Ngân hàng Thế giới: Căng thẳng ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên 157 USD
Bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột ở Trung Đông đều có thể đẩy giá dầu tăng lên mức 100 USD và hơn thế nữa.
Theo một phân tích triển vọng mới từ Ngân hàng Thế giới, việc cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông leo thang có thể đẩy giá dầu thô lên tới mức 157 USD.
Tổ chức quốc tế này dự đoán giá dầu sẽ đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong quý hiện tại và giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng vào năm tới khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Giá dầu thô hợp đồng tương lai của Mỹ và dầu Brent sụt giảm bất chấp cuộc chiến ở Israel. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) hợp đồng tương lai giảm 7.5% trong tháng này xuống dưới 83 USD, trong khi dầu Brent đã giảm khoảng 4% trong tháng Mười xuống dưới 87 USD/thùng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới lưu ý, triển vọng về giá năng lượng “sẽ nhanh chóng u ám nếu xung đột leo thang.”
Báo cáo nhấn mạnh ba kịch bản “gián đoạn” có thể nâng giá dầu.
Trong trường hợp đầu tiên, một “gián đoạn nhỏ” sẽ làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu tới 2 triệu thùng mỗi ngày. Điều này sẽ đẩy giá dầu thô lên khoảng 93 USD và 102 USD một thùng.
Một “gián đoạn trung bình” sẽ loại bỏ từ 3 đến 5 triệu thùng mỗi ngày, đẩy giá dầu lên từ 109 đến 121 USD.
Một vụ việc gây “gián đoạn lớn” sẽ làm giảm nguồn cung dầu trên toàn thế giới từ 6 triệu đến 8 triệu thùng mỗi ngày, nâng chi phí cho một thùng dầu lên tới 157 USD.
Ông Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cao cấp về Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới, cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu “tác động tiêu cực kép về năng lượng” từ các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông nếu xung đột xung quanh Israel leo thang.
“Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông xảy ra ngay sau sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đối với thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970 — chiến tranh giữa Nga và Ukraine,” ông Gill nói. “Điều đó đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu kéo dài cho đến ngày nay. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải giữ cảnh giác.”
Ông Ayhan Kose, nhà kinh tế đứng thứ hai tại Ngân hàng Thế giới và Giám đốc Nhóm Triển vọng, khẳng định rằng giá dầu cao kéo dài trong thời gian dài sẽ dẫn đến giá lương thực cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước đang phát triển vốn đang đối mặt với lượng dân số suy dinh dưỡng lớn.
Ông Kose tuyên bố: “Sự leo thang của cuộc xung đột mới nhất sẽ làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.”
Cho đến nay, kể từ cuộc tấn công gây thương vong lớn của Hamas vào Israel hôm 07/10, những ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa toàn cầu vẫn còn hạn chế. Nhìn về tương lai, Ngân hàng Thế giới dự đoán giá hàng hóa nhìn chung sẽ giảm 4.1% vào năm 2024, trong đó hàng nông sản và kim loại dự kiến sẽ giảm trong năm tới.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải cảnh giác và có lẽ phải chú ý đến vàng. Kim loại màu vàng này, một tài sản trú ẩn an toàn thông thường hay biến động giá trong thời kỳ hỗn loạn và bất ổn, đã tăng khoảng 8% kể từ khi bắt đầu xung đột.
‘Đùa với lửa’
Quan điểm đồng thuận của rất nhiều ngân hàng, nhà kinh tế, và nhà phân tích thị trường là cuộc chiến Israel-Hamas sẽ vẫn chỉ giới hạn ở song phương xung đột và không mở rộng sang các nước khác trong khu vực.
Ông Jonas Goltermann, phó giám đốc kinh tế thị trường tại Capital Economics, giải thích trong một ghi chú nghiên cứu chuyên sâu rằng, “những kết quả hợp lý nhất trong cuộc chiến Hamas-Israel sẽ không làm thay đổi” nhiều dự báo hàng đầu theo bất kỳ cách nào đáng kể.
Ông cho biết, hầu hết các nền kinh tế lớn đang chậm lại, áp lực lạm phát đang giảm bớt, các ngân hàng trung ương sẽ chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024 và lãi suất trái phiếu có thể sẽ giảm.
Tuy nhiên, nếu những kỳ vọng màu hồng tỏ ra quá lạc quan, thì một sự xáo trộn về giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông “sẽ làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu và có thể buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì lập trường thắt chặt hiện tại lâu hơn chúng ta dự đoán.”
“Mối lo ngại chính xung quanh cuộc xung đột Hamas-Israel là cuộc chiến này có thể mở rộng để bao gồm sự tham gia của Iran, một đồng minh của Hamas và một nhà sản xuất năng lượng lớn,” ông Goltermann nói. “Với việc cả thị trường dầu và khí đốt tự nhiên (LNG) vốn đều đã rất thắt chặt, chúng tôi nghĩ rằng nếu kịch bản như vậy có khả năng xảy ra thì chỉ riêng sự không chắc chắn cũng có thể đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng, ít nhất là tạm thời.”
Quả thực, mặc dù có một số phiên giá dầu tăng vọt đáng kể nhưng đà tăng đã nhanh chóng mờ nhạt. Điều này là do các nhà đầu tư đang chờ đợi sự gián đoạn trong sản xuất và vận chuyển năng lượng, những diễn biến vẫn chưa xảy ra.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cao cấp tại The PRICE Futures Group, cho biết bất kể có sự leo thang nào hay không, thì thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn vô cùng thắt chặt và thế giới “không còn sức chịu đựng cho bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.” Ông viết trong một ghi chú phân tích rằng bất kỳ sự giảm giá nào cũng có thể chỉ là tạm thời do thâm hụt nguồn cung ứng ngày càng tăng.
Ông Flynn nói: “Rủi ro đối với nguồn cung ứng toàn cầu là cao nhất trong khoảng 50 năm qua.”
Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường City Index và FOREX.com, không cho rằng giá dầu giảm gần đây là lý do để đặt cược rằng mặt hàng này sẽ giảm.
Ông Razaqzada viết trong bài bình luận thị trường hàng ngày của mình: “Với tình hình ở Trung Đông và sự can thiệp liên tục của OPEC+, việc bán khống dầu trong môi trường hiện nay giống như đùa với lửa.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times