New York: Người dân Mỹ kỷ niệm 415 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ tại cuộc diễn hành của Pháp Luân Công
Ngày 20/07 đánh dấu một dịp lễ tưởng niệm trang trọng. Đó là ngày mà một trong những chiến dịch đàn áp vô lương tâm nhất trong lịch sử nhân loại bắt đầu — và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong nhiều năm, ít ai biết đến dịp lễ tưởng niệm này, nhưng hiện nay người dân trên khắp thế giới đang ngày càng biết đến ngày này nhiều hơn.
Vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần ôn hòa. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, giảng dạy ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vào những năm 1990, theo một số ước tính, lượng người theo học môn này đã tăng vọt lên đến 100 triệu. Bất chấp những tuyên truyền, các cuộc bắt giữ bạo lực, tra tấn, thu hoạch nội tạng sống, và các biện pháp bức hại thân thể và tài chính khác mà ĐCSTQ đã viện đến bằng mọi nguồn lực của cả bộ máy nhà nước để thi hành, Pháp Luân Công vẫn tiếp tục phát triển trên toàn cầu, chỉ đơn giản là thông qua phương pháp người truyền người, tâm truyền tâm.
Trong 24 năm qua, ngày càng có nhiều người biết đến sự thật về Pháp Luân Công và nhìn thấu những lời dối trá của ĐCSTQ.
Hôm 15/07 tại Manhattan, hơn một ngàn học viên Pháp Luân Công địa phương đã tuần hành qua khu Chinatown với các biểu ngữ và thuyền hoa rực rỡ sắc màu, cùng một đoàn nhạc diễn hành. Họ tưởng nhớ 24 năm ngày 20/07, giúp nâng cao nhận thức hơn nữa cho công chúng về cuộc bức hại và thể hiện sự ủng hộ đối với 415 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ cùng các tổ chức liên đới của đảng này.
Dũng khí và nhân văn
Hai mươi năm trước, những học viên này cùng cuộc diễn hành của họ có thể phải đối mặt với sự không hiểu và chế giễu của những người chưa từng đọc về Pháp Luân Công ngoài những gì mà các hãng truyền thông chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ đã đưa tin lặp đi lặp lại một cách máy móc. Nhưng vào thứ Bảy tuần này (15/07), họ đã nhận được những lời tán dương và sự ủng hộ từ người dân cũng như du khách.
“Tôi rất thích cuộc diễn hành này, tôi rất vui, tôi đã khóc khi nhìn theo đoàn diễn hành đi khuất bóng,” bà Marissa Gonzales, sống ở khu Chinatown, cho biết. “Đây là về thiền định và đức tin, về việc tìm thấy sự tự do nội tại khi nhìn vào bên trong nội tâm của mình nhiều hơn, cũng như tìm thấy nội lực mà chúng ta với tư cách là nhân loại sở hữu. Tôi rất xúc động và hạnh phúc khi được có mặt tại đây.”
Bà Gonzales cho biết cuộc bức hại đang diễn ra quả thật quá tồi tệ, và việc các học viên Pháp Luân Công đứng lên để bảo vệ nhân quyền là quan trọng.
Bà nói: “Cuộc diễn hành ngoạn mục này … mang lại hòa bình, sức mạnh, và sự thức tỉnh cho tất cả chúng ta.”
Một đoàn nhạc diễn hành lớn trong trang phục màu xanh dương dẫn đầu đoàn diễn hành, theo sau là một hàng dài nhiều màu sắc gồm thuyền hoa, cờ, biểu ngữ, nhóm học viên trình diễn một số bài công pháp khoan thai và nhẹ nhàng của Pháp Luân Công, các mô hình sách lớn, và cả một đội múa rồng. Đoàn diễn hành gồm ba phần: phần đầu nhằm thể hiện ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công; phần hai ở giữa trưng bày các hàng biểu ngữ kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại kéo dài đã 24 năm.
“Tôi ngưỡng mộ họ,” ông Yian, một người Trung Quốc từ lâu đã biết về Pháp Luân Công cũng như những gì mà các học viên phải đối mặt dưới chế độ của ĐCSTQ, cho biết. Ông cũng nói, “Mọi người ở đây trông thật thiện lương làm sao. Tôi biết về Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp, và tôi hy vọng họ có thể tiếp tục kiên định như vậy.”
Ông nói thêm: “Rồi cũng sẽ đến ngày mà sự thật của họ được biết đến rộng rãi thôi, phải vậy không?”
Bà Lâm sống ở khu Chinatown cùng con gái. Hơn hai thập niên trước, bà đã rời khỏi Trung Quốc để đến Mỹ.
“Họ đại diện cho nền văn minh chân chính của Trung Hoa,” bà Lâm nói về các học viên Pháp Luân Công. “[Với chân, thiện, và nhẫn], họ đại diện cho đạo đức hồi thăng, đó là con đường đúng đắn cho nhân loại. Điều này rất quan trọng.”
“Họ là nhóm người dũng cảm nhất. Và họ là những người thực sự yêu nước, vì họ sẵn sàng đứng lên chống lại một chế độ hủ bại. Chính quyền phải phục vụ cho người dân chứ không phải là ngược lại,” bà nói. “Vì vậy, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công.”
“Chúng tôi hy vọng các học viên Pháp Luân Công có thể được tự do,” bà nói thêm. “Tôi thực sự ngưỡng mộ nhóm Pháp Luân Công; họ kiên định với đức tin của mình, và họ không chỉ giữ vững đức tin mà còn thực sự đứng lên bảo vệ các quyền của mọi người dân Trung Quốc.”
Bà Lâm nói: “Ai cũng biết thế, chỉ có điều là họ không nói ra mà thôi.”
‘Thoái Đảng’: Phong trào thoái xuất khỏi ĐCSTQ
Phần ba và cũng là phần cuối của đoàn diễn hành là để mừng phong trào “thoái Đảng.” “Thoái Đảng” (Tuidang) có nghĩa là “thoái xuất khỏi Đảng,” Đảng ở đây đề cập đến ĐCSTQ. Kể từ khi “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (gọi tắt là “Cửu Bình”) lần đầu tiên được xuất bản bằng Hoa ngữ năm 2004, một phong trào thoái xuất khỏi đảng này đã được khởi xướng.
Kể từ đó, đã có khoảng 415 triệu người Trung Quốc thoái Đảng. Cũng kể từ đó, sách Cửu Bình đã được phiên dịch sang 33 ngôn ngữ khác nhau và độc giả có thể đọc miễn phí trên mạng.
Anh Song Sanghua cho biết anh đã nhìn thấy tấm biển của Trung tâm Thoái Đảng Toàn cầu ở Flushing — và đã cũng nhìn thấy các thông điệp tuyên truyền của ĐCSTQ dán trong khu dân cư để phỉ báng phong trào này.
“Khi tôi đến Mỹ, tôi thật sự cảm nhận được rằng tôi đã đến với thế giới tự do. Tôi cảm thấy thân quen như ở nhà. Mỹ đúng là một vùng đất của tự do, nơi đây ai cũng có thể bộc lộ tâm tư của mình. Khi tôi đặt chân đến Mỹ, tôi ngay lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi có thể cảm thấy điều đó trong tâm,” anh Song, đến từ Trung Quốc, cho biết.
Anh chia sẻ rằng, “Vì vậy, tôi đã tham dự để nâng cao nhận thức về lễ kỷ niệm 24 năm chống bức hại này, 24 năm kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại vào ngày 20/07/1999 … Tôi đang ở vùng đất của những người tự do.”
Anh Song nói rằng khi sống ở Trung Quốc, anh đã biết về chiến dịch bức hại của ĐCSTQ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vô tội, nhưng anh chưa bao giờ đứng ra phản đối cuộc bức hại này.
“Nhưng khi đến đây, nhìn thấy các học viên Pháp Luân Công ở Mỹ, thì tôi nhận ra rằng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc thật sự phải đối mặt với cuộc bức hại tàn khốc nhường nào, rằng những người dân thường tốt bụng này, chỉ vì tín ngưỡng, chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công, mà họ phải đối mặt với cuộc bức hại tà ác đến vậy của ĐCSTQ,” anh nói. “Tôi thấy khó mà diễn tả cho hết nỗi buồn mà tôi cảm nhận.”
“Người ta chẳng thể làm gì được khi ở Trung Quốc,” anh nói. Ở Trung Quốc không có người ngoài cuộc nào dám lên tiếng, anh Song giải thích rằng đó là do người dân cảm thấy ĐCSTQ hiện diện khắp mọi nơi, và nỗi sợ hãi Đảng luôn đeo bám lấy quý vị.
“Nhưng khi đến đây, tôi nhận ra tôi phải công khai nói lên những điều đồi bại mà ĐCSTQ đã làm, rằng họ đã bức hại Pháp Luân Công hàng thập niên và vẫn tiếp tục làm như vậy,” anh nói. “Chừng nào ĐCSTQ sụp đổ, thì những người dân thường mới có thể sống một cuộc đời an ổn.”
Xem thêm video: Cuộc Đại Thảm Sát của thế kỷ 21
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times