NASA chia sẻ bức ảnh Mặt Trời mọc được chụp từ không gian vũ trụ
Không có gì lạ khi nhìn thấy Mặt Trời mọc, bởi vì mọi người đều có thể nhìn thấy nó. Tuy nhiên mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) đã chia sẻ một bức ảnh Mặt Trời mọc được chụp từ không gian vũ trụ, và đây không phải là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Bức ảnh cho thấy phần lớn nước Mỹ vẫn đang là màn đêm, ánh đèn rực rỡ của nhiều khu đô thị tương phản với tia nắng bình minh đầu tiên ở đường chân trời.
NASA cho biết bức ảnh này được các phi hành gia chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào ngày 10/11/2023. Hầu hết các khu vực nhìn thấy trong bức ảnh đều là ở Hoa Kỳ.
Ánh đèn ngoài cùng bên trái là Chicago ở Illinois, liền kề với nó là Lake Michigan. Ở phía bên phải, ánh đèn của các khu đô thị Dallas và Fort Worth ở Texas vẫn thắp sáng những đám mây trên bầu trời.
Đồng thời, những tia nắng Mặt Trời đầu tiên đã bắt đầu chiếu sáng bầu khí quyển Trái Đất, như được thấy ở phía trên bức ảnh.
Kể từ khi Trạm Vũ trụ Quốc tế bắt đầu hoạt động vào năm 2000, các phi hành gia đã chụp hàng trăm ngàn bức ảnh về bầu khí quyển, đất liền và đại dương của Trái Đất.
Những bức ảnh này ghi lại sự thay đổi của Trái Đất theo thời gian do các sự kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Điều này cho phép các khoa học gia theo dõi và ứng phó với thảm họa cũng như nghiên cứu các hiện tượng khác nhau, từ sông băng cho đến động vật hoang dã ở đô thị, v.v.
Nói đến bình minh, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ tới hoàng hôn. Ông Alexander Gerst, phi hành gia người Đức thuộc Cơ quan Vũ trụ Âu Châu (ESA) đã chia sẻ bức ảnh hoàng hôn mà ông chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế trên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter) hồi tháng 05/2019. Ông viết, “Đây là cảnh hoàng hôn trên Trái Đất nhìn từ trên cao.”
Bức ảnh cho thấy ánh sáng đỏ xuất hiện trên các tầng mây giữa ngày và đêm, đây hẳn là cảnh hoàng hôn mà mọi người nhìn thấy từ mặt đất.
This is what a sunset on Earth looks like from above. / So sieht ein irdischer Sonnenuntergang aus, von oben gesehen. #Horizons #Archive pic.twitter.com/sgijQq8hYt
— Alexander Gerst (@Astro_Alex) May 16, 2019
NASA cho biết Trạm vũ trụ quốc tế quay một vòng quanh Trái Đất sau mỗi 90 phút. Vì vậy, các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế có thể nhìn thấy 16 lần bình minh và 16 lần hoàng hôn mỗi ngày, gấp 16 lần những gì con người trên Trái Đất có thể nhìn thấy.
Ngoài bình minh và hoàng hôn, các phi hành gia còn chụp được cảnh cực quang và các cảnh đẹp khác trên Trạm vũ trụ quốc tế. Trước đây, NASA cũng đã chia sẻ một bức ảnh cực quang chụp vào ngày 15/09/2017.
NASA cho biết, bức ảnh này cho thấy cực quang xuất hiện trên khắp Canada. Vào thời điểm chụp ảnh, Trạm vũ trụ quốc tế đang tiến đến điểm cực cao của quỹ đạo. Các tấm pin mặt trời chính của Trạm vũ trụ quốc tế có thể được nhìn thấy ở phía bên trái của bức ảnh.
Ngoài ra, vào tháng 01/2021, phi hành gia người Nga Sergei Kud-Sverchkov đã chia sẻ một đoạn video ngắn trên mạng xã hội X về quá trình quay quanh Trái Đất, kết hợp những cảnh tượng mỹ lệ như bình minh, biển mây và cực quang.
Ông nói: “Quý vị muốn thực hiện một chuyến du hành quỹ đạo ngắn vào ban đêm? Chuyến du hành dài 7 phút được phát sóng dưới dạng clip dài 15 giây. Đi thôi! Chúng ta sẽ bắt đầu chuyến du hành qua Thái Bình Dương, bay qua các thành phố ở Hoa Kỳ và Canada, sau đó ngắm bình minh trên Đại Tây Dương.”
Từ đoạn video ngắn này, quý vị có thể thấy Trái Đất xinh đẹp đang chuyển động bên dưới, những cực quang xanh và đỏ hiện lên ở đường chân trời, cảnh mặt trời mọc ở cảnh cuối khiến mọi người cảm thấy như thể họ đang ở trên Thiên đường.