Nga áp dụng hạn chế thanh toán bằng đồng rúp đối với các quốc gia mua lúa mì và dầu hướng dương
Đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine, giờ đây Nga sẽ xuất cảng ngũ cốc sang các quốc gia khác nhưng chỉ lấy đồng rúp.
Ngoài ngũ cốc, chính phủ Nga đã bổ sung dầu hướng dương và khô dầu đậu nành (SBM) vào danh sách các mặt hàng xuất cảng phải thanh toán bằng đồng rúp. Một nghị quyết với hiệu lực này đã được thông qua hôm thứ Sáu (01/07). Nga là nước xuất cảng lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp hạt hướng dương chính.
Nghị quyết của chính phủ cũng mở rộng điều khoản thanh toán cho thuế xuất cảng dầu hướng dương và khô dầu đậu nành bằng đồng rúp cho đến ngày 31/08/2023. Là một phần của cơ chế thanh toán này, giá cơ sở để tính thuế xuất cảng của lúa mì đã được đặt ở mức 15,000 rúp (263 USD) mỗi tấn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga, ông Dmitry Patrushev, thu hoạch ngũ cốc của Moscow trong năm có thể đạt 130 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và bảo đảm tiềm năng xuất cảng.
“Các sản phẩm [nông nghiệp] của chúng tôi sẽ có mặt trên thị trường ngoại quốc, nhưng chỉ ở những quốc gia thân thiện với chúng tôi, không gây trở ngại và khó khăn cho chúng tôi,” ông nói với các phóng viên hồi giữa tháng Sáu, theo RT.
Trong khi đó, Ukraine tiếp tục không thể xuất cảng nhiều ngũ cốc do các tuyến hải vận xuất cảng ngũ cốc của nước này đã bị Nga chặn. Trước chiến tranh, Ukraine từng xuất cảng tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Nhưng lệnh phong tỏa hàng hải đã cắt giảm xuất cảng xuống chỉ còn 300,000 tấn trong tháng Ba và khoảng một triệu tấn trong tháng Tư.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi dự đoán cuộc xâm lược của Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu lúa mì toàn cầu trong ít nhất ba mùa bằng cách loại bỏ phần lớn lúa mì của Ukraine ra khỏi các thị trường.
Sản xuất lúa mì của EU
Quyết định của Nga được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sản lượng lúa mì của Liên minh Âu Châu. Theo một báo cáo được công bố bởi công ty tư vấn nông nghiệp Strategie Grains vào tháng Sáu, EU được dự báo sẽ sản xuất lúa mì ít hơn khoảng 5% vào năm 2022 so với năm ngoái.
Sản lượng lúa mì ở Pháp — chiếm khoảng 18% tổng sản lượng của Âu Châu — dự kiến sẽ giảm hơn 5% trong năm nay.
Theo Wall Street Journal, báo cáo cho biết: “Kết hợp với những đợt nắng nóng khắc nghiệt — nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình theo mùa — thời tiết này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng của tất cả các loại cây ngũ cốc ở Âu Châu, trong giai đoạn hình thành năng suất quan trọng.”
Hôm 01/07, người đứng đầu EU đã cắt giảm sản lượng lúa mì mềm (lúa mì thông thường) giai đoạn 2022/23 của khối xuống còn 125 triệu tấn, giảm so với 130.4 triệu tấn dự kiến một tháng trước đó. Năm 2021/2022, khối này đã sản xuất 130.1 triệu tấn lúa mì mềm.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.