Một bước ngoặt
Các luật phá thai của Mississippi và Texas hiện đang chờ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ giải quyết đo lường lương tâm của nước Mỹ và việc quốc gia này có dũng cảm đứng ra bảo vệ những sinh linh yếu đuối nhất của nhân loại.
“Hỡi các công dân, chúng ta không thể thoát khỏi lịch sử. Chúng ta … sẽ được nhớ đến bất kể chúng ta là ai. Không có cá nhân trọng yếu, hay không trọng yếu nào, có thể chối bỏ người này hay người khác trong chúng ta. Khi trải qua những thử thách khốc liệt, chúng ta sẽ được soi tỏ, là danh dự hay là sự sỉ nhục, đối với thế hệ [mai sau].” – Abraham Lincoln.
Trong suốt quá trình lịch sử nhân loại, từng có những bước ngoặt có thể nhận thấy được trong gia đình loài người đã hiệu chỉnh lại quỹ đạo của toàn bộ thế giới. Hẳn nhiên, Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ là một trong những bước ngoặt rõ ràng đó. Ngài Thomas Jefferson đã nói rõ mục đích của toàn bộ bản tuyên ngôn khi nói rằng, “Chăm lo cho cuộc sống con người và hạnh phúc của họ, chứ không phải phá hoại nó, là mục đích chính đáng đầu tiên và duy nhất của chính phủ tử tế”.
Theo án lệ đáng hổ thẹn Roe kiện Wade năm 1973, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố thường không được chú ý tới trong đó đã từ chối công nhận đặc tính con người hiển nhiên của một đứa trẻ chưa được chào đời: “Chúng ta không cần giải quyết câu hỏi khó về việc khi nào sự sống bắt đầu… Tại thời điểm này trong sự phát triển của tri thức nhân loại, đoàn thẩm phán không có khả năng suy đoán câu trả lời”.
Tòa án này đã né tránh giải quyết câu hỏi rất trọng tâm và cốt lõi mà nước Mỹ giờ đây phải đối mặt. Phá thai có cướp đi sinh mệnh của một người vô tội không? Nếu như không phải cướp đi sinh mệnh con người thì những người ủng hộ việc phá thai đã đúng, vì phá thai đơn giản chỉ là một cuộc phẫu thuật thông thường không liên quan gì đến đạo đức. Còn nếu việc phá thai thực sự cướp đi sự sống của một đứa trẻ, vậy thì nước Mỹ, vùng đất của tự do và quê hương của những con người dũng cảm, phát hiện ra chính các nền tảng của mình bị ngập trong máu oan của hơn 60 triệu trẻ em vô tội và vĩnh viễn không được chào đời của quốc gia này.
Nếu quả thực Tòa án xử vụ Roe đã đúng khi tuyên bố một cách vô liêm sỉ rằng Hiến pháp Hoa Kỳ không nói gì đến quyền của những đứa trẻ chưa chào đời, thì hướng dẫn duy nhất còn lại của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ rõ ra ai sẽ được trao quyền để xác định các quyền của những người chưa được sinh ra là Tu chính án thứ 10 trao quyền một cách rạch ròi cho các tiểu bang hành động trong trường hợp Hiến pháp “không nhắc đến”.
Kể từ án lệ Roe, bản đồ toàn bộ bộ gene của con người đã được lập, cùng với sự xuất hiện của DNA loài người được khớp nối hoàn chỉnh và toàn bộ cấu trúc nhiễm sắc thể người đã được xác nhận có ở giai đoạn hình thành sớm nhất của những đứa trẻ chưa sinh. Bằng cách sử dụng các máy MRI và máy điện toán lớn, giờ đây chúng ta có thể theo dõi và dựng mô hình 3D những hình ảnh trái tim đang đập theo thời gian thực của thai nhi.
Hiện tại, chúng ta có thể thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ, và chúng ta sử dụng phương pháp gây mê trong những ca phẫu thuật đó vì kiến thức đã được kiểm chứng cho thấy thai nhi đã phát triển khả năng cảm thấy đau khi đến khoảng nửa thai kỳ bình thường.
Các phòng khám nhỏ với những cái tên như “Gặp gỡ Bé con của Bạn” hay “Lần gặp đầu với Bé” giờ đang xuất hiện ở các trung tâm mua sắm thương mại sử dụng sóng siêu âm 3D và 4D để cung cấp các đĩa DVD độ phân giải cao cho thấy chi tiết về biểu cảm trên khuôn mặt đứa bé cùng cơ thể và tay chân nhỏ xíu đã hình thành hoàn hảo để các bậc cha mẹ mang về nhà. Cũng chính công nghệ này đã ghi lại những hình ảnh của thai nhi đang cố gắng vô ích một cách tuyệt vọng để né tránh những dụng cụ phẫu thuật trong quá trình bị phá thai.
Chỉ hai năm sau khi Hoa Kỳ lập quốc, hình phạt kéo phanh thây tứ phần tàn khốc và hiếm hoi dành cho những kẻ thậm chí là xấu xa nhất trong tất cả các tội phạm đã bị cấm ở quốc gia này. Tuy nhiên vào năm 2021 tại nước Mỹ, có một thực tế thường xuyên là hằng ngày, bằng các phương pháp phá thai phổ biến có tên là Nong và Nạo, những đứa trẻ còn trong bụng mẹ, có khả năng cảm nhận sự đau đớn, bất lực trong giai đoạn cuối thai kỳ bị phanh thây tứ phần một cách hợp pháp và tàn bạo mà không cần gây mê. Nó [hình phạt nói trên] xảy ra một lần nữa trong thời đại này.
Một số trong những đứa bé này đã khóc và la hét khi bị tước đi sự sống, nhưng vì âm thanh được truyền qua nước ối chứ không phải qua không khí, nên chúng ta không thể nghe thấy.
Sự đau đớn của những đứa trẻ này là rất rõ ràng và rất trực tiếp. Kiến thức của chúng ta đã mở mang nhiều qua nhiều năm kể từ vụ Roe kiện Wade. Chúng ta không thể phớt lờ đặc tính con người của những đứa trẻ chưa được sinh ra và sự vô nhân đạo của những việc đã làm với chúng nữa.
Việc cho phép các phòng khám phá thai cắt bỏ những đứa con trai và con gái nhỏ bé đang sống của họ không giải thoát cho những người mẹ, rốt cuộc nó chỉ khiến họ khám phá ra một sự thật kinh hoàng và một nỗi mất mát khôn tả.
Đã đến thời điểm cho một bước ngoặt khác ở nước Mỹ.
Tổng thống Abraham Lincoln từng nói, “Những người từ chối trao tự do cho người khác thì không xứng đáng có được tự do cho bản thân; và dưới một Đức Chúa Trời công bình, không thể duy trì điều đó lâu dài”.
Quyết định của Tối cao Pháp viện trong vụ Dred Scott và những điểm tương đồng giữa chế độ nô lệ và việc phá thai theo nhu cầu được trích dẫn thường xuyên đến mức tất cả chúng ta dễ dàng quên rằng động lực của hai vấn đề này thực sự hết sức tương đồng đến mức nào. Rõ ràng là, giống như vụ Roe, vụ Dred Scott nhân danh tự do đã ngang nhiên phớt lờ nhân tính của những nạn nhân vô tội. Việc này gần như đã hủy hoại Tối cao Pháp viện, và những dấu tích của nó ngày nay vẫn còn in sâu trong vụ Roe kiện Wade.
Trẻ em người Mỹ gốc Phi Châu có nguy cơ bị phá thai cao gấp ba lần so với trẻ em da trắng, và chỉ tính từ năm 1973, hơn 20 triệu trẻ em người Mỹ gốc Phi Châu đã bị sát hại do phá thai. Bà Alveda King, cháu gái của tượng đài nhân quyền, Martin Luther King Jr, đã viết, “Không có nhóm sắc tộc nào ở Hoa Kỳ trong lịch sử và hiện tại lại … bị áp đặt một cách hợp pháp phải chịu sự phân biệt đối xử có chủ ý, sự mất nhân tính, sự tra tấn, sự cắt bỏ và cái chết đầy đau đớn hơn những đứa trẻ người Mỹ gốc Phi Châu”.
[Tổng thống] Lincoln đã kêu gọi tất cả chúng ta phải luôn nhớ đến những bậc Tổ Phụ Lập Quốc của nước Mỹ và “niềm tin được khai sáng của họ [rằng] không ai được tạo ra từ hình hài của Chúa được gửi đến thế giới này để bị chà đạp, và bị hủy hoại, rồi bị làm cho mất hết nhân tính bởi những đồng loại của mình.” Ông đã nhắc nhở “hậu thế” (thưa quý vị, đó chính là mỗi một người trong chúng ta ngày hôm nay) rằng “khi trong tương lai xa xôi, người nào đó, phe phái nào đó, lợi ích nào đó sẽ thiết lập một học thuyết khiến [một số người] không được hưởng quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì hậu thế của họ một lần nữa sẽ nhìn vào bản Tuyên ngôn Độc lập và lấy dũng khí để thực hiện lại cuộc chiến mà cha ông của họ đã khởi đầu.”
Vì tất cả những người đã thành lập nên quốc gia này và đã mơ ước về một nước Mỹ rồi đây có thể trở thành, và vì những người đã âm thầm hy sinh để người Mỹ có thể bước đi trong ánh sáng của tự do cùng với mơ ước đó còn mãi trong tim: Chúng tôi khẩn nài Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hãy “can đảm thực hiện lại cuộc chiến mà cha ông họ đã khởi xướng” để hết sức suy xét đến những nạn nhân nhỏ bé này đang “bị chà đạp … bị hủy hoại, rồi bị làm cho mất hết nhân tính” bởi “đồng loại” của họ; để vượt lên trên tính đúng đắn chính trị và sự ngu muội không thể khắc phục được của thời đại ngày nay, để tìm lại Hiến pháp, lịch sử nhân loại, và chính con người họ để khám phá lại sự thật quan trọng vượt thời gian và không tả xiết rằng tất cả chúng ta, thậm chí cả những người nhỏ bé nhất và bất lực nhất trong tất cả chúng ta, vẫn được sinh ra [có quyền] bình đẳng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Dân biểu Trent Franks đã phục vụ 15 năm trong Quốc hội Hoa Kỳ và là đồng chủ tịch của Cuộc họp kín Ủng hộ Sự sống của Quốc hội.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: