Nam Hàn tổ chức cuộc họp chính sách về nhân quyền của Bắc Hàn sau hơn 2 năm
Nam Hàn sẽ tổ chức một cuộc họp chính phủ liên ngành về các chính sách nhân quyền của Bắc Hàn lần đầu tiên sau hơn hai năm, khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tìm cách giải quyết các vấn đề nhân quyền của Bình Nhưỡng.
Cuộc họp này sẽ được tổ chức vào ngày 25/08 và do Thứ trưởng Bộ Thống nhất Kim Ki-woong chủ trì. Hôm thứ Hai (22/08), phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Cho Jong-hoon cho biết, các quan chức từ bộ tư pháp và bộ ngoại giao sẽ đến tham dự.
Ông Cho cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào việc Nam Hàn thực hiện chính sách nhân quyền của Bắc Hàn, cũng như chuẩn bị một báo cáo về tình hình nhân quyền ở vương quốc ẩn sĩ này.
Cuộc họp cuối cùng về nhân quyền Bắc Hàn được tổ chức vào ngày 11/05/2020. Chính phủ của ông Yoon đang có lập trường quyết đoán hơn về vấn đề này, có thay đổi so với người tiền nhiệm Moon Jae-in, người đã trì hoãn chính sách này vì sợ gây nguy hiểm cho mối bang giao liên Triều (CHDCND Triều Tiên-Đại Hàn Dân Quốc).
Ông Yoon cũng bổ nhiệm bà Lee Shin-hwa, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nam Hàn, làm đại sứ để giám sát nhân quyền của Bắc Hàn. Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ tháng 09/2017, hãng thông tấn Yonhap News Agency đưa tin.
Bà Lee nói sau cuộc bổ nhiệm hôm 28/07, “Tôi tin rằng [vai trò của tôi] là kêu gọi chế độ Bắc Hàn [bảo đảm] không phải sự an toàn của chế độ mà là sự an toàn của con người.”
Vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn đang ‘xấu đi’
Trong báo cáo cuối cùng của mình trước Liên Hiệp Quốc hồi tháng 03/2022, ông Tomas Ojea Quintana, cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Bắc Hàn, cho biết nhân quyền ở quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân này đã “xấu đi” trong sáu năm qua.
“Để Bắc Hàn trong sự cô lập và duy trì hiện trạng này không đem lại giải pháp nào để giúp giải quyết tình trạng nhân quyền kinh khủng ở đó,” ông Quintana nói.
Báo cáo nêu rõ sự kiểm soát ngột ngạt của Bắc Hàn đối với dân chúng của họ đã được thắt chặt bằng việc thực thi các lệnh bắn tại chỗ ở biên giới và “một đạo luật chống tư tưởng phản động” trong đó áp dụng hình phạt tử hình đối với tội tiếp cận tài liệu của ngoại quốc.
Theo báo cáo, tình trạng bất ổn an ninh lương thực lặp đi lặp lại kéo dài ở Bắc Hàn, vốn có khả năng trở nên tồi tệ hơn do việc đóng cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch và các biện pháp ứng phó COVID-19 của chế độ này.
Tháng 03/2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cùng với 29 tổ chức phi chính phủ và một số cá nhân, đã viết một bức thư chung gửi ông Moon chỉ trích cách chính phủ của ông giải quyết tình hình nhân quyền của Bắc Hàn.
Họ nói rằng chính phủ Nam Hàn “đã không bảo đảm một nền hòa bình lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên và dẫn đến việc im lặng trước những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Bắc Hàn”, nói thêm rằng Nam Hàn đã không đồng bảo trợ các nghị quyết về các vấn đề nhân quyền của Bắc Hàn tại Hội đồng Nhân quyền và Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2019.
Bức thư nêu rõ, “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Nam Hàn phải thay đổi hướng đi, và rằng chính phủ của ông [phải] gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Hàn để chấm dứt những vi phạm nhân quyền và quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng nghiêm trọng.”
Bắc Hàn đã tiến hành một loạt các vụ phóng hỏa tiễn trong năm 2022, bao gồm cả một vụ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này, Hwasong-17, tất cả các vụ phóng hỏa tiên này đều bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chương trình hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.