Nam Hàn-Hoa Kỳ nối lại hoạt động tập trận trong bối cảnh Bắc Hàn khiêu khích
Hôm 22/08, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự tổng hợp quy mô lớn nhất của họ nhằm củng cố thế trận răn đe sau nhiều năm cắt giảm các cuộc tập trận thường niên để nhường chỗ cho hoạt động ngoại giao với Bắc Hàn và cũng vì lo ngại về đại dịch COVID-19.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, các cuộc tập trận mang tên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) này sẽ kéo dài đến ngày 01/09, và bao gồm một bài diễn tập mô phỏng chỉ huy trên máy điện toán, huấn luyện thực địa, và diễn tập phòng thủ dân sự.
Theo bản tin trên, hai quốc gia đồng minh này trù định tiến hành 13 chương trình huấn luyện thực địa kết hợp trong suốt các cuộc tập trận UFS. Tháng trước (07/2022), Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết các cuộc tập trận này được tiến hành nhằm mục đích ngăn chặn “các hành động khiêu khích của Bắc Hàn.”
Bắc Hàn đã bắn hai hỏa tiễn hành trình từ bờ biển phía Tây hồi tuần trước (15-21/08), sau khi Nam Hàn và Hoa Kỳ bắt đầu tập trận sơ bộ.
Đây là những cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 2017 sau khi được thu hẹp quy mô do đại dịch COVID-19 và vì vào thời điểm đó những nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm Nam Hàn nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, vốn đã lên án UFS là một cuộc diễn tập cho một cuộc xâm lược.
Tân Tổng thống (TT) Yoon Suk-yeol, nhậm chức hồi tháng Năm, đã đề nghị Hoa Kỳ thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn và một cam kết an ninh mạnh mẽ hơn đối với nền quốc phòng của quốc gia này.
“Việc duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên được xây dựng dựa trên tư thế an ninh chặt chẽ của chúng ta,” ông Yoon nói trong cuộc họp Nội các hôm 22/08, kêu gọi các cuộc tập trận kỹ lưỡng dựa trên các kịch bản trong thế giới thực.
Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Nhật Bản cũng đã tham gia một cuộc tập trận cảnh báo hỏa tiễn, tìm kiếm và theo dõi hỏa tiễn đạn đạo ở Hawaii từ ngày 08 đến ngày 14/08 nhằm tăng cường hợp tác ba bên trong bối cảnh Bắc Hàn đe dọa hạt nhân.
Bắc Hàn bác bỏ ‘giấc mơ phi lý’ của TT Yoon
Đầu tháng này, ông Yoon đã đề nghị cung cấp cho Bình Nhưỡng cái mà ông gọi là “một kế hoạch táo bạo” sẽ “cải thiện đáng kể nền kinh tế của Bắc Hàn và sinh kế của người dân theo từng giai đoạn” để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
“Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình lương thực quy mô lớn; cung cấp sự trợ giúp cho cơ sở hạ tầng sản xuất, truyền tải và phân phối điện; và thực hiện các dự án hiện đại hóa cảng và phi trường cho thương mại quốc tế,” ông nói.
Ông Yoon cũng đề nghị giúp Bắc Hàn nâng cao năng suất nông nghiệp, hiện đại hóa các bệnh viện, cũng như thực hiện các sáng kiến hỗ trợ tài chính và đầu tư quốc tế nếu chính quyền Kim Jong Un ngừng chương trình hạt nhân.
Nhưng Bắc Hàn đã từ chối lời đề nghị của ông Yoon, gọi đó là một “giấc mơ phi lý.”
“Chúng tôi không thích con người của ông Yoon Suk-yeol,” bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, được Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn dẫn lời hôm 20/08.
Bà Kim chỉ trích lời đề nghị của ông Yoon là “lời bình luận viển vông” lên đến “đỉnh điểm của sự phi lý khi đó là một điều bất khả thi,” đồng thời gọi nỗ lực lấy hợp tác kinh tế để đổi lấy vũ khí hạt nhân là “ấu trĩ”.
“Không ai bán rẻ số phận của mình để đổi lấy bánh bắp,” bà nói. “Những gì mà chúng tôi sẽ cho những kẻ thêu dệt một giấc mơ viển vông để thành công trong việc khiến chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu họ trả thêm tiền cược chỉ là sự khinh bỉ cay đắng.”
Bắc Hàn đã tiến hành một loạt vụ phóng hỏa tiễn trong năm nay, trong đó có một vụ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này, Hwasong-17, tất cả đều đang bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chương trình hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.
Nam Hàn đang thúc đẩy một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950–1953 để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Hai quốc gia đã đồng ý đình chiến từ năm 1953.
Nhưng Bắc Hàn vẫn khẳng định rằng bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt cuộc chiến này thì trước hết phải chấm dứt “các hành động thù địch” của Hoa Kỳ chống lại quốc gia này. Hoa Thịnh Đốn đã tái khẳng định rằng họ “không có ý định thù địch” với Bình Nhưỡng và bày tỏ sẵn sàng thảo luận với Bắc Hàn mà không cần điều kiện tiên quyết.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.