Mỹ thu hồi quy chế thị trường của Nga nhằm cô lập Moscow hơn nữa
Hôm 10/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ đã không còn xem Nga là một nền kinh tế thị trường trong một nỗ lực nhằm gây áp lực lên Moscow trên lĩnh vực thương mại song phương, và cô lập hơn nữa nền kinh tế Nga.
Quyết định của Bộ Thương mại cho thấy sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ Nga vào nền kinh tế của chính quốc gia này, dẫn đến biến dạng giá cả, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ. Nghị quyết này — một hành động trả đũa của chính phủ Hoa Kỳ đối với việc Nga tiếp tục các hành động xâm lược ở Ukraine — mang lại khả năng áp dụng toàn bộ luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập cảng từ Nga.
Bộ này cho biết, “Dựa trên sự đánh giá cân bằng về các thực tế và phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ, quyết định này sẽ bảo đảm rằng các tính toán bán phá giá của Bộ Thương mại phản ánh thực tế kinh tế trên thực địa và rằng các ngành công nghiệp Hoa Kỳ sẽ thoát khỏi hoạt động nhập cảng không công bằng mà họ được quyền theo luật.”
Nga nằm trong danh sách các quốc gia mà Hoa Kỳ xem là nền kinh tế phi thị trường, nhưng đã bị loại khỏi bảng phân loại này vào năm 2002 sau khi Moscow theo đuổi các biện pháp tự do hóa nền kinh tế của mình.
Danh sách này bao gồm các quốc gia như các đồng minh của Nga là Belarus, Trung Quốc, Việt Nam, Armenia, Azerbaijan, Moldova, Uzbekistan, và các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ.
Quyết định của Bộ Thương mại dựa trên một số tiêu chí, bao gồm môi trường đầu tư ngoại quốc, khả năng chuyển đổi tiền tệ, và sự kiểm soát của chính phủ đối với các tư liệu sản xuất. Thông cáo báo chí của bộ này cho biết: “Trong quyết định của mình, Bộ Thương mại đã phát hiện ra những rạn nứt lớn trong những lĩnh vực này, đặc biệt là kể từ cuộc xâm lược Ukraine.”
Bán phá giá là việc các nhà sản xuất ngoại quốc bán hàng hóa với giá thấp hơn giá bán của nhà sản xuất tại thị trường trong nước hoặc ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này xảy ra khi chính phủ ở các quốc gia đó trợ cấp sản xuất và cung cấp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như các khoản vay với các điều kiện không phản ánh điều kiện thị trường.
Thương mại của Hoa Kỳ với Nga
Cách phân loại mới sẽ dẫn đến thuế nhập cảng cao hơn đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Nga. Tuy nhiên, tác động được cho là sẽ chỉ có tác dụng nhẹ vì nhập cảng của Nga đã bị hạn chế kể từ cuộc xâm lược Ukraine.
Năm 2022, Hoa Kỳ nhập cảng 12.5 tỷ USD hàng hóa của Nga từ đầu năm đến tháng Chín. Nhập cảng của Hoa Kỳ từ Nga đạt 29.7 tỷ USD vào năm 2021, gấp hơn hai lần mức của năm nay, trong khi xuất cảng của Hoa Kỳ sang Nga đạt 6.4 tỷ USD.
Dầu và khoáng sản, vôi, và xi măng là những mặt hàng hàng đầu từ Nga, chiếm hơn 59% tổng lượng nhập cảng vào năm 2021. Kim loại căn bản, sắt, thép và dụng cụ theo sau với mức 13.4%; đá, thủy tinh, kim loại, và ngọc trai chiếm 10%. Năm ngoái, theo dữ liệu (pdf) từ Bộ Thương mại, 7.9% tổng kim ngạch nhập cảng dầu và khoáng chất, vôi, và xi măng của Hoa Kỳ đến từ Nga.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) nói: “Chính phủ ông Putin không nên có được những đặc quyền của một nền kinh tế thị trường. Tôi rất vui khi Bộ Thương mại thực hiện biện pháp quan trọng này vốn sẽ gây thêm áp lực lên chính phủ bất hợp pháp này.”
“Chính phủ Nga sở hữu tới 70% nền kinh tế của mình — đó không phải là nền kinh tế thị trường— và bằng cách tước bỏ quy chế kinh tế thị trường của Nga, Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn Nga tham gia vào các hành vi thương mại không công bằng với các đồng minh của chúng ta.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times