NBA, Nike và việc từ chối lên án các hành vi lạm dụng của nhà cầm quyền Trung Quốc
Tác giả W. Clement Stone nổi tiếng đã thúc giục người Mỹ hãy lựa chọn dũng khí thay vì hèn nhát. Ông viết, “Hãy can đảm đối mặt với sự thật. Hãy làm điều đúng đắn bởi vì điều đó là đúng. Đây là những chìa khóa thần kỳ để sống cuộc đời của quý vị một cách vẹn toàn.”
Người ta tự hỏi người đàn ông vĩ đại này sẽ nói gì về NBA và Nike.
Hôm 20/10, cầu thủ trung tâm của Boston Celtics là anh Enes Kanter đã đăng một đoạn video khá khiêu khích lên mạng xã hội. Vì bất bình trước cách đối xử của Trung Quốc đối với Tây Tạng, anh Kanter đã gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một “nhà độc tài tàn bạo.” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đáp trả bằng cách xóa sạch các trận đấu của Celtics khỏi đối tác truyền hình Trung Quốc của NBA.
Thông điệp của anh Kanter rất đơn giản và sâu sắc: “Tây Tạng tự do.” Theo lời của người đàn ông 29 tuổi này, “Dưới sự cai trị tàn bạo của chính quyền Trung Quốc, các quyền cơ bản và tự do của người dân Tây Tạng không tồn tại nữa.”
Anh Kanter, người mà trước đây đã mang đôi giày tập với thông điệp “Tây Tạng tự do” được tô đậm trên đó, đã đúng khi lên tiếng, ngay cả khi NBA vẫn chưa đề nghị hỗ trợ anh.
Tôi đã liên hệ với NBA để yêu cầu bình luận về vấn đề này. Giống như những lời nhận xét của anh Kanter, những yêu cầu của tôi đã được đáp lại bằng một sự im lặng đáng sợ.
Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Tây Tạng đáng được thảo luận, ngay cả khi NBA không muốn các vận động viên của mình bình luận về những sự kiện như vậy.
“Kẻ phạm tội phải bị trừng trị nghiêm khắc và mau chóng, bộ công an và các nhà quản lý thị trường văn hóa phải điều tra và truy tố họ với quyền lực mạnh mẽ.” Đây là những lời của ông Đổng Vân Hổ (Dong Yunhu), một người được giao nhiệm vụ xóa sổ “tuyên truyền Độc lập Tây Tạng.”
Những lời của ông Vân Hổ, được nói ra vào năm 2015, đã để lại những hậu quả rất thực tế. Trong một bài bình luận cho Newsweek, ông Sam Brownback, người trước đây từng là Đại sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, và ông Ngodup Tsering, cánh tay phải của Đạt Lai Lạt Ma, đã thảo luận về tình cảnh của “Phật tử Tây Tạng, cùng với những người có đức tin từ mọi ngóc ngách trong tầm với của ĐCSTQ.” Theo các tác giả, việc đàn áp họ “vẫn tiếp diễn không ngừng.” Chúng ta được cho biết là ĐCSTQ “quản lý mọi khía cạnh của các hoạt động tâm linh và giáo dục,” cùng với việc cấm các lá cờ cầu nguyện, nghi lễ tôn giáo, và lễ hội. “Hai tu viện lớn nhất, mang tính lịch sử nhất của Tây Tạng đã bị phá bỏ.” Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Tạng, “một phần quan trọng trong việc bảo tồn tinh hoa của các nguyên tắc Phật giáo Tây Tạng,” đang bị nhắm tới, cùng với việc nhà cầm quyền Trung Quốc mạnh tay bắt buộc “học sinh phải chuyển từ ngôn ngữ mẹ đẻ của họ sang tiếng Trung phổ thông,” các tác giả cảnh báo.
Tây Tạng ngày nay là một nhà nước cảnh sát. Theo một báo cáo được Freedom House công bố, hiện nay nơi đó là khu vực ít tự do nhất trên thế giới.
Anh Kanter xứng đáng được ghi nhận vì đã tái tập trung sự chú ý của chúng ta vào những vụ lạm dụng đang diễn ra ở Tây Tạng.
Mặt khác, NBA đáng bị chỉ trích rất nhiều vì sự im lặng, cũng như sự phục tùng của họ đối với chính quyền Trung Quốc.
Nếu nhận xét của anh Kanter mang lại cảm giác đã từng xảy ra (déjà vu), thì đó là vì chúng ta đã từng ở đây trước đó. Năm 2019, NBA đã “buộc phải” khẩn khoản van nài Trung Quốc tha thứ. Tại sao? Bởi vì ông Daryl Morey, khi đó là quản lý của Houston Rockets (hiện là chủ tịch các hoạt động bóng rổ của Philadelphia 76ers), đã đủ dũng khí để lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Các giám đốc điều hành NBA, hiển nhiên trong tuyệt vọng mà bảo vệ các giao dịch hàng tỷ dollar của họ ở Trung Quốc, đã nhanh chóng tránh xa những bình luận của ông Morey. Hai năm sau, mặc dù họ vẫn chưa tránh xa những bình luận của anh Kanter, các đại diện của NBA đã giữ im lặng một cách rõ ràng.
Tất nhiên, NBA không đơn độc trong việc giữ im lặng của họ. Anh Kanter, một nhà phê bình lên tiếng chỉ trích các nhà cầm quyền chuyên chế trên khắp thế giới, cũng đã chỉ trích Nike về hành vi đạo đức giả của hãng này.
Hôm 25/10, trong trận đấu của Celtics với Charlotte Hornets, anh Kanter đã mang một đôi giày tập được tô điểm bằng ba từ sau: “modern day slaves” (nô lệ thời hiện đại). Sau đó, anh đã phát hành một video có tựa đề “Dear Nike,” nhằm lên án công ty quần áo thể thao này vì đã trục lợi từ lao động nô lệ Trung Quốc. Anh Kanter hỏi rằng, “Ai làm ra đôi giày của quý vị ở Trung Quốc? Quý vị có biết không? Nike vẫn luôn lên tiếng về sự bất công diễn ra [ở Hoa Kỳ], nhưng khi nói đến Trung Quốc, Nike luôn giữ im lặng.” Thông điệp của anh được kèm theo thẻ hashtag “#EndUyghurForcedLabor” (Chấm dứt Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ).
Tôi cũng đã liên hệ với Nike để yêu cầu bình luận về vấn đề này. Một lần nữa, đã không có bình luận nào được đưa ra.
Giống như NBA, những sai lầm về đạo đức của Nike cũng đáng bị chỉ trích gay gắt. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi công ty thể thao này từ bỏ sự tôn nghiêm thông thường. Năm 2015, NBA và Nike đã ký một hợp đồng tám năm ở một nơi nào đó trong khu vực này trị giá 1 tỷ dollar. Mặc dù cả NBA và Nike đều được tự do kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào mà họ lựa chọn, nhưng chúng ta có quyền đặt nghi vấn về các giá trị đạo đức của họ hoặc sự thiếu vắng những giá trị đó. Về phần Kanter, thật đáng khen là anh đã giúp chúng ta tái tập trung sự chú ý vào các vấn đề đàn áp và nô lệ.
Đáng buồn thay, các tập đoàn lớn dường như không quan tâm nhiều đến việc bảo vệ nhân quyền. Bằng cách tạo điều kiện cho ĐCSTQ, Nike và NBA trên thực tế đang tạo điều kiện cho cuộc đàn áp những người vô tội ở Tây Tạng và Tân Cương. Đáng buồn thay, chừng nào họ vẫn tiếp tục kiếm tiền, thì dự kiến là lòng trung thành bất diệt của họ đối với Bắc Kinh sẽ luôn tiếp tục.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một người đóng góp cho tạp chí The American Conservative.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: