Một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thu hoạch nội tạng mà ĐCSTQ có thể rất vừa lòng
Mỗi năm trong 26 năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập ngắn gọn đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức nghiêm trọng ở Trung Quốc trong các báo cáo nhân quyền quốc tế thường niên được quốc hội ủy quyền.
Chương về Trung Quốc năm nay có một tiểu mục mới, có nhan đề “Thu hoạch Nội tạng”, hứa hẹn cuối cùng sẽ đưa ra một số thông tin chắc chắn về hàng núi tài liệu nay đã chất chồng về hành động tàn bạo này.
Nhưng hóa ra, nhan đề mới chỉ là một lời hứa suông. Những lời tường thuật về nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc trong báo cáo này sơ sài và thưa thớt hơn bao giờ hết. Với vỏn vẹn hai câu, tiểu mục mới này đã xem nhẹ phần bổ sung mới duy nhất mà bản báo cáo này muốn đề cập đến và bỏ qua những phát hiện quan trọng từ các báo cáo năm trước.
Toàn bộ tiểu mục “Thu hoạch Nội tạng” mới của Bộ Ngoại giao viết rằng:
“Một số nhà hoạt động và tổ chức đã cáo buộc chính quyền này thu hoạch nội tạng một cách cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm, trong đó có những người tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh như các học viên Pháp Luân Công và những người Hồi giáo bị giam giữ ở Tân Cương. Hồi tháng Sáu, một số chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự lo ngại liên quan đến các cáo buộc thu hoạch nội tạng ‘nhắm vào các nhóm thiểu số, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đang bị giam giữ ở Trung Quốc.’”
Câu đầu tiên được lấy từ báo cáo năm ngoái. Tuy nhiên, nó đã bị giảm bớt tính trọng yếu do bỏ sót thông tin đi thẳng vào vấn đề như được báo cáo trước đây, chẳng hạn như chính quyền Tân Cương đã thu thập dữ liệu sinh trắc học từ những người Hồi giáo bị giam giữ, bao gồm “dấu vân tay, quét mống mắt và nhóm máu”, tất cả các thủ tục cần thiết để tìm các cơ quan [nội tạng] phù hợp phục vụ cho các ca phẫu thuật cấy ghép thành công.
Hơn nữa, báo cáo năm 2022 đã nêu bằng chứng là những lời buộc tội gián tiếp từ “các nhà hoạt động và tổ chức” mà không có nêu tên họ, trong khi vào năm 2021, bằng chứng được trình bày thuyết phục hơn như là lời khai từ những người sống sót từ các trại giam giữ.
Một cựu tù nhân Tân Cương, một tín đồ Cơ Đốc giáo được giải cứu gần đây với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao và Tổ chức Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, nói với tôi rằng ông cũng đã được lấy mẫu máu và kiểm tra tim. Trong nhiều thập niên, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công sống sót sau khi bị giam giữ đã đưa ra những báo cáo tương tự.
Báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại giao có một lời kể đáng chú ý khác của nhân chứng sống sót mà báo cáo năm nay đã bỏ qua, đó là “những thanh niên trẻ tuổi khỏe mạnh sẽ không bị đánh đập tra tấn như những tù nhân khác và được kiểm tra sức khỏe … trước khi biến mất.”
Báo cáo đó cũng trích dẫn thêm những nguồn tin thuyết phục khác, trong đó có “các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu nhân quyền”, những người đã chứng thực sự tàn bạo và đặt nghi vấn về “bản chất tự nguyện của hệ thống, tính chính xác của số liệu thống kê chính thức, và các tuyên bố chính thức về nguồn nội tạng.”
Bộ Ngoại giao không đưa ra phát hiện nào của chính cơ quan này trong bản báo cáo về Trung Quốc năm 2022, mặc dù họ đã làm như vậy trong các báo cáo từ năm 2001 đến năm 2006. Những bản báo cáo đó khẳng định rõ ràng rằng “không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về số ca cấy ghép nội tạng đã được thực hiện bằng cách sử dụng nội tạng từ các tù nhân bị tử hình” và thậm chí đã kết luận trong báo cáo năm 2004 rằng đó là “một con số đáng kể”.
Việc thiếu dữ liệu chính thức đáng tin cậy về nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép của Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem các yếu tố quan trọng của dữ liệu này là bí mật an ninh quốc gia, nhưng báo cáo năm 2022 không còn đưa ra lời khẳng định này nữa.
Bất chấp những tài liệu nêu thông tin một cách chi tiết ngược lại do cố thành viên Quốc hội Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo Ethan Gutmann cung cấp từ năm 2006 đến năm 2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra phát hiện chung chung và không xác đáng trong báo cáo năm 2018 của mình rằng “vào tháng 01/2015 chính phủ [Trung Quốc] đã chính thức chấm dứt hành động thu hoạch nội tạng không tự nguyện của những tù nhân bị tử hình để phục vụ cho cấy ghép, đã diễn ra lâu nay.”
Nguồn tin của Bộ Ngoại giao về tuyên bố này là từ ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), người được Bộ Ngoại giao nhận định là một cựu bộ trưởng y tế, nhưng cũng là thành viên lâu năm của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ (xem Carnegie Endowment for International Peace’s ChinaVitae.com).
Ông Hoàng cũng được trích dẫn một cách đầy uy quyền trong bản báo cáo năm 2018, nói rằng Bắc Kinh “không khoan nhượng” đối với việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức và, trong các báo cáo của Bộ Ngoại giao từ năm 2010 đến năm 2015, mỗi năm đều hứa hẹn rằng sắp có những cải tổ về thu hoạch nội tạng.
Các báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 và năm 2017 đã nêu lên những nghi ngờ về độ tin cậy của dữ liệu Trung Quốc trước lời khẳng định rõ ràng trong báo cáo của năm 2018 — được coi như phát hiện riêng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, theo một cách thật đáng kinh ngạc — rằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã chính thức bị chấm dứt. Những lời khẳng định của ông Hoàng về cải tổ cần được xem như là một lời tuyên truyền trần trụi như nó vốn có.
Báo cáo năm 2020 có nêu lên một phát hiện rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc về nguồn cung cấp nội tạng đã bị “làm giả”, dựa trên thống kê pháp y của học giả người Úc Matthew Robertson trong một nghiên cứu của Tổ chức Nạn nhân Cộng sản.
Kết luận tương tự cũng được đưa ra vào năm đó trong phán quyết của Tòa án Luận tội Trung Quốc độc lập và uy tín, do luật gia nổi tiếng người Anh – ngài Geoffrey Nice (công tố viên chính của phiên tòa xét xử Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế) – làm chủ tọa. Tòa án này nói thêm rằng có một “sự chênh lệch khó hiểu” giữa dữ liệu của bệnh viện về các ca cấy ghép hàng năm và số lượng người hiến tạng tình nguyện đủ điều kiện do Bắc Kinh báo cáo.
Cả hai nghiên cứu quan trọng này đều không được đề cập trong báo cáo năm 2022 của Bộ Ngoại giao, ngay cả khi những tuyên bố của ĐCSTQ đã được Bộ Ngoại giao lặp lại năm này qua năm khác.
Câu thứ hai và cũng là câu cuối cùng của phần “Thu hoạch Nội tạng” trong bản báo cáo đề cập đến “các cáo buộc” khiến “một số chuyên gia Liên Hiệp Quốc” lo ngại. Điều không được nhắc đến ở đây là tuyên bố này chỉ ra một hành động phi thường, có sức nặng đáng kể. Tuyên bố được ký bởi hàng chục chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc đến từ nhiều khu vực khác nhau, chuyên về nhiều lĩnh vực nhân quyền và, và đặc biệt là, làm việc độc lập với chính phủ của họ.
Việc họ cùng nhau gióng lên hồi chuông báo động đã thể hiện một sự khác biệt đáng kể so với các quy trình thông thường của Liên Hiệp Quốc.
Họ trích dẫn lời khai của nhân chứng mà họ thấy “đáng tin cậy”, bao gồm cả việc lấy mẫu máu và đánh giá nội tạng phù hợp với quy trình cấy ghép nội tạng từ những người bị giam giữ không phải là tử tù mà chỉ thuộc các nhóm thiểu số tôn giáo khác nhau. Bộ Ngoại giao không đưa ra bình luận nào về những tiết lộ quan trọng này.
Báo cáo năm nay là báo cáo đầu tiên được soạn thảo dưới thời chính phủ Tổng thống Biden. Lời tường thuật về nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc bị bịt miệng một cách khó hiểu dường như nhằm mục đích xoa dịu ĐCSTQ, vốn đã rất nỗ lực che giấu sự thật về hoạt động gây kinh hoàng này và tức tối phủ nhận rằng nó vẫn tiếp diễn.
Điều này cũng có thể nhằm ngăn chặn trước một sáng kiến quan trọng của quốc hội, Đạo luật Ngừng Lạm dụng Cấy ghép năm 2021, do Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) đệ trình với sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hạ viện và Thượng viện.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Nina Shea là một thành viên cao cấp và là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson. Trong mười hai năm, bà từng là một ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ. Là một luật sư nhân quyền quốc tế với hơn 30 năm kinh nghiệm, bà Shea đặc trách về vấn đề học bổng và đề xướng các chính sách về thúc đẩy tự do tôn giáo cá nhân và các vấn đề về nhân quyền khác trong lĩnh vực ngoại giao của Hoa Kỳ. Bà vận động rộng rãi trong việc bảo vệ những người bị bức hại vì niềm tin tôn giáo, chính tín và nhân danh các biện pháp ngoại giao để chấm dứt đàn áp và bạo lực tôn giáo ở ngoại quốc, cho dù là từ các tổ chức nhà nước hay các nhóm cực đoan.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: