Ngài Warren G. Harding: Có phải một trong những Tổng thống Hoa Kỳ tồi tệ nhất lại chính là một trong những vị Tổng thống xuất sắc nhất?
Cần những gì để được xem là một vị tổng thống thành công? Theo các sử gia, những người đã bỏ phiếu trong danh sách xếp hạng tổng thống nổi tiếng nhất, Khảo sát của các sử gia về tổng thống của C-SPAN, có vẻ như điều đó cần nhiều yếu tố khác nhau. Thật vậy, các xếp hạng này dường như ít liên quan đến những gì mà một vị tổng thống đã thực hiện hoặc không thực hiện trong nhiệm kỳ của họ, mà chủ yếu liên quan đến cách xã hội hiện nay nhìn nhận họ. Một cựu tổng thống trong danh sách này, ngài Warren G. Harding, đã thường xuyên đứng cuối các bảng xếp hạng, và theo sử gia Ryan Walters, thì điều ngược lại mới là đúng.
Sử gia Walters, một giáo sư lịch sử tại Đại học Collin ở Bắc Texas kiêm tác giả của cuốn “The Jazz Age President: Defending Warren G. Harding” (Vị Tổng Thống của Thời Đại Nhạc Jazz: Biện Hộ cho Tổng Thống Warren G. Harding), là một trong số ít sử gia đã đứng ra biện hộ cho vị tổng thống từng là người [đứng đầu nhánh] hành pháp vào những năm Roaring 20s (thập niên 1920). Ông cho rằng lý do tại sao rất ít người đứng ra biện hộ cho Tổng thống Harding là vì những bê bối đã theo ông ― những quá khứ mà ông khẳng định là chứa đựng nhiều sự giả dối hơn là chân tướng thực sự.
“Không có nhiều điều được viết về ông ấy vì luồng ý kiến đồng thuận cho rằng ông là một ‘vị tổng thống thất bại.’ Ông bị cho là đã tham nhũng, kém cỏi, và bất tài, và lười biếng; một kẻ thích tiệc tùng, một kẻ trăng hoa. Họ nói rằng ông là một tổng thống tồi tệ và đáng lẽ không nên được tại vị,” sử gia Walters nói trong một cuộc phỏng vấn trênchương trình phát thanh The Sons of History (Những Người con của Lịch sử). Nhưng ông nhanh chóng nói thêm: “Khi bạn xem hồ sơ của ông ấy, nó chỉ là không phản ánh lên được những điều mà các sử gia đã nói về ông ấy.”
Giải khai những bí ẩn
Trong cuốn sách của sử gia Walters về vị tổng thống đã qua đời cách đây đúng 100 năm chỉ sau 882 ngày tại vị này, ông đã giải khai nhiều cáo buộc xoay quanh chính phủ của Tổng thống Harding. Sử gia Walters tuyên bố rằng những cáo buộc mà ông nhận diện và giải khai này hoặc là những tin đồn hoặc hoàn toàn là những lời dối trá và bịa đặt của lịch sử do các ký giả và sử gia tạo ra.
Một trong những lời đồn thổi sai sự thật mà sử gia Walters đề cập đến là một trong những vụ bê bối nổi tiếng trong lịch sử Tòa Bạch Ốc: Vụ bê bối Teapot Dome. Vụ bê bối này xảy ra khi Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall cho các công ty tư nhân thuê các kho dự trữ xăng dầu thuộc sở hữu của chính phủ với mức giá thấp mà không cho đấu thầu cạnh tranh. Vụ bê bối này đúng là đã xảy ra trong thời gian tại vị của Tổng thống Harding, nhưng người ta đồn là ông đã cho phép điều đó xảy ra. Phần bi thảm của vụ bê bối này, liên quan đến Tổng thống Harding, là ông đã qua đời không lâu sau khi nhận được tin tức về vụ bê bối đó.
Tổng thống Harding đã giải quyết hai vụ bê bối trước đó, một vụ liên quan đến Bộ Cựu chiến binh và vụ còn lại thuộc Bộ Tư pháp. Trong những trường hợp này, Tổng thống Harding đã giải quyết các vụ bê bối và những người có liên quan, dẫn đến việc nhiều người bị sa thải khỏi các chức vị của họ và một số bị bắt vào tù.
Ông Harding nhận được tin tức về Vụ bê bối Teapot Dome khi ông đang thực hiện một chuyến đi đến vùng bờ biển phía tây của quốc gia. Có ghi chép rằng ông Harding đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại Herbert Hoover của ông, người sau này trở thành Tổng thống thứ 31, về việc phanh phui những người liên quan đến vụ bê bối đó. Ông Harding đã dự tính giải quyết các trường hợp này giống như cách mà ông đã đối mặt với những vụ bê bối trước đó. Thật vậy, cách tiếp cận của ông với những vụ bê bối rất khác biệt so với nhiều tổng thống khác.
“Khi bạn nhìn vào hồ sơ thực của các vụ bê bối và những gì ông ấy đã làm và cách ông đương đầu với mọi người, và sa thải họ, và nhiều người [phải] vào tù, điều đó khác biệt so với tổng thống [Richard] Nixon và những người khác che đậy vụ việc đó hoặc nói rằng đó không phải là một vụ bê bối,” sử gia Walters nói. “Bạn còn nhớ ông [Barack] Obama đã nói: ‘Không có một chút tham nhũng nào trong chính phủ của tôi.’ Rất đúng. Điều đó phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa tham nhũng. Nếu bạn tái định nghĩa tham nhũng để điều đó không bao gồm bất kỳ điều gì bạn đã làm, thì chắc chắn, mọi chính phủ đều không có tham nhũng.”
Trở lại bình thường
Thật không may, những vụ bê bối hầu như đồng nghĩa với chính phủ. Điều đó chỉ đơn giản là liên quan đến cách một chính phủ hoặc các lãnh đạo cơ quan giải quyết những vấn đề này. Đó là một điều bình thường bất hợp lý. Liên quan đến trạng thái bình thường, ông Harding đã sử dụng cụm từ “trở lại trạng thái bình thường” làm khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử năm 1920 của mình.
Trong bài diễn văn “Trở lại bình thường,” ông nói rằng: “Nhu cầu hiện tại của nước Mỹ không phải là những hành động anh hùng, mà là sự hàn gắn; không phải là các ý tưởng cải cách xã hội, mà là sự bình thường; không phải cách mạng, mà là phục hồi; không phải kích động, mà là điều chỉnh; không cần mổ xẻ phân tích, mà cần sự bình lặng; không cần kịch tính, mà cần lý trí; không phải thử nghiệm, mà là cân bằng; không đắm chìm trong tính quốc tế, mà cần duy trì sự vẻ vang của quốc gia.”
Mỹ quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn trong thời kỳ hậu Đệ nhất Thế chiến. Đã có những cuộc bạo loạn chủng tộc, những cuộc tấn công khủng bố ở Wall Street, rạn nứt trong các mối bang giao với Mỹ Latinh, các khoản thuế cao, chi tiêu lớn của chính phủ, một cuộc suy thoái, và một vị tổng thống sắp mãn nhiệm, ông Woodrow Wilson, người đã mất khả năng làm việc trong hơn một năm. Không điều gì có vẻ như bình thường. Sau khi nhận được 404 phiếu đại cử tri và hơn 60% số phiếu phổ thông, ông Harding đã sẵn sàng thực hiện lời hứa của chính mình.
“Đó là một khẩu hiệu hoàn mỹ,” sử gia Walters cảm thán. “Mọi người không thể chịu đựng thêm các cuộc cải cách, chiến tranh, dịch cúm Tây Ban Nha, và bạo lực. Họ muốn quay trở lại một thời kỳ đơn sơ hơn và đó chính xác là những gì mà ông Harding đã làm.”
Ông Walters cho biết mức thuế cao nhất là 70% và chi tiêu hằng năm của chính phủ đã tăng vọt từ dưới 800 triệu USD trước chiến tranh lên 20 tỷ USD vào năm 1919. Vào thời điểm Tổng thống Harding nhậm chức, mức chi tiêu là 6 tỷ USD và trong vòng hai năm, ông đã cắt giảm số tiền đó còn một nửa. Ông Harding là một người theo phái bảo tồn truyền thống ủng hộ mô hình chính phủ tinh gọn (small government: chính phủ có sự can thiệp tối thiểu vào cuộc sống của người dân), tin vào các giá trị của chủ nghĩa cộng hòa.
“Ý tưởng là loại bỏ chính phủ ra khỏi cuộc sống của mọi người,” sử gia Walters lưu ý. “Trong quá trình diễn ra chiến dịch tranh cử, ông ấy nói thế giới cần được nhắc nhở rằng không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng luật pháp.”
Phương pháp tiếp cận Laissez-Faire
Chương trình kinh tế của Tổng thống Harding là “laissez-faire”, nghĩa là tự do kinh tế. Ông cắt giảm thuế, chi tiêu của chính phủ, và các quy định của chính phủ. Kết quả từ chương trình kinh tế của ông và của người tiền nhiệm, cựu tổng thống Calvin Coolidge, là một đợt bùng nổ kinh tế được biết đến với cái tên Roaring 20s (Những năm 20 gầm thét). Ông Walters nói rằng các sử gia cố gắng đổ lỗi cho hai vị Tổng thống Harding và Coolidge đã gây ra cuộc Đại Suy Thoái bằng cách khiến người ta nghĩ là các chính sách của họ đã tạo tiền đề cho cuộc suy thoái đó. Tuy nhiên, ông Walters cho biết những tuyên bố đó không đúng.
Ông lưu ý rằng các sử gia gọi khoảng thời gian 12 năm của các Tổng thống Harding, Coolidge, và Hoover là một Kỷ nguyên Cộng Hòa, nhưng kỳ thực không phải vậy. Ông Hoover, người được lựa chọn vào nội các của ông Harding đã đi ngược lại mong muốn của các thành viên hàng đầu thuộc Đảng Cộng Hòa vì chủ nghĩa cấp tiến của ông, có khuynh hướng đi theo hệ tư tưởng của cựu tổng thống Franklin Roosevelt hơn là hệ tư tưởng của cựu Tổng thống Harding.
“Ông Hoover nhậm chức vào năm 1929 và cuộc Suy Thoái xảy ra vào tháng Mười năm đó và ông ấy làm gì? Ông ấy bắt đầu ném mọi thứ ông ấy có vào đó,” ông Walters nói. “Ông ấy đã tăng các khoản thuế, tăng các khoản thuế quan, làm tất cả những điều này khiến cuộc suy thoái đó trở nên tồi tệ hơn. Và sau đó ông Franklin D. Roosevelt đã tiếp nối những gì ông Hoover để lại, theo đuổi các chính sách cấp tiến của chính phủ và đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái khủng khiếp. Ông Rexford Tugwell, thành viên của nhóm Brain Trust do ông Roosevelt tuyển lựa, thừa nhận rằng họ đã có rất nhiều ý tưởng cho Chính sách Kinh tế Mới (New Deal) từ ông Hoover. Vì vậy, người ta thường gọi đó là Thỏa Thuận Mới của ông Hoover.”
Các mối quan hệ đối nội và đối ngoại
Khi đề cập đến các mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ quốc, ông Harding đã chứng tỏ [ông] là người mà đất nước này cần. Đất nước vừa trải qua [nhiệm kỳ của] một trong những tổng thống phân biệt chủng tộc công khai nhất là ông Wilson, người đã cố tình tái chia rẽ chính phủ liên bang và thúc đẩy một lệnh cấm liên bang đối với việc kết hôn ngoại tộc trong phạm vi thủ đô của quốc gia. Ông cũng đã mang ô danh khi cho chiếu bộ phim “Sự khai sinh của một quốc gia,” vốn là một tác phẩm khen tụng đảng Ku Klux Klan.
“Đó là kiểu người mà ông Harding theo đuổi,” sử gia Walters nói. “Người Mỹ gốc Phi Châu bắt đầu di cư từ miền Nam ra miền Bắc, và có lẽ mọi người nghĩ rằng họ được hoan nghênh nồng nhiệt, nhưng thực tế không phải như vậy. Năm 1919, quý vị có Red Summer (Mùa Hè Đỏ Lửa), và nó được gọi như vậy vì lượng máu đã đổ ― máu của người Mỹ gốc Phi Châu. Có hàng chục vụ treo cổ vào mùa hè năm 1919. Ông Harding đã đến và cố gắng cứu vãn một số điều trong đó. Ông đã kêu gọi một luật dân quyền và một luật liên bang để cấm các hành vi treo cổ [như vậy].”
Sau khi đạt được 60% số phiếu phổ thông, tỷ lệ mà trước đây chưa từng có, ông Harding đã đưa ra quyết định vô tiền khoáng hậu là đọc diễn văn tốt nghiệp cho một trường Đại học mang tính lịch sử của người Mỹ gốc Phi Châu, Đại học Lincoln, và bắt tay với toàn bộ 400 sinh viên tốt nghiệp. Ông Harding đã trình bày bài diễn văn này chỉ ba ngày sau khi xảy ra cuộc Bạo động Chủng tộc Tulsa, và ông đã không hề né tránh việc đề cập đến sự kiện bi thảm đó.
Không lâu sau bài diễn văn dự lễ tốt nghiệp đó, ông Harding đã đến thăm trung tâm của Hiệp bang miền Nam cũ ở Birmingham, tiểu bang Alabama, để nói chuyện với một lượng khán giả rõ ràng là bị chia rẽ và kêu gọi họ đối xử bình đẳng với người Mỹ gốc Phi Châu. Ông Walters cho biết ông Harding đã thúc đẩy việc theo đuổi sự bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi Châu trong chính trị, quyền bầu cử, các cơ hội kinh tế, và các cơ hội giáo dục trong bài nói chuyện của mình.
“Hãy nghĩ đến sự can đảm cần có để làm được như vậy,” ông nói. “Không ai làm thế cả. Ông ấy đã sử dụng ‘Bully Pulpit’ (Bục giảng bắt nạt: một vị trí công khai cho phép một người chia sẻ quan điểm của họ với một lượng lớn khán giả) để thực hiện điều đó.”
Ông Harding đang trên đà hàn gắn các mối quan hệ đối nội và đối ngoại gần như đã bị phá vỡ kể từ đầu thế kỷ 20. Các mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh đang gặp khó khăn vì một số lý do: việc hình thành Kênh đào Panama và cuộc chiến với nhà cách mạng Mexico, ông Francisco “Pancho” Villa. Tổng thống mới của Mexico, ông Álvaro Obregón xem ông Wilson là “một kẻ thù khủng khiếp nhất” và nhấn mạnh lễ nhậm chức của Tổng thống Harding là “một ngày giải thoát.” Mexico đã trải qua sự hỗn loạn của cuộc cách mạng và hiện đang tìm kiếm sự thừa nhận quốc gia từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, ông Harding đã chứng tỏ ông không phải là đối thủ dễ bị thao túng và giao lại các cuộc thảo luận ngoại giao cho Bộ Ngoại giao của ông. Sau khi Bộ Ngoại giao tỏ ra không có khả năng giải quyết các vấn đề này trong hai năm đầu tiên mà ông tại vị, và sau khi nhận ra mối quan tâm của công chúng trong việc chấm dứt bất hòa giữa hai nước, ông Harding đã đảm đương [công việc này]. Mặc dù ông qua đời không lâu trước khi có những nhượng bộ, nhưng chính ông Harding đã quyết định thành lập Hội nghị Bucareli, cho phép tất cả các vấn đề được phơi bày trước công chúng và đạt được một giải pháp.
Vũ khí hóa chính phủ
Cuối cùng, ông Walters nêu ra rằng ông thấy rất lạ khi các tổng thống Wilson và Roosevelt nhận được điểm [xếp hạng] cao như vậy (năm 2000, ông Wilson được xem là tổng thống xuất sắc thứ 6, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 13, trong khi ông Franklin D. Roosevelt hiện đang đứng ở vị trí thứ 3) trong khi ông Harding lại bị tụt hạng rất nhiều (hiện đứng thứ 37), mặc dù trước đây hai vị này đã vũ khí hóa chính phủ để chống lại thường dân.
Phong Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times