Mỏ vàng ở Congo bị tấn công, 2 người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người mất tích
Một phát ngôn viên của lực lượng quân đội tại khu vực cho biết, một khu trại tại địa điểm khai thác vàng ở miền Đông, Cộng hòa Dân chủ Congo đã bị nhóm vũ trang Hợp tác vì sự phát triển của Congo tấn công, khiến hai người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người khác bị bắt cóc nhưng chưa rõ số lượng cụ thể.
Reuters đưa tin một lãnh đạo địa phương và một lãnh đạo xã hội dân sự cũng xác nhận hai trường hợp thiệt mạng và cho biết 8 người Trung Quốc khác đã mất tích sau vụ tấn công hôm 24/11. Họ cũng cáo buộc nhóm vũ trang Hợp tác vì sự phát triển của Congo (CODECO) đã phát động cuộc tấn công trên.
Vụ tấn công xảy ra ở Djugu, thuộc tỉnh Ituri, nơi công dân Trung Quốc có hoạt động khai thác vàng phi chính thức.
“Chúng tôi xác nhận các phần tử CODECO đã tấn công một địa điểm trên địa phận Djugu. Họ cũng tấn công một căn cứ của những người anh em Trung Quốc của chúng tôi. Điều đáng buồn là, họ đã sát hại hai người và bắt cóc những người khác”, Trung úy Jules Ngongo, phát ngôn viên của quân đội ở Ituri cho biết.
Liên Hiệp Quốc cho biết, các vụ tấn công của CODECO đã hạ sát chết hàng trăm thường dân tại khu vực Djugu kể từ năm 2017 và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ quê hương của họ.
Vào đêm Chủ nhật vừa qua (ngày 21/11), khoảng 20 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào dân thường di tản ở Djugu. Chính phủ cũng quy trách nhiệm cho CODECO về vụ việc này.
Các tay súng CODECO chủ yếu đến từ bộ tộc Lendu, vốn có mâu thuẫn từ lâu với bộ tộc Hema.
Vụ tấn công hôm 24/11 là vụ thứ hai nhằm vào trại khai thác của Trung Quốc trong vòng một tuần ở khu vực phía Đông đầy bất ổn của Congo. Một quan chức và một phát ngôn viên quân đội Congo cho biết hôm 21/11 rằng các tay súng đã hạ sát một cảnh sát và bắt cóc năm công dân Trung Quốc gần một mỏ vàng ở làng Mukera, Fiz County, Nam Kivu.
Ở phía Đông Congo có nhiều nhóm vũ trang thường xuyên tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, bao gồm M23, nhóm vũ trang Mai-Mai và nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Giải phóng Luanda (FDLR),v.v.
Các công ty Trung Quốc đã bất chấp nguy hiểm hợp tác với Congo và các quốc gia Phi Châu bất ổn khác để tìm kiếm đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Ở Pakistan và các quốc gia khác thường xuyên xảy ra các cuộc nổi loạn, công nhân Trung Quốc thường là mục tiêu của các vụ bắt cóc và tấn công.
Do Hạ Vũ, Lí Duyên thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: