Nàng ‘Mona Lisa’ của Nam bán cầu: ‘Flaming June’ bức tranh mang tính biểu tượng của họa sĩ Frederic Leighton
Bộ sưu tập thuộc sở hữu của Viện bảo tàng Museo de Arte de Ponce ở Puerto Rico chứa đựng một trong những tác phẩm nổi bật nhất của nghệ thuật thời kỳ Victoria và Tiền-Raphael, được tìm thấy bên ngoài Vương quốc Anh. Ông Luis A. Ferré, nhà sáng lập viện bảo tàng đã thu thập bộ sưu tập lộng lẫy này từ cuối những năm 1950 đến giữa những năm 1970, thời điểm mà các tác phẩm nghệ thuật loại này đã lỗi thời. Tuy nhiên, các tác phẩm này từng rất nổi tiếng khi mới ra đời vào thời đại Victoria.
Một nghệ sĩ tiêu biểu của thời kỳ này là Nam tước Frederic Leighton (1830–1896). Trong suốt cuộc đời mình, các tác phẩm mỹ thuật điêu luyện được ông vẽ tỉ mỉ đã thu hút sự quan tâm quốc tế. Nữ hoàng Victoria đã mua bức tranh lớn đầu tiên của ông. Khi sự nghiệp đang thăng tiến, ông gia nhập Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, và cuối cùng trở thành chủ tịch của học viện này. Không lâu trước khi qua đời, họa sĩ Leighton đã được phong tước, trở thành nghệ sĩ người Anh duy nhất được trao tặng vinh dự này.
Biểu tượng Nghệ thuật của thời kỳ Victoria
Bức tranh nổi tiếng nhất của họa sĩ Leighton là “Flaming June” (Tháng Sáu Cháy Bỏng). Kiệt tác hội họa kiêm biểu tượng nghệ thuật của thời kỳ Victoria này là một phần trong bộ sưu tập thuộc sở hữu của Viện bảo tàng Museo de Arte de Ponce, và được mệnh danh là “Nàng Mona Lisa Của Nam Bán Cầu.”
Vì các phòng trưng bày chính của viện bảo tàng đang phải đóng cửa để tu sửa hư hại sau trận động đất năm 2020, nên bức tranh này cùng với một số tác phẩm khác của thời kỳ Tiền-Raphaelite trong bộ sưu tập, đã được trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York trong suốt tháng 02/2024. Khi công bố họa phẩm cho mượn này, giám đốc Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, ông Max Hollein bày tỏ rằng, “Hiếm có tác phẩm nào sánh được với vẻ đẹp của bức tranh ‘Tháng Sáu Cháy Bỏng’ của Leighton.”
Bức tranh “Tháng Sáu Cháy Bỏng” được vẽ vào năm cuối đời của họa sĩ Leighton. Bố cục bức tranh, dáng vẻ nhân vật, và cách sử dụng màu sắc tươi sáng của vị họa sĩ này như mê hoặc người thưởng lãm. Người phụ nữ đang nằm ngủ, lộng lẫy trên chiếc ghế cẩm thạch, và được khắc họa trong tư thế cuộn tròn như bào thai. Dáng người ôm tròn của cô được bố trí đối lập với những đường thẳng và góc cạnh phức tạp, như được thấy ở phần cánh tay uốn cong, và bố cục hình học vuông vức của khung tranh canvas. Cô vận một chiếc váy voan mỏng màu cam rực rỡ, cùng làn da ửng hồng tôn thêm vẻ cuốn hút cho bức tranh. Tư thế “nhân cách hóa tháng Sáu” này lấy cảm hứng một phần từ tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Night” (Màn Đêm) của danh họa Michelangelo, chế tác cho khu lăng mộ Medici ở Vương cung thánh đường San Lorenzo tại Florence, cũng như vẻ an tĩnh đầy ngẫu hứng của nữ người mẫu đang mệt mỏi.
Họa sĩ Leighton đã đưa cây trúc đào vào bối cảnh Địa Trung Hải vượt thời gian đầy sáng tạo của mình. Kỳ thực, loài cây cảnh này có lịch sử canh tác rất xa xưa ở Địa Trung Hải và cũng là loài cây có độc tính cao. Người ta không biết liệu việc đưa loài cây này vào bức tranh có tượng trưng cho sự tương đồng giữa người phụ nữ đang ngủ và cái chết hay không, bởi vì không có ghi chép nào còn sót lại cho thấy chủ ý của tác giả về ý nghĩa sâu xa hơn của bức tranh cũng như tiêu đề của nó.
Một cuộc đời sống động
Bức tranh “Tháng Sáu Cháy Bỏng” được giới phê bình tán dương trong buổi triển lãm mở màn tại Học viện Hoàng gia. Lịch sử sở hữu tiếp theo của bức tranh này đầy những thăng trầm lạ thường. Tác phẩm được Viện bảo tàng Ashmolean, Oxford mượn trưng bày trong vài năm, tuy nhiên chủ nhân của bức tranh đã rao bán nó vào đầu những năm 1930. Cho đến năm 1963, bức tranh tái xuất hiện — và được rao bán tại gian hàng của một thương nhân trong khu chợ ở Chelsea, nơi bức tranh được bán cho một người làm khung tranh với giá 50 bảng Anh.
Cùng năm đó, bức tranh được vài chủ nhân tiếp theo sở hữu, trong đó có một người thợ làm tóc, trước khi được một sử gia nghệ thuật kiêm nhà môi giới chuyên nghiên cứu và bảo trợ tái thẩm định các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Victoria mua lại. Nhà môi giới này đã bán bức tranh “Tháng Sáu Cháy Bỏng” cho ông Luis A. Ferré, một trong những nhà sáng lập của Viện bảo tàng Museo de Arte de Ponce, với giá 1,000 USD, nhờ đó bức tranh đã được đưa vào bộ sưu tập của viện bảo tàng này.
Trong một số bộ sưu tập của viện bảo tàng còn sót lại đủ loại nghiên cứu mà họa sĩ Leighton đã thực hiện để chuẩn bị vẽ bức tranh “Tháng Sáu Cháy Bỏng.” Các bản phác thảo này mô tả những tấm vải xếp nếp, dáng người khỏa thân, và bố cục tổng thể. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, các học giả mới biết rằng có một nghiên cứu về phần đầu độc đáo [của bức tranh này] từ bức vẽ minh họa đăng trên Tạp chí Nghệ thuật (Magazine of Art) vào năm 1895, khi các chuyên gia đấu giá thẩm định giá trị tài sản của bà Mary, Nữ công tước xứ Roxburghe. Ông Simon Toll, một chuyên gia Nghệ thuật thời kỳ Victoria của hãng đấu giá Sotheby’s, miêu tả về cách ông tìm thấy bản nghiên cứu phần đầu của nhân vật nguyên tác này là — “treo sau cánh cửa phòng ngủ của phu nhân Roxburghe trong ngôi nhà West Horsley Place … Bản nghiên cứu phần đầu của bức tranh là mảnh ghép cuối cùng liên quan đến khâu chuẩn bị mà ông Leighton đã thực hiện trước khi bắt đầu vẽ bức tranh sơn dầu lớn. Đây quả là một phát hiện ly kỳ.”
Có lẽ ông nội của phu nhân Roxburghe đã mua tác phẩm này trực tiếp từ di sản của họa sĩ Leighton, được bán tại công ty đấu giá Christie’s sau khi vị họa sĩ qua đời vào năm 1896. Năm 2015, người thừa kế của phu nhân Roxburghe đã rao bán bản nghiên cứu này tại hãng đấu giá Sotheby’s London với mức giá 167,000 bảng Anh, lập kỷ lục cho một tác phẩm được vẽ trên giấy của họa sĩ. Sau đó, tác phẩm một lần nữa biến mất vào bộ sưu tập tư nhân.
Ngôi nhà của họa sĩ Leighton nay đã trở thành viện bảo tàng. Khách tham quan sẽ có cơ hội được hòa mình vào thế giới của họa sĩ Leighton cùng những ý tưởng thẩm mỹ đặc biệt được tái hiện khi bảo tàng Leighton House mở cửa trở lại vào tháng 10/2022. Ngôi nhà trên đường Holland Park, London đang trải qua trùng tu trên diện rộng với chi phí 8 triệu bảng Anh. Xưởng vẽ của họa sĩ Leighton có thiết kế đặc biệt, được phục dựng lại như khi ông còn sống, nơi ông đã vẽ nên bức tranh “Tháng Sáu Cháy Bỏng.” Ngoại thất của tòa nhà này có mặt tiền làm bằng gạch nung giản dị theo phong cách cổ điển, trái ngược hẳn với các khu nội thất phong phú tinh xảo với những tên gọi như Arab Hall (Đại sảnh Arab), Silk Room (Phòng Tơ Lụa), và Narcissus Hall (Đại sảnh Narcissus), một lần nữa được lấp đầy bằng nhiều đồ nội thất và đồ trang trí nguyên bản. Nguồn cảm hứng của họa sĩ Leighton khi xây dựng Arab Hall là “để thi thoảng chiêm ngưỡng một thứ gì đó xinh đẹp.”
Họa sĩ Leighton từng là bậc thầy tạo nên vẻ đẹp trong nghệ thuật cũng như trong ngôi nhà của ông; để giờ đây, vầng thái dương cháy bỏng đó đang ló rạng trên một “kỷ nguyên Leighton” mới.
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times