New York: Hàng trăm người quy tụ tại Khu Phố Tàu để phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công
MANHATTAN, New York – Hàng trăm người đã diễn hành ở khu hạ Manhattan qua khu Phố Tàu – một trong những cộng đồng người Hoa lâu đời nhất của Mỹ quốc – để phản đối những hành vi lạm dụng đang diễn ra ở Trung Quốc cộng sản mà cộng đồng quốc tế đã mô tả là “tội ác phản nhân loại.”
Cuộc diễn hành nói trên ghi dấu lần đầu tiên sau gần năm năm, những người tham dự quay trở lại Khu Phố Tàu, nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người Hoa nhập cư đông đúc nhất cả nước. Các yêu cầu trước đó kể từ năm 2017 đã liên tục bị từ chối, điều mà các nhà tổ chức sự kiện cho rằng một phần là do ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo các nhà tổ chức, sự kiện này đáp ứng đồng thời hai mục tiêu: một là, gây áp lực lên chế độ cộng sản Trung Quốc vốn đang giam cầm và tra tấn các học viên có chính tín; hai là, nâng cao nhận thức về những hành vi lạm dụng này trong cộng đồng Hoa kiều.
Anh Diêm Bằng Phi (Yan Pengfei), một nhà thiết kế đồ họa máy tính 27 tuổi tham dự cuộc diễn hành, nói với The Epoch Times: “Quý vị có thể tận mắt chứng kiến xem chúng tôi là những người như thế nào.”
Hầu hết những người tham gia ở đó đều là các học viên của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần vẫn luôn là mục tiêu của cuộc đàn áp kéo dài 23 năm dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến năm 1999, pháp môn tĩnh tại, tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn này đã thu hút khoảng 70-100 triệu người theo học ở Trung Quốc. Năm đó vì cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của môn tu luyện, nên nhà cầm quyền đã mở một chiến dịch bức hại trên toàn quốc, một chiến dịch vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm trong nhiều trung tâm giam giữ, nhà tù, và các cơ sở khác, nơi các cai ngục sử dụng lao động nô lệ, bức thực, và các biện pháp tra tấn khác nhằm khiến họ từ bỏ đức tin của mình. Một số lượng không kể xiết những người bị giam giữ cũng đã bị sát hại để lấy nội tạng của họ nhằm cung cấp cho hệ thống cấy ghép nội tạng khát máu của Trung Quốc, trong một hoạt động do nhà nước hậu thuẫn được gọi là thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
‘Chúng tôi phải bước ra’
Anh Diêm chỉ mới ba tuổi khi mẹ anh đưa anh đến Hoa Kỳ vào năm 1999. Nhưng một trong những người bằng hữu của anh ở Trung Quốc đã bị bỏ tù trong nhiều năm vì đức tin của mình, và mới chỉ trốn thoát khỏi đất nước này khoảng năm năm trước. Trong thời gian đó vợ của người đàn ông này phải tự mình nuôi dạy đứa con trai của họ, giờ đã lên chín tuổi.
“Tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ trải qua điều đó như thế nào,” anh Diêm nói. “Chính quyền ở Trung Quốc đang thực sự lợi dụng nhóm người thiện lương này.”
Anh Diêm đã tham gia hơn 20 cuộc diễn hành Pháp Luân Công khi lớn lên. Bà Helen Bằng, mẹ của anh, nhớ rằng trong những năm đầu tiên, họ sẽ lái xe hoặc bay đến khắp nơi trên thế giới — đôi khi dành 10 giờ trên đường — để tới các sự kiện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Bà cho biết, có một sự cấp bách thôi thúc họ bước ra.
“Chúng tôi phải bước ra,” bà nói với The Epoch Times. “Nếu chúng tôi không làm, thì ai sẽ làm?”
‘Những gì mà ĐCSTQ phản đối chắc chắn là cái thiện’
Bà Bằng (Peng) bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996 sau khi bạn của bà viết thư giới thiệu pháp môn này cho bà. Bà chia sẻ, sau khi tu luyện những cơn đau ở thắt lưng, từng khiến những công việc thường ngày trong nhà như lau sàn trở thành một chuyện khó khăn và đau đớn, đã biến mất mà không để lại dấu vết.
Gia đình bà đã tận mắt chứng kiến sự tàn nhẫn của nhà cầm quyền. Ông nội bà, người đã chiến đấu cho Quốc Dân Đảng đối lập trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, đã tự sát trong thời kỳ 10 năm Cách mạng Văn hóa khi ông trở thành mục tiêu của các “phiên đấu tố” ăn miếng trả miếng.
Năm 1989, khi một cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo ở Bắc Kinh kêu gọi cải cách dân chủ ở Trung Quốc kết thúc bằng xe tăng quân sự và tiếng súng, bà Bằng đã xem các kênh thông tấn chính thức của Trung Quốc. Thông tấn Trung Quốc đã tuyên bố rằng “không có ai thiệt mạng,” ngay cả khi các đồng nghiệp ngành y làm việc trong các bệnh viện thành phố của bà mô tả với bà về “một dòng sông máu” chảy dài đến tận tầng hầm của các cơ sở này.
Vì bà đã giúp điều phối các địa điểm tập luyện Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ, nên tên của bà Bằng đã lọt vào danh sách đen của Bắc Kinh, và công an đã sách nhiễu gia đình bà ở Trung Quốc, bà cho biết. Bà đã không thể trở về Trung Quốc để dự đám tang của cha và anh trai mình.
Bà kể lại, bầu không khí đầy sợ hãi và tuyên truyền ở Trung Quốc tạo nên một sự tương phản rõ rệt với sự tự do mà họ đang được hưởng ở Mỹ. Khi mẹ bà đến thăm, bà Bằng nhớ lại cách bà ấy đã nhắc lại lời tuyên truyền xuyên tạc phỉ báng pháp môn tu luyện này của nhà cầm quyền, và cố gắng thuyết phục họ từ bỏ đức tin.
Bà Bằng nhớ lại rằng khi ấy, người hàng xóm của bà cũng tham gia cuộc trò chuyện này, họ đã bênh vực bà Bằng khi nói: “Những gì mà ĐCSTQ phản đối chắc chắn là cái thiện.”
Năng lượng tích cực
Anh Trình Tùng (Cheng Song), một nghệ sĩ trống chuyên nghiệp 33 tuổi, người đã biểu diễn trong cuộc diễn hành, cho biết anh đã cảm thấy khó khăn, không biết tìm từ nào để diễn tả sự phấn khích của mình.
“Nụ cười trên khuôn mặt của mỗi học viên, năng lượng tích cực từ mọi người … Tôi nghĩ rằng không có thứ gì có thể sánh được với điều này,” anh nói với The Epoch Times.
Anh Trình, người gốc Trung Quốc, lần đầu tiên nghe nói về Pháp Luân Công ở Đức vào năm 2016 khi anh còn là sinh viên tại Nhạc viện Brahms Johannes của Hamburg. Anh bắt đầu tu luyện môn này vào năm 2019 sau khi trở về Trung Quốc.
Công an đã nghe lén điện thoại của anh Trình và triệu tập anh đến thẩm vấn hai lần. Mỗi lần như vậy, họ lại đóng giả là cha mẹ của một học sinh tiềm năng muốn học nhạc với anh, anh cho biết. Hai cuộc thẩm vấn kéo dài hai đêm liền không ngủ, trong đó ba hoặc bốn viên chức hút hết vài ba bao thuốc lá, đã đe dọa bỏ tù anh.
Bất chấp áp lực, anh Trình đã đưa ra lựa chọn của mình.
“Một người chỉ cần có chút lương tâm thôi cũng sẽ đứng lên phản đối, và chọn bên chính nghĩa,” anh nói. Người nhạc sĩ này đã đến Hoa Kỳ hồi cuối năm ngoái sau khi các hạn chế đi lại do đại dịch được nới lỏng để thoát khỏi cuộc đàn áp.
Cuộc diễn hành dường như đã để lại ấn tượng với những người qua đường.
Cô Estella Pena đến từ Cộng hòa Dominica, người cầm trên tay một tờ tài liệu giới thiệu môn Pháp Luân Công cho biết: “Tôi xúc động nghẹn ngào khi thấy nhiều người đang cố gắng chấm dứt cuộc đàn áp này.” Bạn của cô, cô Lia Brouwer, cũng đồng tình. Đôi mắt của cô Brouwer vẫn đỏ hoe — kết quả của việc trước đó cô đã khóc khi tìm hiểu về những gì các học viên đã trải qua, cô cho biết.
Cô Miranda Pena, người cùng họ tham dự một buổi hòa nhạc ở New York, nói rằng cô có kế hoạch ký một lá đơn thỉnh nguyện chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Cô cho biết mình đã đọc về sự truyền bá có hệ thống của nhà cầm quyền trong trường học, và nỗi thống khổ của người dân ở đất nước đó đã tiếp thêm động lực cho cô lên tiếng.
Khi “quý vị tìm hiểu về cuộc đàn áp hoặc nhìn thấy nó, tôi nghĩ cảnh tượng đó giống như phá vỡ cái bong bóng đó, cái bong bóng viễn tưởng nơi chúng ta sống và quý vị có thể thấy mọi người đang sống khổ cực như thế nào,” cô nói với The Epoch Times. “Điều này khiến tôi muốn chiến đấu hoặc làm điều gì đó về [nó].”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].