Mưu lược của Quản Trọng về phương diện tài chính Quốc gia (Phần 1)
Sách lược kinh tế tài chính của Trung Quốc cổ đại.
Quân Vương cùng các quần thần mặc Hán phục, vui vẻ nghe sáo trúc thưởng huyền cầm, điềm nhiên thả hồn vào trong chén rượu và những bức họa với cổ vận khoan thai, chủ đề họ đang đàm luận là về tiền tệ và tài chính. Thì ra là như vậy, chủ đề được quan tâm thảo luận của thời đại ngày nay đã xuất hiện tại Trung Quốc cổ đại từ hơn hai ngàn năm trước.
Đọc qua các sách cổ, chúng ta luôn luôn cảm nhận được sự thần kỳ của chữ Hán, chỉ dùng vài dòng chữ ngắn ngủi là có thể gói gọn mấy ngàn năm thời không, tái hiện trí tuệ của cổ nhân về phương diện kinh tế tài chính, để người thời nay có thể thấy được tư tưởng cao cấp về tài chính kinh tế của con người cổ đại.
Mưu của năm vị Công Thần
Thời kỳ Xuân Thu, Tể tướng của nước Tề là Quản Trọng đã phụ tá Tề Hoàn Công dựng thành bá nghiệp. Tư tưởng trị thế của ông đã được ghi nhận lại trong cuốn “Quản Tử,” cuốn sách này đã ghi lại lượng lớn “khinh trọng chi mưu” (các mưu lớn nhỏ). Khinh trọng chi mưu tức là thông qua Vương quyền để can thiệp vào kinh tế, điều tiết sự lưu thông hàng hóa, tiền tệ và thị trường, cân bằng lợi ích của các giai tầng, đồng thời thông qua việc kìm hãm các nhà tài phiệt lũng đoạn thị trường, để bảo hộ quyền lợi của bách tính. Khinh trọng chi mưu của “Quản Tử” đã dung hợp một cách hoàn mỹ hoàn cảnh tự nhiên, tư tưởng kinh tế và đại cương triều chính của thời đó vào làm một.
Tề Hoàn Công muốn thành tựu bá nghiệp, cần phải thiết lập hàng loạt chính sách triều cương để hướng đến mục tiêu này, để đạt được dân giàu nước mạnh. Quản Trọng là Tể tướng của nước Tề, đã giúp đỡ Hoàn Công thi hành lượng lớn các chính sách kinh tế. Một hôm, Tề Hoàn Công nói với Quản Trọng rằng ông muốn thu thuế nhà ở. Quản Trọng đáp, như vậy không được, như thế là phá hủy nhà cửa. Hoàn Công lại hỏi có thể thu thuế nhân khẩu không? Quản Trọng đáp lại, cũng không được, như thế khác nào khiến người ta trói buộc bản thân và cấm dục (để không sinh đẻ nữa). Hoàn Công lại hỏi thu thuế súc vật và thuế cây cối thì thế nào? Quản Trọng cũng nói không được, không thể khiến cho người dân trong toàn quốc giết chết súc vật non nhỏ, chặt bỏ cây non được. Quản Trọng đưa ra cho Hoàn Công một chủ ý, kiến nghị Hoàn Công “thu thuế quỷ thần.”
Tề Hoàn Công mới nghe liền vô cùng mất hứng, làm sao có thể thu thuế quỷ thần đây? Quản Trọng thưa: “Thời kỳ Nghiêu Đế có năm vị Công Thần, ngày nay mọi người đều không cúng tế họ nữa. Chủ Quân ngài có thể ra luật, làm cho bách tính thờ cúng năm vị Công Thần này. Mùa xuân kính dâng hoa lan, ngày mùa thì tiến hành cúng tế; lấy cá sống phơi khô làm tế phẩm, lấy cá nhỏ làm các món ăn tế phẩm, thuế mà quốc gia thu được từ cá có thể lên đến gấp trăm lần, như vậy liền không cần lại thu các khoản tiền phạt, các loại trưng thu thuế nhân khẩu nữa. Nước Tề vừa tiến hành thờ cúng quỷ thần, lại vừa thúc đẩy phát triển giáo hóa lễ nghĩa. Tiền tài của Chủ Quân cũng đã sung túc phong phú, thì còn muốn thu lấy các khoản thuế khác từ người dân làm gì nữa chứ?”
Quản Trọng áp dụng đạo lý “Đại Đạo vô hình, sinh dục Thiên Địa” của Đạo gia, vận dụng vô cùng linh hoạt thuật khinh trọng. Vốn dĩ việc giáo hóa lễ nghĩa và thu lấy lợi ích là hai sự việc không liên quan với nhau, nhưng khi qua tay Quản Trọng lại dung hợp hai việc này lại làm một, không chỉ đạt được mục đích làm cho ngân khố quốc gia sung túc, mà còn làm cho tục lệ kính Trời, nhớ ơn Tổ tiên của xã hội được truyền thừa.
Kế Hành Sơn
Người hiện đại cho rằng cạnh tranh trong kinh doanh là loại chiến tranh cao cấp không hề có khói thuốc súng. Thông qua ngoại lực để can thiệp vào thị trường một cách có kế hoạch, thậm chí có thể đạt đến mức độ đánh đổ cả một quốc gia. Trong cuốn “Quản Tử,” cũng có ghi lại chuyện Quản Trọng dùng phương thức thương chiến không đánh mà thắng để hàng phục quốc gia khác.
Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng rằng, ông muốn tìm cách để thu phục nước Hành Sơn, vậy thì nên làm thế nào đây? Quản Trọng trả lời rằng: “Ngài có thể phái người đến nước Hành Sơn, thu mua binh khí của họ với giá cao. Hai nước Yến, Đại thấy vậy nhất định sẽ đi mua theo, mà hai nước Tần, Triệu ắt cũng tới tranh mua. Như vậy giá cả binh khí của Hành Sơn liền sẽ tăng gấp đôi. Nếu như tạo thành cục diện thiên hạ tranh giành mua, thì giá cả binh khí của Hành Sơn sẽ còn tăng lên gấp mười lần.”
Thế là Tề Hoàn Công phái người đến nước Hành Sơn thu mua binh khí, liền mua một mạch trong mười tháng. Hai nước Yến, Đại biết được cũng gấp gáp phái người đi mua. Nước Tần biết được các nước tranh mua binh khí của nước Hành Sơn, cũng phái người đến tranh mua. Lúc này vua của nước Hành Sơn vô cùng đắc ý, nhìn thấy các nước trong thiên hạ đều mua binh khí của nước mình, liền lệnh cho Tể tướng đem giá cả của binh khí nâng cao lên gấp hai mươi lần. Thấy nghề sản xuất binh khí một vốn lãi vạn như vậy, đã hấp dẫn người dân của nước Hành Sơn, người người đều nhao nhao bỏ nghề nông, mà tập trung đầu tư vào nghề chế tạo binh khí.
Trong khi thiên hạ tranh nhau mua binh khí của nước Hành Sơn, nước Tề lại phái Tập Bằng đến nước Triệu thu mua lương thực. Giá lương thực ở nước Triệu một thạch là 15 đồng, Tập Bằng lấy giá cao một thạch bằng 50 đồng để thu mua. Sau khi các nước nghe được, liền tranh nhau đem lương thực vận chuyển đến nước Tề bán. Nước Tề mua sắm binh khí, mua một mạch 17 tháng, lại mua lương thực suốt trong một năm. Sau đó đóng cửa ải, cắt đứt qua lại với nước Hành Sơn. Bởi vì toàn bộ binh khí của Hành Sơn đều bán cho các nước khác, nay đối mặt với đại quân của nước Tề áp sát biên giới, nước Hành Sơn vô lực chống đỡ, đành phải dâng nước đầu hàng cho Tề.
Quản Trọng chính là vận dụng “khinh trọng chi thuật” như thế, đã chiến thắng trong một trận chiến mà không hề có khói lửa, giúp Tề Hoàn Công thu phục một quốc gia. Chẳng trách được Thái Sử Công (Tư Mã Thiên) đã thốt lên rằng “Thiên hạ hi hi, giai vi lợi lai; thiên hạ nhương nhương, giai vi lợi vãng” (thiên hạ rộn ràng đều vì lợi mà đến; thiên hạ nhốn nháo đều vì lợi mà đi, ý nói cả thiên hạ đều chạy theo lợi), quả là một câu đã nói được hết thảy.
Kế cắt cành cây
Tề Hoàn Công thấy bách tính khắp nơi đều sống nghèo khổ, mặc áo rách đi giày nát, liền hỏi Quản Trọng, có biện pháp nào có thể làm cho giá cả vải vóc lụa là giảm xuống không? Quản Trọng thưa: “Vậy liền xin Chủ Quân hạ lệnh cho chặt bỏ các cành cây ven bên đường hết đi, chỉ cần chừa lại làm sao cho bóng mát chỉ khoảng vài tấc là được.”
Tề Hoàn Công cho truyền lệnh ấy xuống chưa đến một năm, bách tính khắp nơi liền có thể mặc quần áo lụa là, chân đi giày lành. Tề Hoàn Công không hiểu được cái lý trong đó, gọi Quản Trọng đến hỏi rốt cuộc là có chuyện gì. Quản Trọng nói: “Khi chưa chặt bỏ những cành cây bên ven đường, thì các mối quan hệ giữa các cô gái chàng trai vốn rất tốt, thường hẹn nhau đi chợ, sau khi phiên chợ tan thì họ lại gặp gỡ ở dưới tàng cây, tâm sự cả ngày cũng không muốn về nhà; những người nam nữ trung niên đẩy xe ngang qua, lại gặp gỡ nhau dưới bóng cây, cùng nhau vui đùa nhảy múa, cả ngày không muốn về nhà; các vị phụ lão cũng sẽ gặp nhau dưới bóng cây cùng nói chuyện trên trời dưới biển, cả ngày không muốn về nhà. Như vậy, đất đai bị bỏ hoang không người đi khai khẩn, người dân nhàn rỗi không gieo trồng ngũ cốc, không trồng dâu cũng không kéo tơ bóc kén, không đi dệt vải. Thử nghĩ xem, một gia đình liền có ba dạng người không muốn về nhà, thì giá cả của vải vóc lụa là có thể nào không đắt được đây?”
Đương nhiên, đồng thời với việc chặt bỏ cành cây, thì Quản Trọng cũng thông qua các cơ cấu quản lý nhân dân các cấp, đưa những người dân nhàn rỗi bố trí đến các vị trí công việc cho từng người. Người dân ai nấy đều tự chịu trách nhiệm về công việc của mình, chăm chỉ làm việc, như thế dân chúng tự nhiên là cơm no áo ấm, vấn đề giá cả hàng hóa liền theo đó mà giải quyết dễ dàng.
Kế sách “Kể công”
Trong thời gian chiến tranh Tranh Khưu, có bách tính vì trợ giúp quân nhu cho quốc gia, đã thông qua việc cho vay lấy lãi, để đóng thuế đóng góp các chi phí cho quốc gia. Sau khi chiến sự kết thúc, Tề Hoàn Công muốn khôi phục sản xuất của bách tính, nhưng không biết phải giải quyết như thế nào. Quản Trọng liền kiến nghị dùng phương pháp “Kể công,” tức là khen ngợi các phú hộ bỏ tiền ra cho vay ở các Châu quận, sơn cổng nhà và nâng cao bậc cửa bên trong nhà của họ. Người đứng đầu Châu cầm danh sách những người cho vay thông báo với các làng xã rằng: “Quốc Quân sẽ phái sứ giả đến dân gian bái phỏng những người này sớm thôi.”
Tề Hoàn Công lệnh cho 8 vị sứ giả mang các loại ngọc bích đến tặng cho những người đã cho vay, nói là tặng đồ ăn thức uống cho họ. Những người cho vay liền hỏi, vì sao chúng tôi có thể nhận được hậu lễ như thế này? Sứ giả nói: “Sắc lệnh của Quốc Quân nói như thế này: [Quả nhân thấy trong ‘Kinh Thi’ có viết: Khải đễ quân tử, dân chi phụ mẫu dã. Khi Quả Nhân gặp phải cuộc chiến Tranh Khưu, nghe nói các vị cho bách tính mượn tiền bạc, khiến cho bọn họ đáp ứng được yêu cầu của Quả Nhân, đúng hạn nộp lên. Từ đó làm cho dân của ta mùa xuân có thể gieo hạt, mùa hạ có thể cuốc cày làm cỏ, mới có thể cung cấp cho nhu cầu quốc gia, đây chính là công lao của các vị. Cho nên đem ngọc bích tặng cho các vị xem như một chút bù đắp. Các vị cũng giống như phụ mẫu của bách tính vậy].”
Những người cho vay này nghe được lời nói của Quốc Quân như vậy, liền hủy bỏ các khoản nợ, tiêu hủy các giấy ký nợ, hơn nữa còn lấy tiền tích góp và vật dụng của mình ra, cứu tế cho dân chúng nghèo khổ bệnh tật. Bởi vì có những phú hộ này lấy tài sản phân bố ra nhiều nơi, nên nguồn tiền trong nước tăng lên gấp đôi. Đây chính là tác dụng điều tiết của “kể công”!
(còn tiếp)
Do Li Jingcheng thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Xem thêm: