Một ly trà xanh trời đất mở, Trà đạo tịch mịch thấu nhân tâm
Trong một dịp tình cờ, tôi đọc được bài thơ “Sương nguyệt” của thi nhân đời Đường Lý Thương Ẩn:
“Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền,
Bách xích lâu cao thủy tiếp thiên.
Thanh nữ Tố nga câu nại lãnh,
Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.”
Tạm dịch:
“Thoảng nghe tiếng nhạn, giọng ve lơi,
Trăm thước lầu cao nước vỗ trời.
Thanh nữ Tố nga nào ngại lạnh,
Trong màn sương nguyệt sánh xinh tươi.”
(bản dịch của Lê Quang Trường)
Bài thơ khiến tôi nghĩ đến câu mà giáo viên dạy trà đạo thường nói: “Thứ trà này càng lên cao, càng thanh tỉnh thì lại càng cô tịch, cao xứ bất thắng hàn.” Lúc đó, tôi chỉ nương theo ánh mắt của thầy nhìn lên nóc quán trà, cũng không hiểu ý nghĩa của nó. Đọc bài thơ “Sương nguyệt” này dường như khiến tôi ngộ được ý nghĩa trong lời giảng của thầy. Trong lòng tôi đang nghĩ: “Trà ư, thú thưởng ngoạn này thật sự không dễ chơi đùa, không hề dễ chút nào.”
Nếu bạn muốn hiểu thầy dạy trà đạo đang nghĩ gì và tâm trạng thế nào, hãy bắt đầu nghe từ cuộc điện thoại này nhé. “Tiểu Thanh, muốn tới đây không?” Giọng điệu của thầy vẫn luôn bình tĩnh ôn hòa, nhất định là có trà ngon để uống rồi: “Thầy ơi, em sẽ tới ngay.” Khi đến quán, trà đã được pha xong rồi. Lông mày bạc trắng của thầy đang dựng lên, trông rất phấn khích: “Thử đi.” Tôi nhấp một ngụm nhỏ. “Thế nào?” “Hương vị này em chưa từng được nếm qua.” Thầy chậm rãi nói: “Nước trà này mềm mại như khí, khi uống vào, hương thơm ngọt ngào đọng lại trong cổ họng rất lâu, lỗ chân lông trên khắp cơ thể đều như nhoẻn cười.” Tôi đang ngửi dư hương từ đáy cốc, suy nghĩ một lúc và nhìn vào chiếc ấm đất sét đỏ đặt trên bàn: “Thầy ơi, thầy chưa dạy em loại trà này.” Giọng thầy vẫn nhẹ nhàng, chỉ vào chiếc ấm đất đang phủ đầy khói trắng: “Ngày mai chúng ta đi tìm vị trà sư già này.”
Đến thăm vị trà sư già và cảm ngộ về ảo diệu của tạo hóa
Chúng tôi đã đi một đoạn đường núi dài, vừa qua khúc cong lại đến chỗ ngoặt. Ven đường tràn ngập hoa cỏ đủ các sắc màu, vàng, trắng, tím, hồng xen lẫn. Hai con chim xanh đuổi theo gió. Những chiếc lá vàng khô rơi rụng tới tấp. Tôi bưng một bộ trà cụ đơn giản, tuy người đổ chút mồ hôi nhưng từng cơn gió mát mẻ thổi đến khiến tôi cảm thấy toàn thân dễ chịu. Lúc này thầy bắt đầu trò chuyện. Những điều thầy nói đều là điều tôi chưa từng được dạy trước đây. Tôi càng nghe càng thấy hứng thú.
“Xã hội thời thượng cổ là văn hóa nửa Thần nửa nhân, thuần khiết tự nhiên, vạn vật đều tươi đẹp, con người giao hòa cùng trời đất núi sông, kính sợ Thiên Địa, cảm thán sự thần kỳ của tạo hóa. Từ thời nhà Đường, mọi người đã ưa chuộng việc uống trà. Ngàn năm qua, trà đã đi sâu vào lòng người. Đến thời nhà Minh, trà đã trở nên phổ biến trong dân gian, được quảng bá rộng khắp, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả thế giới.” “Bây giờ ấy à”, thầy ngẩng đầu nhìn dãy núi xa xa, than khẽ: “Chỉ có thể chờ đợi Thiên Địa phục minh, vạn vật phục dục, chờ đợi đời sống thưởng trà ở kỷ nguyên mới tươi đẹp.” Tôi đặt ba lô xuống, rót một tách trà cho thầy. Thầy tìm một tảng đá lớn ngồi xuống, nhấp một ngụm trà rồi nói: “Uống trà này không khỏi nghĩ đến cây trà cổ thụ hoang dã. Trà vào bụng rồi, chỉ cảm thấy không đói cũng không khát, như thế đã đủ rồi.” Thật ra, tôi cũng không hiểu rõ đó là loại cảnh giới gì nên chỉ có thể gật đầu. Tôi nghĩ thầy chắc hẳn rất hài lòng với ấm trà này: “Nội hàm của trà đạo rất uyên thâm và huyền bí, cần phải tĩnh tâm tu hành mới có thể nhìn hết được toàn cảnh. Người uống trà thông qua quá trình vất vả và khó nhọc, ôm ấp tâm nguyện quay trở về với tự nhiên rộng lớn, thể hội sự ảo diệu của tạo hóa và sự mỹ hảo của Thần tính.”
“Thần của các thiên thể vũ trụ khác nhau đã an bài các loại trà và cách pha trà không giống nhau ở các triều đại, từ đơn giản đến phức tạp, vô cùng phong phú và có nhiều thay đổi. Là người uống trà, con nên có tấm lòng rộng mở và trí tuệ nhìn xa trông rộng, hiểu biết sâu sắc về vẻ đẹp của trà trải suốt nghìn năm lịch sử, mới có thể nhận biết được điểm kế thừa và phát huy.” Thầy vẫn nhìn về phía ngọn núi xa xa: “Lịch sử đã đến thời kỳ mạt pháp, trà ngon thượng phẩm cũng đã đi vào lịch sử.” Thầy trầm mặc vài giây, rồi chậm rãi nói: “Trà hiện đại đã thoát ly khỏi trà đạo chính thống, chẳng lẽ là bi kịch của thời đại mạt pháp mạt kiếp ư?”
Tôi bước chậm rãi cùng thầy. Thầy ngước mắt nhìn lên bầu trời, vạt áo bay trong gió. Thầy chỉ vào một cái cây to cao bên đường: “Đó là cây trà cổ thụ.” Tôi trân quý vuốt ve lớp vỏ xù xì, bước vòng lên trên và nhìn lên đỉnh núi. Một con diều hâu cánh trắng bay “vù vù” trên đỉnh đầu, ngôi nhà cổ đã sừng sững trước mặt. “Hoan nghênh, hoan nghênh.” Một ông già tóc trắng đứng trước cửa với nụ cười tươi và ấm áp. Thầy bước tới nắm tay ông lão nói: “Đã lâu không gặp, tinh thần của thầy vẫn tốt như vậy.”
Sau khi vào nhà, lão trà sư ngồi trước bàn, múc một muỗng trà từ trong bình đổ vào ấm. Lúc này thời gian chậm lại, râu trên miệng lão trà sư cũng bất động: “Đây là trà được sao từ lá của cây trà cổ thụ cao to ở lối vào đó. Năm nào cũng sao, ta quên là bao nhiêu năm rồi, nếm thử đi.” Thầy bưng ly trà lên mũi ngửi, thưởng thức nó một cách cẩn thận. Con gà trống lớn ngoài sân gáy vài tiếng cúc cu. Thầy nói: “Cây trà cổ thụ hoang dã này đượm sắc hương nồng nàn, uống vào khiến thân tâm thoải mái, nhất thời như được kết nối với trời đất. Quả thật mỗi lá như thuốc quý, thực sự là trà ngon.” Tôi cũng cung kính nâng ly trà, chậm rãi thưởng thức, phảng phất như đang ở trong năm dặm sương mù.
“Nếu thấy ngon, mọi người có thể tự mình làm.” Lão trà sư nói rồi xoay người đi vào phòng: “Lần sau quay lại nha.”
Cảnh giới trà đạo tại cao tầng, tịch mịch mà thơm ngát
Hôm đó, tôi nghĩ đến bài thơ “Đề thiền viện” của thi nhân Đỗ Mục:
“Quang thuyền nhất trạo bách phân không,
Thập tuế thanh xuân bất phụ công,
Kim nhật tấn ti thiền tháp bạn,
Trà yên khinh dương lạc hoa phong.”
Tạm dịch nghĩa:
“Thuyền chỉ có mái chèo, không có trăm chén rượu,
Tuổi trẻ mười năm tu hành không phụ ông.
Hôm nay mái tóc như tơ bên giường trong thiền phòng,
Khói trà nhẹ bốc lên theo gió thu.”
(Nguồn: “Toàn Đường tuyệt cú tuyển thích”, Lý Trường Lộ, Bắc Kinh xuất bản xã, 1995 (Thivien.net)