Một viện chính sách ủng hộ Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Thịnh Đốn — Chúng ta có nên lo ngại?
Các viện chính sách (think tank) cũng giống như vi khuẩn; chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Hoa Kỳ, nơi có số lượng các viện chính sách đông đảo nhất trên thế giới với 1,984 tổ chức. Tất nhiên, không phải tất cả các viện chính sách đều được tạo ra như nhau; một số tốt hơn những nơi khác. Nhưng mỗi viện chính sách được thiết lập để thúc đẩy một tập hợp các giá trị hoặc ý tưởng rất cụ thể. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có một viện chính sách ủng hộ Trung Quốc hoạt động ở Hoa Thịnh Đốn?
Trong số gần 2,000 viện chính sách ở Hoa Kỳ thì có đến 400 viện có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Trong số này, có một viện là Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ (ICAS). Viện được cho là độc lập này nhận phần lớn tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu Cảng thương mại Tự do Hải Nam ở Trung Quốc. Chúng tôi được biết, mục đích của quỹ đặc biệt này “là cam kết phát triển khoa học về tài nguyên Biển Đông, xây dựng chính quyền quốc gia và địa phương tại Biển Đông,” và cung cấp thông tin về “truyền thông, tổ chức phi chính phủ (NGO), ngăn ngừa xung đột, và các cơ chế giải quyết. ”
Nói cách khác, quỹ này nhằm hợp pháp hóa các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Bắc Kinh. Cơ quan hỗ trợ cho Quỹ Nghiên cứu Cảng thương mại Tự do Hải Nam là Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, một trung tâm nghiên cứu trực thuộc ĐCSTQ, lặp lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng lãnh hải tranh chấp này. Không có gì ngạc nhiên khi ICAS cũng ủng hộ vị thế gây tranh cãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở phía tây Thái Bình Dương.
Không thể nào nhấn mạnh cho đủ tầm quan trọng của Biển Đông, một ngã tư hàng hải trọng yếu đối với giao thương. Hiện tại, đây được cho là khu vực kinh tế quan trọng nhất trên thế giới, chiếm một phần ba thương mại hàng hải của thế giới.
Khi tôi viết bài báo này, Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông. Như chuyên gia địa chính trị Robert D. Kaplan đã cảnh báo trước đây, trận chiến giành giật Biển Đông có thể được chứng minh là “trận chiến quyết định của thế kỷ 21.”
Trong giai đoạn tốt đẹp nhất của một thập niên, ĐCSTQ đã tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Không kinh ngạc, những tuyên bố như vậy đã chọc giận những nước có quyền lợi khác xung quanh, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan.
Tại sao Bắc Kinh lại quan tâm đến Biển Đông đến vậy?
Ngoài việc là một cửa ngõ quan trọng cho thương mại hàng hải, Biển Đông có trữ lượng hàng tỷ thùng dầu và hàng ngàn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Trung Quốc đang áp bức các quốc gia khác trong khu vực, đồng thời lập ra một viện chính sách ở Hoa Thịnh Đốn để ủng hộ cho động cơ của họ.
Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang, liệu Hoa Kỳ có thể thực sự cho phép mở một viện chính sách do ĐCSTQ hậu thuẫn hoạt động tại thủ đô đất nước không?
Rốt cuộc, có rất nhiều lý do để tin rằng ĐCSTQ sử dụng các viện chính sách để tiến hành hoạt động gián điệp. Đầu năm nay, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc “trơ tráo hơn” bao giờ hết. Hơn nữa, Bắc Kinh đang hết sức cố gắng tạo ra các viện chính sách mang “đặc sắc Trung Quốc”, các viện có “ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.” Trung Quốc đang tích cực cố gắng thâm nhập vào các tổ chức có ảnh hưởng của phương Tây, tất cả với hy vọng kiểm soát được toàn bộ tình hình.
Trong một bài viết gần đây cho The Federalist, tôi đã chỉ ra nhiều cách mà Trung Quốc đã thâm nhập vào Hoa Kỳ, được cho là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Nhưng một siêu cường thực sự sẽ không bao giờ cho phép bản thân bị lật đổ một cách trắng trợn như vậy.
Điều này đưa chúng ta trở lại với ICAS. Các viện chính sách không chỉ ảnh hưởng đến chính sách công, mà chúng còn ảnh hưởng đến tâm trí của quần chúng. Các chính sách và ý tưởng bắt nguồn từ các viện chính sách thường thiên lệch. Hãy để tôi nói rõ hơn: có một viện chính sách của Trung Quốc hoạt động sau chiến tuyến của kẻ thù, quảng bá những ý tưởng và giá trị đối lập với những giá trị mà Hoa Kỳ tôn vinh. Như tác giả Nadeem Yaqub đã lưu ý hồi năm ngoái, các viện chính sách khuếch trương các quan điểm và chính sách của họ “thông qua lăng kính chính trị thiên vị”, vì vậy “việc biết ai đang chi tiền cho những ý tưởng đó là rất quan trọng.” Đúng vậy. Với ICAS, chúng tôi biết rõ ai là người chi tiền — ĐCSTQ.
Ý tưởng về một viện chính sách do Hoa Thịnh Đốn hậu thuẫn hoạt động ở Bắc Kinh nghe có vẻ phi lý. Đó là bởi vì thực tế là như thế. ĐCSTQ sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Vậy tại sao Hoa Kỳ lại dễ dãi với Trung Quốc? Tại sao Hoa Kỳ lại cho phép một viện chính sách liên kết với ĐCSTQ thành lập cơ sở ở Hoa Thịnh Đốn? Có một lằn ranh mỏng manh giữa thân mật và khinh suất. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải ghi nhớ điều này.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times