Mọi người đang ở đâu?
Hiện nay có quá nhiều bất ổn tài chính, xung đột chính trị và bạo lực một cách ngẫu nhiên.
Làn sóng phẫn nộ bùng phát khi chúng ta cảm thấy bức xúc do sự cô lập kéo dài gây ra bởi đại dịch COVID-19. Đã xảy ra những cuộc biểu tình đòi quyền công dân, lan rộng sau sự thiệt mạng của người Mỹ gốc Phi Breonna Taylor ở Louisville, Kentucky và George Floyd ở Minneapolis, và tiếp tục âm ỉ cho đến bây giờ. Sau đó là những trận cháy rừng kinh hoàng ở miền Tây, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, và hàng nghìn người mất nhà cửa. Tất nhiên, thêm vào đó là sự bất mãn trong thời gian dài đối với những người ở Tòa Bạch Ốc.
Có vẻ như tất cả những gì chúng ta nghe được từ các phương tiện truyền thông là SỰ BỨC XÚC. Bi kịch và bê bối cần được phải quy trách nhiệm cho một người nào đó, và khi các vụ việc cùng bị trộn lẫn lại, các chi tiết của chúng sẽ được tường thuật một cách mâu thuẫn khiến người dân không biết phải tin vào cái gì.
Sự chia rẽ giữa hai đảng và giữa các khu vực càng trở nên phân cách và nguy hiểm hơn. Những cuộc bạo loạn đổ máu dưới danh nghĩa công bằng xã hội vẫn tiếp diễn. Một số người bị “ném đá” vì nói hay bình luận sai, nhưng thế nào là “nhận thức đúng” thì lại thay đổi hàng ngày. Cũng không có gì ngạc nhiên khi chúng ta còn không thể thống nhất được những cách thức tốt nhất để chống lại đại dịch và đảm bảo an toàn cho người dân.
Liệu đây có phải là tương lai của chúng ta?
Đây là một câu hỏi nghiêm túc nhất. Mọi người đang ở đâu? Đâu rồi những giọng nói điềm tĩnh khi mọi người tranh luận để tìm ra cách thức tốt hơn? Đâu rồi những vị phụ huynh, ông bà, chủ doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn lớn, những nhà sư phạm và những người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật? Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý học, sử gia và các nhà khoa học xã hội, vốn là những người đã nghiên cứu về phân hoá xã hội, những người hòa giải, và những người có tư tưởng lớn? Phải có cách để những ai nghĩ là một nền cộng hòa hòa bình là xứng đáng và quan trọng để cùng nhau hàn gắn lại quốc gia. Phải có những nhà lãnh đạo thực sự có khả năng, để có thể đưa chúng ta thoát khỏi bờ vực hiện tại.
Từ trong tâm của mình, tôi biết rằng đa số người dân Hoa Kỳ không muốn đất nước chúng ta đi vào con đường hỗn loạn như bây giờ. Vậy tại sao số đông đó không đứng lên và lên tiếng? Hay là vì mọi người bận rộn với việc đối phó với COVID-19? Hay là vì chúng ta đã mất định hướng và động lực để có thể nhận ra những vết thương mưng mủ đang phát triển trong lòng xã hội của chúng ta? Trong sâu thẳm, chúng ta phải ý thức được một đất nước hạnh phúc và phát triển là di sản quan trọng nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cháu sau này.
Gần đây, tôi biết đến một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Braver Angels (Những Thiên thần Can đảm hơn), còn được gọi trước đó là Better Angels (Những Thiên thần Tốt hơn), để tỏ lòng biết ơn đến Tổng thống Abraham Lincoln, với những thách thức mà ông đã gặp phải trong quá trình đưa đất nước trở về với “những [giá trị] thiên thần tốt đẹp trong bản chất của chúng ta” (the better angels of our nature). Đây là phong trào xã hội lớn nhất với mục đích đoàn kết những người dân Hoa Kỳ ở cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, trong một mối quan hệ hợp tác [và từng bước hòa giải], nhằm cố gắng “giảm phân cực” xã hội.
Trang web của tổ chức tuyên bố, “Chúng tôi cố gắng để hiểu quan điểm của phía bên kia, ngay cả khi chúng tôi không đồng ý với điều đó… Chúng tôi phối hợp cùng những người bất đồng quan điểm, tìm kiếm những điểm chung và cách để làm việc cùng nhau.”
Thật là một ý tưởng hay! Đưa tất cả các bên cùng ngồi lại với nhau và tìm cách chỉnh lại con tàu quốc gia đang chìm dần này. Tôi tự hỏi liệu các nhóm như Black Lives Matter (BLM, Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) có cân nhắc tham gia cùng các nỗ lực của Braver Angels hay không? Không có khả năng. Một số tiếng nói lớn nhất, và cũng là cứng rắn nhất, rõ ràng không quan tâm đến việc đối thoại hay thỏa hiệp. Đối với họ, các yêu cầu cần phải được đáp ứng, cho dù chúng có vô lý đến đâu.
Với môi trường chính trị độc hại như hiện tại, Bravers Angles nhắc nhở chúng ta rằng nó đã bắt đầu từ hơn hai thập kỷ trước. Trên website của nhóm viết, “Nói cách khác, sự trượt dốc trong môi trường chính trị Hoa Kỳ là một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu, trước khi xuất hiện Donald Trump, Hillary Clinton và cuộc bầu cử năm 2016.”
Như vậy thì, sự suy thoái của xã hội pháp quyền và hệ thống chính trị của chúng ta sẽ dừng lại ở đâu? Một điều rõ ràng là các chính trị gia ngày ngày – ở cả hai đảng – đều không có khả năng thỏa hiệp hay hợp tác. Nhiều người còn có ý định đẩy các mâu thuẫn thêm phức tạp, và sử dụng sự bế tắc để đổ lỗi cho người khác.
Vì vậy, chỉ có hai lựa chọn còn lại cho người dân. Một là ngồi nguyên tại chỗ, không làm gì hay nói gì, hai là lên tiếng để bảo vệ đất nước.
Vâng đúng, bầu cử là sự khởi đầu, nhưng có rất nhiều việc cần phải làm trong xã hội để thu hẹp khoảng cách. Trong thời kỳ khó khăn và nguy hiểm này, chúng ta phải tìm các cách thức để hàn gắn [xã hội]. Vậy mọi người đang ở đâu? Quý vị đang ở đâu?
Cô Diane Dimond là một nhà văn và nhà báo điều tra. Cuốn sách mới nhất của cô là “Thinking Outside the Crime and Justice Box” (tạm dịch: “Suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp tội ác và công lý”).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.