Năng lực không gian mạng của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có ý định biến Trung Quốc thành một “siêu cường không gian mạng” hàng đầu. Mặc dù ông Tập vốn nổi tiếng về những ảo tưởng lớn lao, nhưng giấc mơ đặc biệt này đang nhanh chóng trở thành hiện thực.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, trong một nỗ lực nhằm tăng cường lĩnh vực an ninh mạng của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – Trung Cộng) đã soạn thảo một bản kế hoạch hành động ba năm. Với một kế hoạch như vậy, chúng ta nên nghĩ tới tình huống gia tăng chiến tranh thông tin và gián điệp mạng.
Nói về hoạt động gián điệp của Trung Quốc, công ty truyền thông và xuất bản News Corp. của Mỹ gần đây đã thông báo về việc phát hiện ra một “cuộc tấn công mạng bền bỉ” nhắm vào email của các nhân viên. Được thành lập bởi [tỷ phú] Rupert Murdoch, tập đoàn truyền thông đại chúng đa quốc gia này sở hữu Dow Jones & Company, một nhà xuất bản của cả The Wall Street Journal và New York Post. Như chúng tôi được biết, cuộc tấn công này do các chuyên gia mạng được Bắc Kinh hậu thuẫn tiến hành.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Cả New York Post, một tờ báo mà tôi thỉnh thoảng viết bài đóng góp, và The Wall Street Journal, đều có những bài viết khá lên án Trung Quốc. Ví dụ, tờ New York Post đã ghi lại (rất chi tiết) mối quan hệ giữa các đặc vụ mờ ám của Trung Quốc và ông Hunter Biden.
Sau cuộc tấn công này, Hoa Kỳ – địch thủ lớn nhất của Trung Quốc – nên cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, quốc gia này hiện đang ở trong tình trạng sao nhãng về không gian mạng. Trên thực tế, Hoa Kỳ chưa bao giờ có vẻ dễ bị tấn công hơn [như bây giờ]. Theo một báo cáo của Thượng Viện, bảy trong số tám cơ quan liên bang, không bảo vệ được dữ liệu quan trọng.
Tại sao như vậy?
Cơ sở hạ tầng an ninh mạng kém. Sự yếu kém như vậy có thể khiến đất nước này phải trả giá đắt.
Báo cáo với nhan đề “An ninh mạng Liên bang: Dữ liệu của Mỹ vẫn đang gặp rủi ro” này đã gọi những phát hiện đó là “thẳng thắn”. Nhiều vấn đề tương tự, vốn “đã gây nhũng nhiễu cho các cơ quan Liên bang trong hơn một thập niên”, vẫn đang hiện hữu. Các cơ quan có tầm quan trọng thiết yếu, chỉ “thực hiện những cải tiến tối thiểu”. Chẳng hạn như, trong năm 2020, chỉ có “Bộ an ninh Nội địa (DHS) đạt được việc sử dụng một chế độ an ninh mạng hiệu quả.”
Giờ đây, trước những căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách khai thác những điểm yếu này. Thực tế thì họ đã làm vậy rồi. Khi các vấn đề an ninh mạng của Hoa Kỳ gia tăng, khả năng không gian mạng của Trung Quốc trở nên uy lực hơn. Theo tình báo Hoa Kỳ, không những ĐCSTQ bận rộn đào tạo thế hệ chuyên gia mạng tiếp theo, mà Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc còn “sử dụng các tin tặc tội phạm theo hợp đồng, để thực hiện các hoạt động không gian mạng phi pháp trên toàn cầu, bao gồm cả vì lợi nhuận cá nhân của chính họ.”
Rõ ràng, không thể nói hết được về tầm quan trọng của an ninh mạng. Một quốc gia có cơ sở hạ tầng mạng kém sẽ rất dễ bị tấn công. Là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, Hoa Kỳ có một số đồng minh. Tuy nhiên, chính vì lý do này mà Hoa Kỳ cũng có một số kẻ thù, bao gồm cả Trung Quốc.
Hiện các cơ quan của Hoa Kỳ đang gặp phải tình trạng vệ sinh mạng kém, có nghĩa là các thông lệ và biện pháp phòng ngừa được sử dụng để giữ cho dữ liệu nhạy cảm được an toàn và bảo mật trước những kẻ tấn công, là không đạt tiêu chuẩn. Điều này giải thích tại sao các tin tặc do ĐCSTQ hậu thuẫn đã đánh cắp được dữ liệu của ít nhất 206 triệu người Mỹ. Nếu không có các biện pháp an ninh mạng đầy đủ, thì thông tin sức khỏe được bảo vệ (PHI), thông tin cá nhân, và tài sản trí tuệ có nguy cơ bị xâm phạm.
Bên trong cuộc thi an ninh mạng của Trung Quốc
Để nhận thức được mối đe dọa do Trung Quốc gây ra, hãy cùng thảo luận về cuộc thi an ninh mạng quốc tế Cúp Thiên Phủ (Tianfu Cup), một sự kiện thường niên chứng kiến những bộ óc sáng suốt nhất tề tựu trong một kỳ thi hack [đột nhập] cuối tuần được nhà nước [Trung Cộng] chấp thuận.
Cuộc thi gần đây nhất diễn ra tại Thành Đô, kinh đô ẩm thực của Trung Quốc. Cuộc thi đã tổ chức ba giải đấu riêng biệt: giải đấu thứ nhất, được gọi một cách khôn khéo là “trình diễn lỗ hổng bảo mật”, chứng kiến các đối thủ trình diễn nhiều điểm yếu khác nhau có thể bị khai thác; cuộc thi thứ hai liên quan đến việc bẻ khóa các thiết bị cụ thể; trong khi đó, cuộc thi thứ ba được gọi là “cuộc thi bẻ khóa hệ điều hành [OS].” Cuộc thi được tổ chức hôm 16-17 tháng 10/2021 này là cuộc thi lớn nhất cho đến nay; với tổng tiền thưởng là 1.5 triệu USD. Thật dễ dàng để hiểu tại sao.
Trong suốt cuộc thi trên, các đội có năm phút để trình diễn các chiến tích của mình; không có gì ngạc nhiên khi cuộc thi bẻ khóa thiết bị thu hút nhiều sự chú ý nhất. Chỉ trong 15 giây, nhóm Kunlun Lab đã bẻ khóa thành công tính năng bảo mật của iPhone 13 Pro trực tiếp trên sân khấu. Bên cạnh việc thao túng các lỗ hổng trong phần mềm iOS của Apple, các tin tặc cũng thể hiện khả năng nhắm mục tiêu vào những phần mềm tương tự của Google và Microsoft.
Vài tháng trước sự kiện trên ở Thành Đô, các tin tặc do ĐCSTQ hậu thuẫn đã nhắm mục tiêu vào [hệ thống máy chủ ảo] Microsoft Exchange Server. Theo BBC, vụ tấn công đó đã ảnh hưởng đến ít nhất 30,000 tổ chức trên toàn cầu. Những kẻ tấn công này có phải là những người đã tham gia cuộc thi Thiên Phủ trước đó không? Đừng nghi ngờ điều đó.
Cuối cùng, trong năm 2020, một trong những chiến tích iOS được trình diễn tại cuộc thi Cúp Thiên Phủ này đã được sử dụng trong một chiến dịch gián điệp mạng, được thực hiện nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ.
Trong một bài viết cho [tạp chí mạng] ‘War on the Rocks’, [chuyên gia mạng] J.D. Work đã viết, “Cuộc thi Thiên Phủ chứng tỏ khả năng không ngừng khiến các hệ thống và mạng lưới chủ chốt của phương Tây gặp rủi ro”. Theo ông Work, cuộc thi này đã “làm nổi bật chiều sâu đáng kể của nguồn lực tấn công mạng của Trung Quốc, và cho thấy nền tảng tài năng của những tin tặc xông xáo, không hề nao núng trước hậu quả từ sự vạch trần của quốc tế đối với các hoạt động của nước này.”
Đánh giá bằng bằng chứng này, ông Work cảnh báo rằng chúng ta đang hướng tới “một tương lai đáng kinh ngạc, trong đó sức mạnh tấn công mạng của Trung Quốc vượt qua của phương Tây”. Ông Work cảnh báo rằng các nhà tài trợ của cuộc thi trên bao gồm “các công ty nổi bật trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của đất nước này.”
Những gì xảy ra ở Trung Quốc không chỉ tồn tại ở Trung Quốc; và những gì đã xảy ra ở Thành Đô chắc chắn sẽ không chỉ tồn tại ở Thành Đô. Cúp Thiên Phủ vượt xa một cuộc thi vô hại. Nó phô bày những trí óc thông minh nhất, sắc bén nhất ở Trung Quốc và cách mà ĐCSTQ có thể vũ khí hóa những trí óc đó.
Điều này đưa chúng ta trở lại cách tiếp cận hỗn loạn của Hoa Kỳ đối với an ninh mạng. Ai sẽ giành chiến thắng trong những cuộc chiến của ngày mai? Những người lính được đào tạo bài bản hay những chuyên gia mạng được đào tạo bài bản? Theo tôi, đó là những chuyên gia mạng. Ai biết được, có thể các cựu binh Thiên Phủ sẽ giành chiến thắng trong các cuộc chiến ngày mai.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: