Mô hình ‘Khải Hoàn Viên’ phát triển, phục vụ cho những người chán nản với tình trạng thiếu lương thực
Các vấn đề về chuỗi cung ứng và vấn đề về nước chỉ là một vài trong số những vấn đề mà thực phẩm sản xuất tại địa phương có thể giúp các cộng đồng phòng tránh
SUN CITY, Arizona — Ngay cả trong bối cảnh thiếu lương thực trên toàn thế giới, ông William Allen vẫn có thể dựa vào những quả cam và kim quất ươm mọng của chú mình.
Ông cũng có trang trại thương mại nhỏ của mình — Trang trại Mojo Tree ở Eloy, Arizona — và cơ sở trồng nấm trong nhà để giúp ông vượt qua thời kỳ khan hiếm lương thực.
Điều này có nghĩa là ông có những sản phẩm bổ dưỡng được trồng tại địa phương để cung cấp cho các khách hàng của mình hàng tuần tại Chợ Nông sản Sun City ở trung tâm Arizona. Ông đã làm điều đó trong thập niên vừa qua.
Chìa khóa cho sự sinh tồn của ông là khả năng thích ứng.
Ông Allen nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi đang cố gắng thoát khỏi các vấn đề về chuỗi cung ứng. Chúng tôi đang cố gắng thoát khỏi các vấn đề về nước. Chúng tôi đang cố gắng thoát khỏi các vấn đề về chính phủ. Chúng tôi đang cố gắng có một hệ thống khép kín của riêng mình, để dù cho bất kể chuyện gì xảy ra trên thế giới, thì tôi vẫn có một trang trại đủ đầy.”
Chợ Nông sản Sun City họp vào thứ Năm hàng tuần tại Trung tâm Giải trí của bãi đậu xe Sun City ngay bên ngoài thành phố Phoenix.
Tại đây, ông Allen và nhiều nhà nông khác của địa phương có thể bày bán sản phẩm của họ trên những chiếc bàn dưới tán cây hoặc mái che.
Nhưng chỉ có các loại thảo mộc tươi không biến đổi gene, đồ tươi nướng, thịt tươi tự nhiên, và hải sản tươi sống mới được bày bán tại khu chợ này.
Tại cơ sở nhỏ của ông Allen, có những chiếc túi nhựa chứa đầy cải bi xen (cải Brussels) được trồng hữu cơ, hành lá, nấm, và nhiều loại rau củ khác nhau.
Khi hạn hán hay nạn đói toàn cầu xảy ra, ông Allen cho biết ông không lo lắng về tình trạng khan hiếm lương thực và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tựa như mảnh đất mà ông đang chăm sóc, ông đã có mọi thứ mình cần rồi.
“Chúng tôi sẽ không gặp bất kỳ vấn đề nào về chuỗi cung ứng. Chúng tôi quán xuyến mọi thứ — giống một hệ thống khép kín,” ông nói. “Chúng tôi biết sắp có vấn đề về nước, vì vậy chúng tôi xây dựng một trung tâm trồng trọt trong nhà. Trong trang trại của chúng tôi, chúng tôi có nước cũng như hệ thống tưới tiêu. Vì vậy, chúng tôi đang đưa ra các giải pháp thay thế, và cũng đang xây dựng hệ thống thủy canh.”
Một thế giới bền vững
Ông Allen cho biết tất cả đều hướng đến tính bền vững và những người nông dân đang chuyển sang một mô hình địa phương hóa hơn.
Những khu chợ nông sản tự nhiên là những điểm bán lẻ tiện lợi ngay cả trong những thời điểm khó khăn.
Ông Allen nói: “Lần trước, khi chúng ta có đại dịch, chúng tôi vẫn bày bán những bàn đầy trứng. Chúng tôi vẫn có đầy đủ danh mục sản phẩm. Vì không phải ai cũng biết về những khu chợ nông sản, nên [mọi người] đã đến cửa hàng bách hóa và không thể tìm thấy thịt.”
“Họ không thể tìm thấy cái này, không thể tìm thấy cái kia. Những người biết về các khu chợ nông sản không hề bị thiếu lương thực.”
Hãy nghĩ đến trang trại và khu vườn nhỏ — nghĩ về những thứ thiết thực nhất — và quý vị sẽ không bao giờ thiếu lương thực. Đây là câu thần chú khi các dự án xanh lớn nhỏ tiếp tục mọc lên phía sân sau nhà và ở các không gian cộng đồng — ngay cả trên các mái nhà của thành phố.
Tại Thành phố New York, Nhóm mục vụ Rauschenbusch Metro Ministries vận hành Dự án Nông trại Hell’s Kitchen, một tổ chức bất vụ lợi đã phát triển mạnh trong thời kỳ xảy ra đại dịch. Trang trại trên sân thượng gồm 52 bồn nhựa chứa đầy đất được thiết lập trên tầng thượng của Nhà thờ Baptist Metro rộng 4,000 bộ vuông (khoảng 371.61 m²) ở dự án Hell’s Kitchen.
Tổng cộng, các luống vun cao lên tạo ra một không gian trồng trọt có diện tích 1,000 bộ vuông (92.9 m²) chứa một lượng lớn các loại cây ăn được, thảo mộc, trái cây, và rau củ.
Theo như trang web của dự án, sứ mệnh của dự án này là “tạo ra một cộng đồng đô thị an toàn hơn thông qua các sáng kiến hợp tác về nông nghiệp, giáo dục và cộng đồng.”
Trang web nêu rõ: “Chúng tôi cố gắng trồng các loại thực phẩm tươi sống này trên một sân thượng trước đây chưa được tận dụng hết tiềm năng để phân phối thông qua một cửa hàng thực phẩm địa phương, cung cấp giáo dục dinh dưỡng cho cộng đồng, và tổ chức một chương trình Nông nghiệp do Cộng đồng Hỗ trợ (Community Supported Agriculture, CSA).”
Cô Natassja Agina, nhân viên của nhóm mục vụ cho biết dự án được thiết lập xung quanh các loại cây trồng theo mùa khác nhau. Sản lượng thông thường bao gồm húng quế, việt quất, dưa chuột, cà chua, rau diếp, ớt, khoai tây, củ cải, cùng các loại trái cây và các loại rau củ thông thường khác.
“Đôi khi chúng tôi sẽ có những người nuôi ong đến và kiểm tra đàn ong,” cô Agina nói với The Epoch Times.
Thành phố New York cũng là nơi có các trang trại cộng đồng trên tầng mái đô thị thành công khác như trang trại Brooklyn Grange rộng 65,000 bộ vuông (6,038.69 m²) và trang trại Eagle Street Rooftop Farm, cũng ở khu Brooklyn.
Vườn Bách Thảo New York cũng mở các lớp học về làm vườn đô thị.
Tổ chức bảo tồn Trust for Public Land cho biết, trên thực tế, các khu vườn cộng đồng đô thị ở Hoa Kỳ đã phát triển trước và kể từ sau đại dịch, đóng một vai trò then chốt trong việc canh tác bền vững ở đô thị.
Kể từ khi tổ chức bất vụ lợi này bắt đầu theo dõi hồi năm 2012, nhóm nhận thấy rằng trong năm 2018, số lượng lô đất vườn trong công viên thành phố đã tăng 44%.
Ngày nay, có hơn 29,000 mảnh đất vườn trong các công viên thành phố ở 100 thành phố lớn nhất quốc gia. Những dự án nhỏ này không chỉ cung cấp không gian chung lành mạnh cho nghề làm vườn mà còn “cung cấp các giải pháp đơn giản cho một loạt các vấn đề phức tạp mà các thành phố của chúng ta đang đối mặt.”
Những người có khiếu làm vườn trong danh sách chờ
Ở St. Johnsbury, Vermont, Bệnh viện Khu vực Đông Bắc Vermont tổ chức một khu vườn cộng đồng theo mùa với 32 lô đất đang canh tác và một danh sách những người có khiếu làm vườn chờ đợi [để được gieo trồng].
Cô Mary Maurer, điều phối viên trung tâm tài nguyên sức khỏe cộng đồng của bệnh viện, cho biết “[các mảnh đất] luôn có chủ — năm này qua năm khác. Có một cô gái đã sở hữu khu vườn của mình 15 năm rồi.”
Khu vườn cộng đồng này thuộc về Vermont Garden Network. Cô Maurer cho biết từng mảnh đất được duy trì bằng chi phí của cá nhân làm chủ và thường có kích thước 25×30 feet (69.67 m²).
“Năm nay bận hơn năm ngoái. Tôi có nhiều cuộc gọi đến hơn. Những cư dân sống ở đây lâu hơn sẽ trồng cây lâu năm. Có cô này chỉ trồng khoai tây. [Những người khác] thì trồng rất nhiều cà chua, rau diếp,” cô Maurer nói với The Epoch Times.
“Năm ngoái, tôi có một người làm vườn nói rằng nếu họ có dư, họ sẽ tặng nông sản của họ. Họ không thể dùng hết.”
Cô nói rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn, mọi người quan tâm đến việc trồng thực phẩm cho riêng mình để bù đắp chi phí thực phẩm của họ. Ngoài ra, nhiều người không có không gian vườn riêng, do đó, nhu cầu về đất vườn của bệnh viện vẫn ở mức cao.
Cô nói: “Rất nhiều người đang tự cung cấp thực phẩm cho mình.”
Bệnh viện cũng có một bể chứa nước có dung tích 550 gallon (chừng 2082 lít) để tưới vườn và các điểm ủ phân để làm phân bón tự nhiên.
“Mọi người đều cố gắng làm sản phẩm hữu cơ và không sử dụng phân bón [hóa học],” cô Maurer nói. “Một số người đến trước khi làm việc. Thời gian họ ở trong vườn là trước khi trời nóng hoặc muộn hơn khi trời mát hơn. Vì vậy, thật tuyệt khi thấy mọi người cùng nhau [làm vườn] trước khi bắt đầu ngày của họ.”
Cô Maurer cho biết thành quả mà mỗi người làm vườn có được sẽ khác nhau dựa trên trình độ kỹ năng và lượng thời gian, cũng như công sức bỏ ra cho việc làm vườn.
Cô nói: “Những người dành thời gian và năng lượng cho việc làm vườn — thì khu vườn đang phát triển tốt. Có đến 99% người muốn làm vườn, muốn làm càng hiệu quả càng tốt.”
Khi nông nghiệp quy mô nhỏ tiếp tục trở thành tâm điểm, các thành phố và thị trấn trên khắp Hoa Kỳ đang tìm cách tận dụng không gian mở của họ, cho dù đó là một khu đất trống hay trên tầng thượng của một tòa cao ốc đô thị.
Những khu vườn nhỏ: Tất cả đều tăng thêm
Anh Christian Kanlian, một nhà tư vấn hệ thống thực phẩm tại Agritecture ở khu Brooklyn, cho biết công việc của anh là giúp khách hàng lập kế hoạch cho các giải pháp canh tác đô thị và tối đa hóa không gian trồng trọt. Công ty hiện có hơn 300 khách hàng từ 40 quốc gia.
Anh Kanlian cho biết danh mục đầu tư của công ty bao gồm các dự án nông nghiệp đô thị thành công đang sử dụng công nghệ mới nhất.
Ví dụ: Farm One là một nông trại thẳng đứng (vertical farm) trong nhà ở khu Manhattan sử dụng công nghệ thủy canh để trồng các loại thảo mộc ẩm thực được sử dụng trong các nhà hàng cao cấp nhất của Thành phố New York.
Anh Kanlian cho biết mục tiêu của công ty là giúp xây dựng các hệ thống thực phẩm địa phương và có khả năng chống chịu với khó khăn để đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng.
Anh nói với The Epoch Times rằng, “Hoàn toàn có sự gia tăng trong khu vực của chúng tôi. Tôi nghĩ mọi người đang quan tâm đến việc biết được nguồn gốc các loại thực phẩm của họ.”
Anh Kanlian cho biết anh chỉ thấy có sự quan tâm nhiều hơn đến các khu vườn gia đình và cộng đồng vì thành công trong quá khứ của mô hình này ở Hoa Kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong thời kỳ khủng hoảng năm 1883, 975 gia đình đã được nuôi sống với chỉ 430 mẫu Anh. Năm triệu “khải hoàn viên” (victory garden) trong Đệ nhất Thế chiến đã sản xuất được 528 triệu pound (239,497 tấn) lương thực, trong khi những khu vườn nhỏ cung cấp cho 23 triệu gia đình trong thời kỳ Đại Suy Thoái.
Anh Kanlian cho biết, “những khải hoàn viên” trong Đệ nhị Thế chiến đã trồng được một nửa số rau và lương thực của cả nước. Anh nhận thấy các loại phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác hữu cơ đang trở lại khi phân bón nitơ nhập cảng tiếp tục khan hiếm.
Anh Kanlian cho biết, “Tôi nghĩ rằng xu hướng tiến tới [làm nông] trong khu vực sẽ chỉ tăng lên. Tôi nghĩ rằng cần có [các sự kiện toàn cầu] để thay đổi mọi thứ. Phần lớn nỗ lực sẽ phải đến từ các thành phố và chính phủ địa phương để khuyến khích sản xuất.”
Anh Allen cho biết anh sử dụng tro và than củi để làm phân bón tự nhiên, ngoài việc ủ phân truyền thống.
Tất cả đều nằm trong tầm nhìn của anh về việc tạo ra một hệ thống nông nghiệp khép kín không bị ảnh hưởng bởi các tập đoàn nông nghiệp, “ông Bill Gates và toàn bộ việc thao túng thành phần thịt [thịt nhân tạo] kia — những người đang cố gắng gây ra sự xáo trộn với phân bón, xáo trộn với thực phẩm, tất cả những thứ GMO này.”
“Theo thời gian, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng họ không muốn [thực phẩm nhân tạo]. Nếu 20 năm trước quý vị hỏi tôi câu hỏi này, thì có lẽ quý vị sẽ thấy chỉ có một trong số 100 [người] nhận ra thực phẩm GMO,” anh Allen nói.
“‘Này, tại sao thức ăn của tôi lại có vị giống như nhựa vậy?’ Mọi người bắt đầu nhận thức rõ hơn. Tôi biết thông tin các sản phẩm đang bày bán trên thị trường, họ không thích điều đó. Chính xác là họ đang có mặt tại đây vì họ không có hứng thú với các loại thịt bằng nhựa.”
Ông Allan Stein là ký giả của Epoch Times chuyên về tiểu bang Arizona.
Chú thích của dịch giả: Khải Hoàn Viên (Victory Garden) là phong trào làm vườn trong suốt thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến tại sân sau các khu nhà ở tư nhân và công viên công cộng ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, và Đức để tự cung cấp.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: