Nga ngừng xuất cảng khí đốt sang Phần Lan
Hôm thứ Bảy (21/05), Nga đã ngừng xuất cảng khí đốt sang nước láng giềng Phần Lan sau khi quốc gia Bắc Âu này từ chối thanh toán nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Hành động này cũng diễn ra cùng thời điểm Phần Lan nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hôm thứ Sáu (20/05), công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đã báo trước cho công ty Gasum tương ứng của Phần Lan, nói rằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan sẽ bị ngừng vào lúc 7 giờ sáng theo giờ địa phương.
Nhà điều hành hệ thống khí đốt Phần Lan Gasgrid Finland xác nhận nguồn cung cấp khí đốt của Nga đã bị cắt hôm thứ Bảy.
Gasgrid Finland cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy: “Nhập cảng khí đốt thông qua cửa khẩu Imatra đã bị ngừng lại.” Imatra (thị trấn giáp biên giới Nga) là điểm nhập khí đốt Nga vào Phần Lan.
Cùng ngày, Gasum và Gazprom đều xác nhận rằng các dòng khí đốt đã ngừng lại.
“Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan theo hợp đồng cung cấp của Gasum đã bị cắt”, công ty Gasum cho biết trong một tuyên bố.
“Trong mùa hè sắp tới bắt đầu từ hôm nay, Gasum sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng từ các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector.”
Balticconnector liên kết Phần Lan với hệ thống khí đốt của nước Estonia láng giềng và đã được đưa vào vận hành từ năm 2020.
Quyết định của Gazprom xảy ra sau một cuộc tranh luận về các khoản thanh toán cho các chuyến hàng khí đốt tự nhiên của Nga, mà Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị chi trả bằng đồng rúp, đơn vị tiền tệ được công nhận của Liên bang Nga. Điều này rõ ràng là vi phạm các hợp đồng hiện có giữa Nga và các thành viên của Liên minh Âu Châu, trong đó quy định rằng các khoản thanh toán nhiên liệu có thể được thực hiện bằng đồng euro. Cuối cùng Phần Lan đã từ chối lệnh tối hậu trả bằng đồng rúp của Nga.
Quyết định này của Moscow nối gót quyết định gia nhập NATO gần đây của Phần Lan, chấm dứt tiền lệ trung lập kéo dài hàng thập niên đối với quốc gia Bắc Âu này. Vương quốc Thụy Điển tiếp bước nước láng giềng. Cả hai nước đã đệ trình đơn xin chính thức gia nhập NATO hôm thứ Tư (18/05).
Việc kết nạp hai quốc gia này sẽ có ý nghĩa địa chính trị to lớn, mở rộng đáng kể biên giới trên đất liền của NATO với Nga và thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực. Phần Lan, một phần do chính sách “trung lập tích cực”, duy trì một đội quân đáng gờm cho một quốc gia tầm cỡ, với chỉ 23,000 quân nhân tại ngũ nhưng có khoảng 900,000 quân nhân dự bị, nhờ vào chính sách nhập ngũ bắt buộc của Phần Lan. Sức mạnh quân sự chính của Thụy Điển là hải quân, lực lượng này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho NATO ở Biển Baltic.
Mặc dù đơn gia nhậo của hai quốc gia Bắc Âu này đã nhận được sự nhiệt tình [ủng hộ] từ ban lãnh đạo NATO, nhưng việc được chấp nhận tham gia liên minh của họ đã gặp trắc trở bởi sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đã tuyên bố sẽ không chấp nhận việc kết nạp thêm hai quốc gia này trừ trường hợp dẫn độ những kẻ thù chính trị của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang lưu vong ở Phần Lan và Thụy Điển.
“Rất tiếc là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên theo hợp đồng cung cấp của chúng tôi giờ đây sẽ bị tạm dừng,” Giám đốc điều hành Gasum Mika Wiljanen cho biết trong một tuyên bố. “Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này và chúng tôi sẽ có thể cung cấp khí đốt cho tất cả khách hàng trong những tháng tới nếu như mạng lưới truyền dẫn khí đốt không bị gián đoạn.”
Mối đe dọa xâm lược từ người Nga luôn hiện hữu trong ký ức văn hóa của người Phần Lan. Phần Lan từng là một đại công quốc thuộc Đế chế Nga trong hơn 100 năm từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Sau khi giành độc lập, thỉnh thoảng Phần Lan trải qua xung đột với Liên Xô, bao gồm cả cuộc Chiến Tranh Mùa Đông từ năm 1939 đến năm 1940 ngắn nhưng khốc liệt, cuối cùng dẫn đến việc Phần Lan nhượng bộ các vùng lãnh thổ quan trọng về mặt địa chính trị và văn hóa của mình cho Liên Xô.
Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người dẫn chương trình podcast “The Beautiful Toilet”.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: