Nam Hàn từ chối tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết đất nước của ông sẽ không tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, với lý do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để “có thể phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi chưa nhận được yêu cầu từ bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ, để tham gia vào một cuộc tẩy chay ngoại giao. Hiện chúng tôi đang không cân nhắc thực hiện biện pháp tẩy chay nào cả,” ông Moon nói với các phóng viên sau một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 13/12.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh để phản đối “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương” của chính quyền Trung Quốc. Úc, Anh Quốc, Canada, Lithuania, và New Zealand đã làm theo. Tất cả các quốc gia tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao này sẽ cho phép các vận động viên của họ thi đấu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa kiên quyết” nhắm vào Hoa Kỳ vì nỗ lực tẩy chay này, mà không nêu cụ thể hơn.
Ông Moon nói rằng trong khi Nam Hàn coi trọng quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ trên cơ sở ngoại giao và các vấn đề an ninh, chính phủ của ông cũng phải xem xét vấn đề “hòa bình và an ninh” trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông nói, “Chúng tôi cần những nỗ lực mang tính xây dựng của Trung Quốc để có thể phi hạt nhân hóa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Do đó, Nam Hàn tập trung vào mối quan hệ đồng minh bền vững với Hoa Kỳ và cả với Trung Quốc.”
Ông Moon tiếp tục nêu rõ mối quan tâm của Nam Hàn trong việc đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở thông qua một “mối quan hệ hài hòa” với Trung Quốc.
“Có thể có những xung đột nhất định, và có thể có một số vấn đề về cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu quý vị nhìn vào biến đổi khí hậu và vấn đề chuỗi cung ứng, cũng như về đại dịch và bệnh truyền nhiễm, có những thách thức toàn cầu, và đây là những lĩnh vực mà chúng ta cần phải phối hợp và cộng tác,” ông nói.
Khi được hỏi về tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, ông Moon cho biết các bên liên quan – Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Bắc Hàn – đã bày tỏ sự ủng hộ “trên nguyên tắc” đối với một tuyên bố kết thúc chiến tranh, nhưng Nam Hàn vẫn chưa tham gia đàm phán với nước láng giềng phía bắc của họ.
Ông Moon lưu ý rằng Bắc Hàn khăng khăng rằng để có bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950–53, vốn đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thì trước hết Hoa Kỳ phải chấm dứt “sự thù địch” đối với Bình Nhưỡng.
“Và do đó, chúng tôi không thể tiến tới đàm phán thảo luận về các tuyên bố giữa Nam và Bắc Hàn, và những tuyên bố giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ,” ông Moon nói.
Trong chuyến thăm của ông Moon tới Úc, hai nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 1 tỷ AUD (716.5 triệu USD) để thúc đẩy các nỗ lực quân sự của Seoul. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, công ty quốc phòng Nam Hàn Hanwha Corporation sẽ chế tạo 30 xe đại bác tự hành và 15 xe thiết giáp tiếp tế đạn dược cho Úc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: