Mức độ tự do của Hồng Kông tiếp tục suy giảm, chỉ đạt 42 trên 100 điểm
Căn cứ vào mức điểm số không ngừng giảm sút về quyền tự do mà Freedom House, một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ cung cấp, có thể thấy các quyền chính trị và quyền tự do dân sự của Hồng Kông đang ngày càng xuống cấp. Trong báo cáo Quyền Tự do trên Thế giới năm 2023 (Freedom in the World 2023) mới nhất của Freedom House, điểm số về mức độ tự do của Hồng Kông chỉ là 42 trên 100.
Bản báo cáo mới nhất này đánh giá tình hình của Hồng Kông vào năm 2022. Hồng Kông được chấm 10 trên 40 cho “Quyền chính trị” và 32/60 cho “Tự do dân sự”, với tổng số điểm là 42. Chỉ số này vẫn nằm trong khung điểm của khu vực “tự do một phần”, với tổng số điểm chỉ thấp hơn một điểm so với năm trước. Nhìn lại năm trước (2021), Hồng Kông được 52 điểm. Đối với các năm khác, con số này là 55 điểm vào năm 2020, 59 điểm trong cả năm 2019 lẫn năm 2018, và 61 điểm trong báo cáo năm 2017.
Tổng điểm tự do của Hồng Kông đã giảm 25 điểm sau 16 năm
Trong báo cáo về mức độ tự do năm 2022, Hồng Kông đã giảm 9 điểm so với năm trước, đây là mức giảm cao thứ ba trên thế giới trong năm đó, chỉ đứng sau Myanmar, quốc gia trải qua một cuộc đảo chính quân sự và Afghanistan, quốc gia bị Taliban tiếp quản. “Freedom House” cũng cho biết rằng trong 15 năm qua cho đến năm 2022, tổng điểm của Hồng Kông trong báo cáo về mức độ tự do đã giảm từ 67 xuống 43, giảm tới 24 điểm. Năm nay chỉ số này lại giảm thêm một điểm nữa.
Báo cáo mới nhất năm 2023 có đề cập rằng sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia (NSL) ở Hồng Kông vào năm 2020, chính quyền đã bắt giữ các đại diện của phe ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Các cáo buộc hoặc những lời đe dọa đặt ra theo NSL đã buộc đóng cửa các hãng truyền thông tin tức độc lập lớn, các tổ chức phi chính phủ, và nghiệp đoàn. Báo cáo này cũng mô tả NSL như một phương tiện để mở đường cho Bắc Kinh cải tổ hệ thống bầu cử của Hồng Kông vào năm 2021, cho phép chính quyền xem xét các ứng cử viên và bảo đảm Bắc Kinh gần như kiểm soát hoàn toàn việc tuyển mộ nhân sự cho chính quyền Hồng Kông. Năm 2022, đặc khu trưởng lần đầu tiên được bầu theo hệ thống bầu cử mới.
Điểm số của nhiều tiểu mục trong báo cáo năm nay gần như tương đương với năm ngoái. Các mục bị chấm điểm 0 bao gồm liệu người đứng đầu chính phủ đương nhiệm có được bầu thông qua bầu cử tự do và công bằng hay không, liệu các đại diện lập pháp có được bầu thông qua bầu cử tự do và công bằng hay không, liệu luật và khuôn khổ bầu cử có công bằng hay không, liệu ủy ban bầu cử có công bằng không, liệu phe đối lập có không có cơ hội nhận được sự ủng hộ thông qua bầu cử hoặc sự tiếp cận với quyền lực hay không, và liệu chính sách của chính phủ có được một người đứng đầu chính phủ cùng các đại diện lập pháp quốc gia được bầu cử tự do quyết định hay không.
Điểm tự do tôn giáo giảm do các giáo hội tự kiểm duyệt
Điểm cho một trong các mục, “Liệu các cá nhân có thể tự do thực hành và thể hiện niềm tin tôn giáo của họ hoặc bày tỏ việc không có tín ngưỡng của họ ở những nơi công cộng và tư nhân hay không,” đã giảm một điểm so với bốn điểm tối đa của năm ngoái xuống còn ba điểm. Báo cáo trích dẫn bằng chứng cho thấy cuộc đàn áp sâu rộng hơn của chính quyền nhằm vào những người bất đồng chính kiến đã khiến một số tổ chức tôn giáo phải tự kiểm duyệt việc thuyết nói và các hoạt động tôn giáo khác của họ.
Xếp hạng này cũng đề cập đến vụ bắt giữ Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), Nguyên Giám mục của Giáo phận Công giáo Hồng Kông hồi năm ngoái. Tổ chức Freedom House đề cập rằng hồi đầu năm ngoái (2022), Đại Công Báo, phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo cáo buộc ông Trần Nhật Quân và những người khác ủng hộ phong trào dân chủ và phá hoại sự ổn định của Hồng Kông. Đến tháng Năm, Cảnh sát An ninh Quốc gia đã bắt giữ Hồng y Trần Nhật Quân vì lý do tham gia vào Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 (vào thời điểm đó, Cảnh sát An ninh Quốc gia đã buộc tội ông có “âm mưu câu kết với các thế lực ngoại quốc hoặc các thế lực bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”). Nhưng ông đã không bị buộc tội theo Luật An ninh Quốc gia mà thay vào đó ông bị kết án và bị phạt vì hoạt động như một tổ chức không ghi danh.
Với điểm số của tiểu mục về niềm tin tôn giáo bị giảm, mục duy nhất mà Hồng Kông giữ được điểm tối đa là “Liệu một cá nhân có được hưởng tự do xã hội cá nhân, trong đó có việc lựa chọn bạn đời và quy mô gia đình, được bảo vệ khỏi bạo lực gia đình, và được kiểm soát ngoại hình của mình, hay không.” Tuy nhiên, Freedom House nói thêm rằng vẫn chưa có luật nào ở Hồng Kông công nhận hôn nhân đồng giới hoặc chung sống dân sự (là hình thức chung sống có đăng ký cho các cặp đôi đồng giới, một hình thức gần tương tự như hôn nhân).
Washington Post từng đưa tin về việc tự kiểm duyệt của các giáo hội ở Hồng Kông
Washington Post đã đưa tin hồi tháng Năm năm ngoái (2022), sau khi phỏng vấn 18 mục sư và chuyên gia tôn giáo, rằng các nhà thờ ở Hồng Kông đã thực hiện chế độ tự kiểm duyệt và tránh bổ nhiệm những mục sư được xem là thể hiện quá nhiều lập trường chính trị. Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu của “Phong trào Đổi mới Giáo hội Hồng Kông”, cho thấy rằng hơn một phần ba các nhà thờ có xu hướng điều chỉnh nội dung bài nói của họ để đáp ứng với tình hình chính trị ở Hồng Kông. Mặt khác, các giáo sĩ ở Hồng Kông đang suy nghĩ lại về cách họ giảng thuyết, nhằm mục đích cân bằng tiếng nói của họ về các vấn đề công bằng xã hội với sự an toàn của nhà thờ và gia đình họ.
Báo cáo trích dẫn các tài liệu đề cập đến việc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp đã thông qua quy định chia nhà thờ thành các thực thể độc lập khác nhau tại cuộc họp chung thường niên vào cuối năm 2021. Báo cáo dẫn lời hai người am tường vấn đề này tiết lộ rằng hành động đó đã được thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn toàn bộ tổ chức này khỏi bị gián đoạn trong trường hợp chính quyền quyết định đóng băng tài sản của nhà thờ, dẫn đến sự sụp đổ của họ. Đồng thời, có thông tin cho rằng Giáo hội Tin lành Luther của Hồng Kông đã ban hành một bản ghi nhớ nội bộ nói rằng họ sẽ chỉ bổ nhiệm những mục sư không gây rắc rối với chính phủ.
Một mục sư ẩn danh được trích dẫn trong báo cáo nói rằng một số nhà lãnh đạo giáo hội sẽ không ra lệnh cho người nào bị xem là có vấn đề phải rời đi mà sẽ “nhắc nhở” và gây áp lực để (những) người đó tự động rời đi. Báo cáo này cũng đề cập rằng vào ngày 07/07/2020, một tuần sau khi NSL có hiệu lực, Đại Công Báo đã chỉ đích danh 20 thành viên giáo sĩ là “những người ủng hộ bạo động”. Ít nhất năm mục sư bộc trực, vì sợ bị bắt, đã rời Hồng Kông để đến Vương quốc Anh hoặc Đài Loan.
Mục sư Tiến sĩ Trần Vy An (John Chan Wai-on), Phó Giáo sư Khoa Thần học tại Viện Thánh Kinh Thần Học (Alliance Bible Seminary), đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng các mục sư đã ngừng thảo luận về chính trị trong các bài giảng của họ, và nhiều giáo hội đang hoạt động theo các cách thức khác nhau làm sao để “tất cả những quả trứng này sẽ không bị đổ bể cùng một lúc.”
Freedom House cho biết năm ngoái Hồng Kông đã trải qua ‘cuộc trấn áp tăng cường’
Tổ chức Freedom House cũng liệt kê các sự kiện quan trọng liên quan đến tự do của Hồng Kông trong năm 2022, trong đó có sự kiện ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) trở thành ứng cử viên duy nhất vượt qua vòng xét duyệt, tranh cử chức trưởng đặc khu và đắc cử; chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hồng Kông nhân dịp kỷ niệm 25 năm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, trong thời gian đó chính quyền Hồng Kông đã ngăn chặn các hoạt động biểu tình, còn một số hãng truyền thông quốc tế và địa phương thì không thể đưa tin về sự kiện này; cục trưởng Cục Tư pháp, ông Lâm Định Quốc (Paul Lam Ting-kwok), đã ra lệnh tiến hành xét xử không có bồi thẩm đoàn trong vụ án “47 người Hồng Kông”, và phiên tòa này đến cuối năm 2022 mới bắt đầu; 5 thành viên của Liên minh các Nhà trị liệu Ngôn ngữ Hồng Kông đã bị kết án vì xuất bản một bộ truyện tranh dành cho trẻ em. Bộ truyện gồm ba cuốn có nhan đề là Làng Cừu này đã bị chính quyền dán nhãn là có chứa nội dung “kích động nổi dậy.”
Tổ chức Freedom House đã đưa ra một bản tuyên bố với nhan đề “Tăng cường Trấn áp” vào đêm trước kỷ niệm 25 năm ngày giao chủ quyền của Hồng Kông hồi năm ngoái (2022). Chủ tịch Michael J. Abramowitz cho biết kể từ khi thông qua “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, cả chính quyền Hồng Kông lẫn ĐCSTQ đều đã tước đi các quyền căn bản được bảo đảm theo luật pháp địa phương và quốc tế của hàng triệu người Hồng Kông. Với việc hệ thống bầu cử bị phá hủy hoàn toàn, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị bắt giữ, các cơ quan truyền thông độc lập buộc phải đóng cửa, và nhiều hạn chế được áp đặt trên mạng Internet, tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy quyền tự do của người dân Hồng Kông đang bị bóp nghẹt.
Nie Law, Ying Cheung và Harry McKenny thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times