay Mookerjee tại Harvard Business Review viết. “Tuy nhiên, bằng cách trả lãi cho các khoản nắm giữ CBDC, ngân hàng trung ương có thể trực tiếp truyền tải chính sách tiền tệ đến các gia đình, thay vì tác động đến lãi suất tiền gửi thương mại thông qua lãi suất mà họ cung cấp cho các ngân hàng trên tài khoản dự trữ của những ngân hàng này với ngân hàng trung ương.”
Mặc dù những người ủng hộ cho rằng tiền điện toán của ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ hệ thống tài chính, nhưng Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng đồng tiền điện toán này thực sự đe dọa đến “tính toàn vẹn tài chính” của cơ sở hạ tầng ngân hàng ngày nay.
Ngân hàng Thế giới đã giải thích trong báo cáo có nhan đề “Tiêu điểm Kinh tế Nam Á” hồi tháng Tư rằng: “Sự ra đời của CBDC có thể phá vỡ cấu trúc trung gian tài chính hiện có. Ngoài ra, tùy thuộc vào thiết kế và bối cảnh quốc gia, CBDC có thể gây ra rủi ro đối với sự ổn định tài chính, tính toàn vẹn tài chính, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như khả năng phục hồi trên không gian mạng.”
Cuối cùng, CBDC có thể trở thành một khoản đầu tư tốn kém mà không đạt được bất cứ điều gì thực chất, Trung tâm Cải tổ Âu Châu cho biết.
“Do không được áp dụng rộng rãi, CBDC sẽ là một thất bại đắt giá, và sẽ không làm được gì nhiều để thúc đẩy các mục tiêu của các ngân hàng trung ương,” nhà nghiên cứu cao cấp Zach Meyers tuyên bố. “EU không nên bị phân tâm bởi triển vọng về một đồng euro điện toán — điều này nghe có vẻ ấn tượng và thú vị, nhưng có thể mang lại cho người dân Âu Châu một số lợi ích mà họ chưa thể tận hưởng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times