Nam Hàn tái khởi động xuất cảng công nghệ điện hạt nhân
Nam Hàn đã và đang tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán với một số quốc gia về các dự án năng lượng hạt nhân, vì tổng thống của họ đặt mục tiêu hồi sinh ngành năng lượng hạt nhân của đất nước và tăng mức đóng góp của năng lượng hạt nhân lên 30% vào năm 2030.
Tháng trước (06/2022), Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Lee Chang-yang đã đến thăm Cộng hòa Séc và Ba Lan để quảng bá các nhà máy điện hạt nhân của Nam Hàn.
Kết quả của các cuộc gặp này là Nam Hàn ký mười biên bản ghi nhớ với Cộng hòa Séc về hợp tác năng lượng hạt nhân và hydrogen, và chín thỏa thuận với Ba Lan về năng lượng hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Park Jin cũng đã gặp Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn hồi tháng Sáu để thảo luận về cách tăng cường hợp tác trong thị trường nhà máy hạt nhân ở ngoại quốc.
Hôm 28/06, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Nam Hàn đã ký một thỏa thuận với Kazakhstan để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất lên tới 2,800 MW. Business Korea đưa tin cho hay dự án này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2029.
Các dự án này tuân theo mục tiêu của Tổng thống Yoon Suk-yeol là khôi phục vị thế của Nam Hàn như một nước xuất cảng chủ lực về các lò phản ứng hạt nhân an toàn, hướng tới mục tiêu xuất cảng 10 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030.
Hôm 05/07, chính phủ nước này cho biết sẽ tái khởi động việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Shin-Hanul và khôi phục lại việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã từng hoạt động.
Loại bỏ hạt nhân là ‘ngu ngốc’
Việc đẩy mạnh năng lượng hạt nhân đánh dấu một sự đảo ngược chính sách rõ ràng so với chính sách của chính phủ tiền nhiệm, do Tổng thống đương thời Moon Jae-in dẫn dắt, người đã thúc đẩy loại bỏ dần điện hạt nhân trong khoảng 45 năm.
Công trình xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đã bị trì hoãn kể từ năm 2017 khi ông Moon nhậm chức.
Trong chuyến thăm Doosan Enerbility ở Changwon vào tháng trước, ông Yoon đã chỉ trích quyết định loại bỏ hạt nhân của người tiền nhiệm là “ngu ngốc” và cam kết sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của Nam Hàn trong ngành công nghiệp điện hạt nhân này.
Hãng thông tấn địa phương Hankyoreh dẫn lời ông Yoon, “Nếu những người đang thúc đẩy quá trình loại bỏ hạt nhân đã thực sự nhìn thấy hệ sinh thái công nghiệp cho chính họ, tôi e rằng họ có thể đưa ra quyết định đó.”
Ông Yoon cho biết thêm, “Các nhà máy điện hạt nhân của Nam Hàn được công nhận là tốt nhất trên thế giới về độ an toàn và sức mạnh công nghệ. Cánh cửa cho thị trường xuất cảng nhà máy điện hạt nhân đang rộng mở.”
Năng lượng hạt nhân hiện chiếm khoảng 27% tổng năng lượng của đất nước. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Nam Hàn hiện có 25 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Họ cũng đã xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân ở Barakah, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Một đợt suy thoái toàn cầu trong ngành điện hạt nhân được kích hoạt vào năm 2011 sau khi một trận động đất và sóng thần làm tê liệt ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-Ichi của Nhật Bản.
Năm 2016, công chúng lại một lần nữa có tâm lý đề phòng cảnh giác điện hạt nhân sau khi một trận động đất 5.8 độ Richter tấn công khu vực đông nam của Bán đảo Triều Tiên, nơi quy tụ hầu hết các nhà máy điện hạt nhân của Nam Hàn.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.