Nam danh ca Gene Autry đã trở thành hình mẫu về tinh thần kinh doanh Mỹ quốc như thế nào?
Câu chuyện về cuộc đời của ông Gene Autry tựa như một cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Mỹ quốc. Được mệnh danh là “nam danh ca cao bồi được ái mộ nhất Mỹ quốc,” ngôi sao nhạc đồng quê này đã kết hợp tinh thần kinh doanh của mình với niềm đam mê giải trí cho khán giả, trở thành một trong những biểu tượng độc đáo và được yêu thích nhất của thể loại nhạc đồng quê miền Tây.
Sau khi thu hút khán giả bằng một loạt những buổi biểu diễn trong suốt những năm 1920, ông đã ký hợp đồng với hãng Columbia Records và biến “âm nhạc miền Tây Mỹ quốc” trở thành một chủ điểm điện ảnh. Ông Autry tiếp tục trở thành ngôi sao danh giá trong gần 100 bộ phim có cảnh ông cưỡi ngựa, hát dạ khúc tình ca tặng người yêu hoặc là những khách quen của quán rượu, xuyên suốt các câu chuyện đầy tính phiêu lưu.
Ngôi sao truyền hình này đã không còn xa lạ gì trên sóng truyền hình và là người dẫn chương trình “Melody Ranch” (Nông trại Giai điệu), một chương trình tạp kỹ của ông trên đài CBS Radio Network trong suốt những năm 1940 và 1950. Bài hát chủ đề mở đầu có một trong những bản hit nổi tiếng nhất của ông, “Back in the Saddle Again” (Trở Về trên Yên Ngựa Lần Nữa) một bản nhạc chơi bằng đàn fiddle, vinh danh những chàng cao bồi rong ruổi khắp nước Mỹ.
Giọng hát của ông Autry trong đĩa đơn “Don’t Fence Me In” (Không Thể Nhốt Tôi) khơi dậy cảm giác lãng mạn: một chàng cao bồi yêu tự do mà anh được trải nghiệm trên những vùng đồng bằng rộng lớn nhiều đến mức nhan đề của bài hát giống như một tuyên ngôn hơn là mệnh lệnh.
‘Chương trình Rodeo của danh ca Gene Autry’
Là một thành viên của các tổ chức như Pro Rodeo Hall of Fame và Texas Cowboy Rodeo Hall of Fame, ông Autry đã mở đường cho những chàng ca sĩ cao bồi tương lai bằng cách kết hợp những kỹ nghệ giải trí qua âm nhạc với dũng khí cao bồi của mình để biểu diễn trực tiếp cho khán giả. Được biết đến với cái tên “The Gene Autry Rodeo Show,” những sự kiện trực tiếp, có một không hai này đã mang lại cho ông vinh dự trở thành nghệ sĩ giải trí đầu tiên bán hết vé tại Madison Square Garden ở thành phố New York.
Khi ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nước Mỹ bước vào Đệ nhị Thế chiến. Ông Autry tạm rời xa ngành giải trí và ghi danh nhập ngũ, phục vụ trong Không lực Lục Quân Hoa Kỳ khi ở ngoại quốc. Ông mang theo tinh thần dũng cảm, không sợ hãi của mình vào cuộc đời binh nghiệp. Nhiệm vụ của ông liên quan đến việc vận chuyển quân nhu đến các căn cứ dọc theo tuyến đường hàng không giữa Ấn Độ và Trung Quốc qua một phần của Dãy núi Himalaya được gọi là “The Hump”. Lộ trình xa xôi hẻo lánh này là một trong những lộ trình nguy hiểm nhất đối với các phi công quân đội do thiếu bản đồ đáng tin cậy của khu vực này, tín hiệu truyền dẫn vô tuyến không khả dụng, và hệ thống thời tiết khó đoán thường xuất hiện phía trên dãy núi.
Sau khi phục vụ trong quân đội và đồng hành cùng tổ chức bất vụ lợi USO từ năm 1942 đến năm 1946, chàng ca sĩ cao bồi được ái mộ nhất nước Mỹ đã sẵn sàng bắt đầu lại sự nghiệp giải trí của mình. Là người nhìn xa trông rộng, thay vì quay trở lại với chương trình phát thanh vốn đã thành công và các bộ phim theo chủ đề miền Tây Mỹ quốc, ông đã khiến mình trở thành “cái tên của mỗi gia đình” theo đúng nghĩa bề mặt, và khởi động lại sự nghiệp của mình trong lĩnh vực truyền hình vào những năm 1950, điều mà không có ngôi sao điện ảnh nào trước ông dám thực hiện.
Ông không chỉ thủ vai chính trong 91 tập của bộ phim “The Gene Autry Show” trên đài CBS, mà còn là nhà sản xuất thông qua công ty Flying A Pictures của mình. Với Flying A Pictures, ông đã giữ cho tinh thần của Miền Tây Hoang Dã (Old West) tiếp nối bằng cách sản xuất các bộ phim đặc sắc với sự tham dự của các diễn viên thể hiện vai anh hùng vùng thôn quê như bà Annie Oakley và kẻ sống ngoài vòng pháp luật được hư cấu nổi tiếng Buffalo Bill, Jr.
Trong khi đã đạt được nhiều giải thưởng trong nhiều năm vì đã cống hiến hết mình trong lĩnh vực truyền hình và điện ảnh, nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ này cũng đã thu âm hơn 600 bài hát, với nhiều đĩa hát của ông cuối cùng được chứng nhận đĩa vàng hoặc đĩa bạch kim.
Thậm chí ông còn sở hữu một vài đài phát thanh nổi tiếng trong suốt quá trình này.
Tôn vinh miền Tây Mỹ quốc
Có lẽ thành tựu đáng chú ý nhất từ nhiệt huyết kinh doanh của ông là một cột mốc quan trọng diễn ra chỉ một thập niên trước khi ông qua đời vào năm 1998. Trong suốt sự nghiệp giải trí của mình, ông Autry luôn có ước mơ được tri ân cho cộng đồng miền Tây Mỹ quốc vốn từng rất bao dung đối với ông, kể từ khi ông còn là một cậu bé lang bạt trên các chuyến xe lửa từ nhà mình ở Texas đến những đồng cỏ mênh mông ở Oklahoma.
Năm 1988, giấc mơ của ông cuối cùng đã thành hiện thực. Ông đã mở Bảo tàng Di sản Miền Tây Mỹ quốc Gene Autry, với mục đích tôn vinh các nền văn hóa của miền Tây vốn có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi vùng của quốc gia này trong nhiều thập niên.
Kể từ khi mở cửa lần đầu vào cuối những năm 80, bảo tàng đã mở rộng đáng kể và hiện là Bảo tàng Autry của miền Tây Mỹ quốc (The Autry Museum of The American West). Tiếp đón gần 200,000 du khách thường niên, bảo tàng tại Los Angeles, California này là nơi trưng bày bộ sưu tập phong phú gồm các hiện vật lịch sử của miền tây nam Mỹ quốc, và là nơi tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật đang diễn ra như “Miền Tây im lặng” (The Silent West), giới thiệu một số bộ phim đầu tiên của thể loại miền Tây Mỹ quốc này, cũng như “Biên giới phía Tây: Những câu chuyện có thật và hư cấu,” (Western Frontiers: Stories of Fact and Fiction) để vinh danh những vị anh hùng Mỹ quốc như tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, ngài Theodore Roosevelt.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times