Một kiểu ‘tự cách ly xã hội’ ngay cả không trong dịch bệnh
Hikikomori là một hiện tượng xã hội Nhật mà người mắc hội chứng này có xu hướng tự cách ly bản thân trong bốn bức tường qua nhiều ngày tháng. Nhiều thanh niên từ 20 đến 30 tuổi, họ sống cùng bố mẹ, không giao tiếp xã hội, không đi học hay đi làm, phần lớn chỉ giao tiếp qua mạng xã hội. Có tới nửa triệu hikikomori sống ở Nhật Bản, và đây là một vấn đề lớn trong đất nước có số dân già ngày càng tăng nhưng lao động trẻ lại ít dần.
Thời báo Nhật Bản cho biết hikikomori lớn tuổi cũng rất đông. Giống như những người trẻ, nhiều người trong số họ bị trầm cảm, xấu hổ về địa vị xã hội, và sợ gặp gỡ những người quen thường hỏi tại sao họ thất nghiệp.
Hikikomori không phải chỉ là một hiện tượng của Nhật Bản
Báo cáo Tổng điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2017 cho thấy một thống kê đáng kinh ngạc liên quan đến những người trẻ tuổi và điều kiện sống của họ. Vào năm 2015, một phần ba người trưởng thành trong độ tuổi 18-35 vẫn sống cùng cha mẹ và khoảng 2,2 triệu người trẻ tuổi từ 25-34 không đi làm cũng không theo học trường nào. Năm 2016, con số này tiếp tục tăng.
Báo cáo này cho thấy những người trẻ tuổi đang mất nhiều thời gian hơn để trưởng thành so với thế hệ cha mẹ và ông bà của họ. Năm 2005, 35 tiểu bang Hoa Kỳ báo cáo rằng phần lớn thanh niên sống tự lập; 10 năm sau, chỉ còn sáu tiểu bang.
Từ năm 1975 đến 2016, số phụ nữ trẻ được coi là nội trợ đã giảm từ 43% xuống 14%. Báo cáo này tiết lộ rằng nhiều người trẻ tuổi coi giáo dục và làm việc là dấu ấn quan trọng của tuổi trưởng thành. Đồng thời hơn một nửa tin rằng kết hôn và sinh con không liên quan gì đến việc trở thành người lớn.
Những người sống với cha mẹ nhưng không làm việc hay đi học thì sao?
Trong cuốn sách “Failure to Launch: Why Your Twenty Something Hasn’t Grown Up” (tạm dịch: Thất bại: Tuổi 20 Sao Bạn Chưa Trưởng thành), nhà tâm lý học lâm sàng Mark McConville giới thiệu với chúng ta rất nhiều người trẻ đang loay hoay với quá trình chuyển tiếp từ thiếu niên sang trưởng thành.
McConville tin rằng những người trẻ tuổi này thất bại trong ba phương diện. Họ thiếu ý thức; họ thiếu kỹ năng tự quản lý để chịu trách nhiệm về cuộc sống; và họ thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết để giao tiếp với người khác. McConville cũng cho độc giả những lời khuyên trong việc giúp thanh thiếu niên chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành.
Gần cuối sách, trong bức thư gửi trực tiếp đến người trẻ chứ không phải cha mẹ họ, McConville viết: “Trở thành người lớn khó hơn chúng ta tưởng tượng, và khó khăn hơn nhiều so với lời ai đó nói với bạn khi còn ở trung học. Bạn là một con người, và đây là con đường quanh co dẫn chúng ta đến tương lai kỳ lạ, dở dang, nhưng hài lòng của mình”.
Tất cả những người trẻ tuổi của chúng ta có thể thu được chút gì đó từ việc đọc những suy tư của McConville.
Các thông tin trên cho thấy hai điểm đáng lo ngại.
Đầu tiên là những người trẻ sống ở nhà nhưng không đi làm cũng không đi học. Giống như tình yêu, công việc (thậm chí là công việc cực nhọc) cũng góp phần đem đến những điều tốt đẹp hơn và sẽ đem lại sự hài lòng cá nhân. Không làm việc, thậm chí cả những việc nhỏ sẽ lấy đi cảm giác thấy bản thân hữu ích, có đóng góp, kết nối với một doanh nghiệp lớn hơn, thay vì chỉ có bản thân đơn độc.
Trong bài đăng trên tờ Thời báo Nhật Bản, chúng tôi gặp một người đàn ông lớn tuổi sống ẩn dật với người mẹ già của mình. Một mình bà vật lộn làm tất cả công việc gia đình, người con trai không giúp mẹ một chút nào; mà dựa vào các nhân viên chính phủ đến nhà để làm các công việc nặng nhọc cho bà lão.
Khó khăn hơn nữa là giới trẻ thất bại trong việc gắn sự trưởng thành với hôn nhân và gia đình. Hầu hết, họ đều có lòng tự tôn quá lớn, mong muốn đạt được lợi ích cá nhân – một nền giáo dục vững chắc và công việc lương cao – nhưng không sẵn sàng mở rộng định nghĩa tuổi trưởng thành với trách nhiệm, gánh nặng, và niềm vui từ việc trở thành vợ/chồng và cha mẹ.
Sự coi nhẹ hôn nhân gia đình có nhiều nguyên nhân như sợ sự cam kết, không tìm được người bạn đời phù hợp, không có khả năng hỗ trợ gia đình, nhưng điều này để lại những hậu quả. Sinh suất ở đa số các quốc gia là 2,1. Trong khi đó tại Nhật Bản, sinh suất chỉ ở mức khoảng 1,44 trẻ/phụ nữ. Tình trạng lâu dài này ám ảnh người Nhật vì nhóm dân số già sẽ nhận hỗ trợ ngày càng ít từ nhóm trẻ. Mặc dù tình hình ở Hoa Kỳ ít thảm khốc hơn, nhưng sinh xuất cũng đang sụt giảm nhiều năm qua. Trong năm 2016, mức sinh đã dao động trong khoảng 1,8 ca.
Hôn nhân và nuôi con là những dấu ấn chính của tuổi trưởng thành. Rất nhiều người trẻ tuổi trong chúng ta coi việc đó không quan trọng; điều đó nói lên nhiều khía cạnh về hôn nhân cũng như cuộc sống gia đình trong văn hóa của chúng ta.
Người Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi những cậu ấm, cô chiêu 30 tuổi vẫn dựa vào gia đình, thiếu khả năng tự lập, hoặc sợ nghĩa vụ làm người trong xã hội.
Với tất cả hikikomori chúng ta, nếu bạn bị trầm cảm, hãy tìm tư vấn. Nếu bạn cảm thấy lạc lối, hãy nhờ giúp đỡ. Đặt các thiết bị điện tử xuống, hãy bước ra ngoài và gắn kết với thế giới.
My My